- Hội đồng giải VinFuture chia sẻ về quá trình xét duyệt gắt gao gần 1.000 đề cử
- VinFuture công bố hoạt động Tuần lễ Khoa học công nghệ 2022
Nhận định thế giới đang quá phụ thuộc điện thoại di động và Internet, GS Vinton Gray Cerf cảnh báo cần tìm cách ứng phó linh hoạt hơn trong tương lai.
Giáo sư Vinton Gray Cerf (79 tuổi, người Mỹ, tốt nghiệp Đại học Stanford) là một trong những nhà khoa học vừa được vinh danh giải thưởng khoa học công nghệ lớn nhất hành tinh - VinFuture Grand Prize 2022 trị giá 3 triệu USD. Ông được biết đến là một trong những “cha đẻ' của Internet.
Ngay sau khi nhận được giải thưởng danh giá này, giáo sư Vinton Gray Cerf có những chia sẻ với phóng viên VTC News.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ (giữa) trao giải thưởng chính cho giáo sư Vinton Gray Cerf (thứ 2 từ trái sang) và các nhà khoa học đoạt giải VinFuture năm nay.
Người khai sinh Internet
- Cảm xúc của ông thế nào khi là một trong những nhà khoa học được nhận giải thưởng chính (VinFuture Grand Prize) trị giá 3 triệu USD năm nay?
Hồi đầu năm 2022, tôi từng viết thư đề cử giáo sư David Payne cho giải thưởng VinFuture 2022. Khi ấy, tôi tin rằng những phát kiến của người bạn thân thiết của tôi sẽ được Hội đồng Sơ khảo và Hội đồng giải thưởng VinFuture mùa 2 công nhận và xét giải.
Thật bất ngờ, sau đó vài tháng, tôi lại là người được VinFuture gửi thư báo về giải thưởng. Phản ứng đầu tiên khi nhận thư của tôi là: “Chắc họ muốn gửi thư này cho ông David”. Khi biết mình là người nhận giải, tôi vô cùng kinh ngạc.
Điều hạnh phúc hơn nữa là tất cả những người được trao giải thưởng chính năm nay đều là những người bạn thân thiết, gồm: giáo sư Bob Kahn, giáo sư Tim Berners-Lee và giáo sư Sir David Payne.
- Hành trình đến với phát kiến Internet của ông thế nào?
Từ nhỏ, thế giới của tôi luôn xoay quanh máy tính và điện toán. Vào thập niên 60 của thế kỷ XX, dù khi ấy mới chỉ 17 tuổi nhưng tôi luôn hào hứng với việc viết các chương trình và khiến máy tính thực hiện những gì mình mong muốn. Điều này giống như tạo ra vũ trụ thu nhỏ vậy, bạn có thể yêu cầu nó làm những gì bạn muốn.
Khi tôi đang là sinh viên sau đại học (năm 1970), Bộ Quốc phòng Mỹ khởi động một dự án có tên ARPANET, hướng đến việc kết nối máy tính giữa các trường đại học nghiên cứu về công nghệ máy tính. Bộ Quốc phòng làm điều này vì họ muốn biết các nhóm đang nghiên cứu về khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo hay không và có các chương trình để đạt được tiến bộ nhanh hơn hay không.
Vấn đề lớn nhất tôi gặp phải là sự kết nối giữa các máy tính. Chúng đến từ nhiều nhãn hàng khác nhau và không có phương thức liên kết chung.
Một vấn đề khác là việc liên lạc thời đó thường sử dụng mạng lưới điện thoại cố định có dây - phải quay số rồi chờ người khác trả lời. Đây là quá trình rất chậm chạp, trong khi máy tính thì chạy rất nhanh. Tôi và cộng sự của mình đã lập trình thành công một công nghệ mới giúp máy tính liên lạc với nhau dễ dàng - đó là ARPANET.
- Ông đã làm gì để vượt qua khó khăn khi đó?
Năm 1973, Bộ Quốc phòng tiếp tục muốn thử sử dụng máy tính để quản lý dữ liệu tốt hơn, trên cơ chế chỉ huy và kiểm soát. Điều này có nghĩa một số máy tính phải có thể di động, thay vì cố định. Một số sẽ ở trên thuyền và một số sẽ ở trên máy bay.
Trong khi với ARPANET, chúng tôi mới chỉ kết nối các máy tính ở các vị trí cố định bởi mạch điện thoại. Nhóm khoa học phải đối mặt với thách thức lớn: Cách sử dụng các mạng radio hay vệ tinh khác nhau để kết nối máy tính với nhau, cũng như cho phép kết nối số lượng mạng lưới lớn tùy ý.
Đối diện với bài toán thế kỷ, chúng tôi chỉ mất 6 tháng để hoàn thành. Năm 1974 chính là dấu mốc cho sự ra đời của Internet.
Trước đó một thời gian, chúng tôi cũng sáng lập ra thư điện tử - email. Bước tiến này cũng cho phép chúng ta vượt qua vấn đề về múi giờ, bạn có thể gửi một email khi người khác đang ngủ. Lúc thức dậy, họ có thể kiểm tra và trả lời. Mọi người có thể tương tác với nhau mà không cần phải cùng thức - khiến hai bên phải xác định một khung giờ cho nhau.
