Cáp quang - Cuộc chiến ngầm trị giá hàng nghìn tỷ USD

Là "hệ thần kinh" truyền tải hơn 95% dữ liệu toàn cầu, cáp quang biển đang trở thành trận địa ngầm giữa các nước lớn.

Dưới đây là bản đồ một trong những cơ sở hạ tầng quan trọng nhất trên thế giới - hơn 500 tuyến cáp quang ngầm chạy dưới đáy đại dương. Từ email đến thanh toán ngân hàng hay liên lạc quân sự - những sợi quang này truyền tải hơn 95% dữ liệu liên lục địa, ước tính trị giá hàng nghìn tỷ USD mỗi ngày.

Bản đồ các tuyến cáp quang lớn trên toàn thế giới. (Ảnh: Foreign Policy)

Bản đồ các tuyến cáp quang lớn trên toàn thế giới. (Ảnh: Foreign Policy)

Sự tồn tại của những sợi cáp này cũng là một "chiến trường ngầm" giữa Mỹ và Trung Quốc. Theo Drew Fitzgerald, phóng viên chuyên mảng viễn thông của tờ WSJ, "chúng là mục tiêu hấp dẫn cho hoạt động gián điệp và giám sát".

Có quá nhiều dữ liệu được truyền tải khắp thế giới đến nỗi các mạng vệ tinh và mạng không dây hiện tại không thể xử lý hết được, khiến cáp quang ngầm trở thành phương tiện truyền dữ liệu chính.

Về năng lực lắp đặt, EU và Mỹ dẫn đầu toàn cầu. Dữ liệu từ công ty phân tích cáp ngầm Telegeography cho thấy các công ty từ châu Âu, Mỹ và Nhật Bản đã lắp đặt hơn 85% số cáp. Trong đó, tổng số chiều dài cáp của EU là khoảng 550.000 km, của Mỹ là 500.000 km

Từ năm 2008, một "siêu cường cáp quang" mới nổi lên, chính là Trung Quốc. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc coi xây dựng cáp quang là một phần rất quan trọng trong thành công kinh tế trong tương lai của họ. Fitzgerald cho hay, Chính phủ Trung Quốc đã khuyến khích đầu tư rất nhiều vào các công ty tàu biển chế tạo và lắp đạt cáp, cũng như cơ sở hạ tầng đảm bảo băng thông.

Được thành lập vào năm 2008, công ty lắp đặt cáp Huawei Marine Networks (HMN) đã nhanh chóng đưa Trung Quốc vào hàng ngũ những "người chơi toàn cầu" trong ngành cáp quang. Một trong những dự án tham vọng nhất của công ty là Cáp Hòa Bình, ước tính có chi phí 425 triệu USD. Mạng lưới cáp quang dài 25.000 km này đã đi vào hoạt động vào năm 2022, kết nối khoảng 10 quốc gia ở châu Á, châu Phi và châu Âu.

Việc Trung Quốc đầu tư vào ngành cáp ngầm là một phần trong chiến lược Sáng kiến ​​Vành đai và Con đường, đó là mở rộng nền kinh tế, quan hệ ngoại giao và tăng cường quan hệ kinh tế với nhiều quốc gia trên thế giới.

Chính sách hạn chế của Washington

Nhưng sau Cáp Hòa Bình, Trung Quốc có thể gặp rất nhiều khó khăn trong việc mở rộng mạng lưới cáp quang quy mô lớn vì sự can thiệp của Mỹ, theo WSJ. Tham vọng mở rộng tuyến cáp quang biển của Trung Quốc dựa nhiều vào Huawei, vốn đã trở thành mục tiêu trong lệnh trừng phạt của chính quyền Trump vì lo ngại gián điệp.

Tuyến Cáp Hòa Bình do HNM lắp đặt. (Ảnh: Submarine Networks)

Tuyến Cáp Hòa Bình do HNM lắp đặt. (Ảnh: Submarine Networks)

Gã khổng lồ viễn thông đã bác bỏ những lo ngại này nhưng bán cổ phần của mình tại Huawei Marine Networks cho một công ty Trung Quốc, và đổi tên thành HMN Tech. Tuy nhiên, điều này không làm giảm bớt nỗi lo ngại của Washington rằng các tuyến cáp ngầm ngày càng dễ trở thành mục tiêu do thám.