- Khi bắt tay nghiên cứu Internet, ông có nghĩ nó sẽ lớn mạnh và cần thiết với thế giới như ngày nay?
Tôi từng nói về email list và những tương tác xã hội trên Internet - điều vẫn diễn ra cả trong giai đoạn sơ khai của Internet. Chúng tôi từng cố gắng tạo ra giọng nói có nhịp điệu và video nhịp độ vào những năm 1970, chỉ là khi đó, chúng tôi không có nhiều khả năng để thực hiện, nên chúng tôi không thể có nhiều hơn 1-2 kênh truyền tải.
Nhưng tôi cũng đã suy nghĩ về cách thức thực hiện. Theo thời gian, chuyện đã xảy ra là dung lượng của Internet tăng lên đáng kể, một phần nhờ vào cáp quang, radio và modem, máy tính tốc độ cao hơn và bộ định tuyến (router) nhanh hơn.
Hai điều ngạc nhiên lớn nhất đối với tôi, là sự xuất hiện của World Wide Web (www). Đó là thứ không ai đoán trước được, nhưng lại tác động vô cùng lớn. Thứ hai là sự xuất hiện của điện thoại thông minh. Internet và điện thoại di động bỗng nhiên kết hợp với nhau. Điện thoại thông minh có thể truy cập Internet, có máy ảnh, hệ thống máy tính và có thể chạy các giao thức và ứng dụng Internet. Như vậy, chúng ta bất ngờ có một thiết bị mà khi “hypergolic” - có nghĩa là khi bạn kết hợp chúng lại với nhau, chúng sẽ “bùng nổ”.
Thế giới ra sao nếu không có Internet?
Giáo sư Vinton Gray Cerf.
- Thế giới sẽ ra sao nếu không có Internet và www?
Tôi sinh năm 1943 - ngay giữa Thế chiến 2 và không có tivi. Sau này nhà tôi mới có điện thoại dây, nối chung đường dây với ba nhà khác. Tôi biết rõ thế giới như thế nào khi không có tivi, không có điện thoại di động.
Điều tôi lo lắng chính là trong thời đại ngày nay, chúng ta làm mọi thứ quá thuận tiện. Khi muốn biết một điều gì đó, tôi chỉ cần lên Google để tra cứu. Thường thì tôi có thể đặt mua trực tuyến và được giao hàng tận nơi. Đây là một thế giới rất khác so với 30 - 50 năm trước.
Kế đến, tôi lo lắng việc chúng ta quá phụ thuộc vào điện thoại di động. Nếu một ngày nó bị hỏng thì chắc rất nhiều điều tồi tệ sẽ xảy ra. Giống như bạn không thể đăng nhập vào hệ thống, vì bạn không thể thực hiện được xác thực hai lớp. Công ty có thể vì đó mà không ký được hợp đồng cần thiết. Thậm chí ngay sau đó bạn có thể phá sản.
Chúng ta thực sự quá phụ thuộc vào một số công nghệ của Internet. Chúng ta cần suy nghĩ nhiều hơn về việc làm thế nào để linh hoạt ứng phó hơn. Ví dụ, hãy để laptop, iPad hoặc máy tính desktop thực hiện các chức năng mà điện thoại di động đang đảm nhiệm. Đó là sự dự phòng. Chúng ta nên tạo ra nhiều lựa chọn dự phòng hơn, bền bỉ hơn, nhiều lựa chọn hơn để có thể làm được việc khi điện thoại di động gặp sự cố.
- Khi tạo ra giao thức Internet, ông có nghĩ đến những hoạt động độc hại trên không gian mạng. Ông đã làm gì để ngăn chặn hành vi độc hại, từ đó bảo vệ không gian mạng an toàn?
Nhiều người từng hỏi tôi câu này, câu trả lời thực ra rất phức tạp. Khi bắt đầu làm việc cho Bộ Quốc phòng Mỹ (năm 1970), hệ thống IP được tính toán là cơ sở hạ tầng cho việc chỉ huy và kiểm soát nội bộ. Vì vậy, chúng tôi nỗ lực mã hóa hệ thống này. Trên thực tế, chúng tôi đã phát minh ra công nghệ mật mã hóa gói dữ liệu nhằm phục vụ cho việc mã hóa.
Một điều quan trọng khác cần làm rõ là vào thời điểm hệ thống được hoàn thiện, không có bất kỳ mã hóa khóa công khai nào, tất cả đều là khóa bất đối xứng. Do đó, thuở sơ khai, chúng tôi chưa nghĩ đến việc ngăn chặn độc hại.
Internet là hệ thống kép, không thể phân biệt thông tin tốt và thông tin xấu. Nhiều ý kiến cho rằng chúng ta nên sử dụng trí tuệ nhân tạo và các thuật toán máy học để phân biệt tốt xấu, nhưng chúng cũng không hoạt động tốt cho lắm.