Các quan chức Hoa Kỳ lập luận rằng nếu quá nhiều công ty Trung Quốc đóng vai trò tích cực trong việc xây dựng, sở hữu và bảo trì các tuyến cáp này, họ sẽ không thể ngăn chặn việc một lượng lớn lưu lượng truy cập internet của Mỹ và đồng minh bị giám sát, cũng như phụ thuộc về hạ tầng.

Vào năm 2020, Washington đã ban hành các chính sách loại trừ các công ty Trung Quốc khỏi cơ sở hạ tầng internet của mình. Cựu Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố: "Chúng tôi đang nỗ lực để đảm bảo rằng Bắc Kinh không thể xâm phạm thông tin được truyền tải bởi các tuyến cáp ngầm kết nối Mỹ và các quốc gia khác qua internet toàn cầu".

Do hạn chế của Mỹ, các công ty lắp đặt cáp phải hủy bỏ kế hoạch kết nối trực tiếp giữa Los Angeles và Hong Kong. Mỹ không cấm hoàn toàn công nghệ Trung Quốc trong lĩnh vực hạ tầng internet toàn cầu. Tuy nhiên, Washington đang nỗ lực thuyết phục các chính phủ và công ty tư nhân không sử dụng công nghệ hoặc linh kiện Trung Quốc để xây dựng cáp tại các địa điểm họ cho là quan trọng về mặt chiến lược.

Năm 2022, Nhà Trắng đã giúp liên doanh lắp đặt cáp của Mỹ SubCom trúng thầu một dự án trị giá 600 triệu USD mà HMN Tech cũng tham gia đấu thầu. Giống như Cáp Hòa Bình do Trung Quốc xây dựng, dự án mới sẽ kết nối Đông Nam Á với Châu Âu thông qua Trung Đông. 

Cơ hội cho Trung Quốc

Bất chấp những nỗ lực hạn chế của Mỹ, cuộc cạnh tranh giữa Washington và Bắc Kinh còn lâu mới kết thúc. Các công ty Trung Quốc như HMN Tech và SBSS vẫn đang đóng tàu và nhà máy mới để nâng cao năng lực lắp đặt cáp. Những con tàu này không chỉ xây dựng cáp mà còn sửa chữa, bảo trì chúng.

Tuyến cáp ngầm dưới biển rất mong manh và cần bảo trì thường xuyên. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Tuyến cáp ngầm dưới biển rất mong manh và cần bảo trì thường xuyên. (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Có hàng trăm loại cáp trên khắp thế giới, và người dùng internet hẳn biết chúng mong manh, cần được bảo trì thường xuyên đến thế nào. Chúng dễ bị tổn thương do nhiều yếu tố khác nhau. Hầu hết các hư hỏng cáp là không cố ý, chủ yếu bắt nguồn từ hoạt động va chạm vô tình của con người. Các mối nguy hiểm tiềm ẩn đối với cáp quang bao gồm từ thiết bị neo đậu và đánh cá đến các hiện tượng thiên nhiên như động đất. Hư hỏng đối với cáp ngầm tương đối phổ biến - ước tính có khoảng 100 đến 150 cáp bị đứt mỗi năm, chủ yếu là do thiết bị đánh cá hoặc neo đậu.

Với năng lực đóng tàu vượt trội, Trung Quốc có thể kỳ vọng lấp đầy chỗ trống trong lĩnh vực này, khi mà số con tàu bảo trì trên toàn cầu vẫn đang rất thiếu, mới chỉ ở mức 50 chiếc.

Dù đối mặt với khó khăn, HMN Technologies đã cung cấp 18% cáp ngầm (về tổng chiều dài) được lắp đặt trên toàn thế giới trong 4 năm qua. Trong 10 năm qua, đây cũng là công ty xây dựng cáp ngầm phát triển nhanh nhất thế giới. Một báo cáo năm 2020 của Ủy ban Truyền thông Mỹ (FCC) đã chỉ ra HMN Technologies đã "xây dựng hoặc sửa chữa" gần 25% cáp ngầm và chỉ nắm 7% số lượng cáp đang được xây dựng trên toàn cầu.

https://vtcnews.vn/cap-quang-cuoc-chien-ngam-tri-gia-hang-nghin-ty-usd-ar893330.html

Thạch Anh(Nguồn: WSJ) / VTC News