Chúng ta cần phải nỗ lực trong việc xây dựng chính sách và trách nhiệm giải trình. Thông thường, đó là vấn đề chính sách chứ không phải vấn đề kỹ thuật. Chúng ta có thể sử dụng các biện pháp kỹ thuật để yêu cầu mọi người xác nhận danh tính, hoặc ít nhất phải có khả năng xuyên qua bức màn ẩn danh khi cần.
Internet không phải thuốc chữa bách bệnh, nhưng nó là công cụ quan trọng. Chúng ta bắt đầu chứng kiến nhiều công nghệ trình làng, giúp việc tiếp cận Internet trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ như vệ tinh quỹ đạo tầm thấp, điển hình là Starlink, có ứng dụng rất lớn, giúp Internet vươn tới những nơi khó tiếp cận.
Thách thức lớn nhất hiện nay là quan tâm hơn các chính sách liên quan Internet, công nghệ trực tuyến và công nghệ thông tin nhằm giúp mọi người bảo vệ và chống lại các hành vi xấu, đồng thời buộc mọi người phải chịu trách nhiệm cho những hành vi gây hại.
Công nghệ có thể giúp ích, nhưng nếu không có quy tắc, luật lệ và các hiệp ước cho phép các quốc gia hợp tác thì nó sẽ không thể giải quyết mọi vấn đề. Đôi khi một người ở nước này có thể làm hại một người khác ở một nước khác, vượt qua ranh giới quốc tế. Điều này có nghĩa chúng ta phải hợp tác với nhau để xác định nạn nhân, xác định người bị hại và đồng thuận với nhau về bên chịu trách nhiệm.
Khiếm thính lúc 13 tuổi
- Ông có thể chia sẻ về thách thức lớn nhất cuộc đời và ông vượt qua nó thế nào?
Tôi không phải là người trải qua nhiều thử thách, thậm chí được hưởng khá nhiều đặc quyền. Tôi có chút vấn đề với thính giác. Từ khi 13 tuổi, tôi bắt đầu đeo máy trợ thính để có thể nghe được thế giới. Vấn đề thính giác chỉ là một thử thách nhỏ, không phải nghiêm trọng.
Có lẽ người gặp nhiều thử thách hơn là vợ tôi. Bà ấy sinh ra với thính giác bình thường, nhưng khi lên 3 lại bị mất hoàn toàn thính giác, không thể nghe bất cứ điều gì trong 50 năm trời.
Thời mới lấy nhau, chúng tôi chỉ có thể giao tiếp với nhau qua cử chỉ môi và tay. Bà ấy phải sống trong thế giới của sự im lặng. Mãi đến năm 1996 và 2006, sau khi trải qua hai lần phẫu thuật cấy ghép ốc tai điện tử thì tai của vợ tôi mới nghe được trở lại. Bà ấy hiện có thể thưởng thức những bản nhạc của Bach và Beethoven.
- Trong sự nghiệp của mình, ông từng được trao nhiều giải thưởng danh giá. Với VinFuture, giải thưởng này có ý nghĩa thế nào với ông?
GS Vinton Gray Cerf.
Trước hết, tôi ấn tượng với quy mô của giải thưởng. Kế đến, tôi rất ngạc nhiên là tuyên bố của người sáng lập quỹ VinFuture thông qua giải thưởng này - họ sẵn sàng ghi nhận những đóng góp từ bên ngoài Việt Nam, đề cao giá trị phụng sự nhân loại. Đó là một thế giới quan mà không phải quốc gia nào cũng có được.
Vượt ra ngoài quốc gia, châu lục, giải thưởng đã vinh danh những thành tựu khắp thế giới, bất kể xuất phát từ đâu, bất kể ai là người dẫn dắt nên những thành công ấy. Tuyên bố sứ mệnh của giải thưởng rất tuyệt vời và không phải ai cũng có thể đi theo triết lý này.
- Lần đầu tới Việt Nam, ông có thông điệp gì muốn gửi tới các thế hệ nhà khoa học trẻ không?
Bài học đầu tiên, nếu muốn làm bất cứ điều gì lớn lao, hãy tìm đến sự giúp đỡ, đặc biệt từ những người thông minh hơn.
Bài học thứ hai, đừng sợ mắc sai lầm. Trên thực tế, chúng ta sẽ học được từ những sai lầm của chính mình nhiều hơn là học từ thành công.
Bài học thứ ba, đừng quá coi trọng công trạng. Khi sự việc diễn ra không như ý, chúng ta không phải nhận chỉ trích quá nhiều.
Bài học thứ tư, hãy khiêm tốn và lắng nghe người khác. Đôi khi tôi phải cố gắng để các kỹ sư có thể thoải mái nói với mình rằng tôi đang làm điều gì đó ngu ngốc.
Không ít lần tôi nhăn trán tự vấn: Làm sao mình có thể ngốc đến vậy. Do vậy, việc tìm ra những người sẵn sàng nói với bạn khi bạn đang làm điều gì sai lầm, là rất quan trọng. Bạn có thể không đồng ý và bạn có thể tranh luận, phản bác lại họ. Nhưng điều quan trọng là phải có những cuộc đối thoại phản biện như vậy.