Cao tốc Bắc - Nam khó về đích đúng kế hoạch

Thực tế đến nay hàng loạt dự án liên quan đến cao tốc Bắc-Nam đang đứng trước nguy cơ khó về địch đúng hẹn.

“20 năm qua chúng ta chỉ làm được gần 1.200 km đường bộ cao tốc. Trong 10 năm tới (2021 - 2030), chúng ta cần phải làm gần 4.000 km đường bộ cao tốc mới. Đây là nhiệm vụ chính trị, là trách nhiệm và vinh dự của chúng ta trước Đảng, Nhà nước và nhân dân. Chúng ta quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ được giao với sự vào cuộc của các bộ, ngành, địa phương, của nhân dân, của các tổ chức tín dụng và cả hệ thống chính trị”, Thủ tướng từng nhấn mạnh tại cuộc họp về thực hiện xây dựng đường bộ cao tốc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Vậy nhưng, thực tế đến nay hàng loạt dự án liên quan đến cao tốc Bắc-Nam cũng đang đứng trước nguy cơ khó về địch đúng hẹn.

Cao tốc Bắc - Nam khó về đích đúng kế hoạch (bài 2) -0
Nhiều đoạn tuyến trên cao tốc Bắc-Nam đang chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.

Các dự án đang thi công đều chậm tiến độ

Theo báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), tính đến cuối tháng 7/2022, tổng khối lượng xây lắp của các dự án cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020 mới đạt khoảng 45,6% giá trị hợp đồng, chậm khoảng 1,7% so với kế hoạch. Trong đó, 4 dự án thành phần có kế hoạch về đích trong năm 2022 bao gồm: Mai Sơn-Quốc lộ 45; Cam Lộ-La Sơn; Vĩnh Hảo-Phan Thiết; Phan Thiết-Dầu Giây đều rơi vào tình trạng chậm tiến độ.

Cụ thể, Dự án Mai Sơn-QL45 do Ban quản lý Thăng Long làm chủ đầu tư có sản lượng đạt 67,4% chậm 2,9%; đoạn Cam Lộ-La Sơn do Ban Quản lý dự án Hồ Chí Minh đảm nhận, cũng chỉ đạt 91,1% khối lượng công việc, chậm từ 4-8 tháng so với kế hoạch ban đầu. Đoạn Vĩnh Hảo-Phan Phiết do Ban Quản lý dự án 7 đảm nhiệm phần vốn chủ đầu tư cũng chỉ đạt 46,2% sản lượng, chậm 1,8% so với kế hoạch điều chỉnh đề ra. Cuối cùng là đoạn Phan Thiết-Dầu Giây sản lượng thi công đạt 51,38%, chậm 0,57% so với kế hoạch điều chỉnh. Với 4 dự án hoàn thành năm 2023 gồm QL45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Nha Trang - Cam Lâm; cầu Mỹ Thuận 2, thì có đoạn QL45 - Nghi Sơn sản lượng đạt 45,63%, chậm 1,72% tiến độ thi công. Tình cảnh chậm tiến độ cũng diễn ra tương tự với 2 dự án hoàn thành năm 2024 (Diễn Châu - Bãi Vọt; Cam Lâm - Vĩnh Hảo). Hàng loạt nguyên nhân cũng được các Ban quản lý đưa ra để lý giải cho sự chậm trễ trên. Nào là do thời tiết mưa nhiều ảnh hưởng đến thi công bê tông nhựa; do biến động giá nhiên kiệu, vật liệu xây dựng, khó khăn về nguồn đất đắp nền đường…khiến các nhà thầu “lơ là” cam kết về tiến độ.

Trong khi một số Ban quản lý dự án cho rằng, một phần lỗi là do nhà thầu, thì gần đây lãnh đạo 20 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội các nhà thầu thi công cao tốc Bắc-Nam đã đồng loạt ký gửi văn bản kiến nghị Ủy Ban Thường vụ Quốc hội; Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ và các Bộ liên quan xem xét giải quyết bất cập, tháo gỡ khó khăn hỗ trợ nhà thầu thi công, nhà đầu tư thực hiện cao tốc Bắc-Nam giai đoạn 2017-2020. Trong văn bản kiến nghị dài 11 trang của Hiệp hội các nhà thầu cao tốc Bắc-Nam cho rằng, ngay sau khi khởi công các dự án thành phần, nhà thầu phải đối mặt với tình trạng nhiều loại vật liệu chính biến động tăng đột biến và liên tục leo thang lên mặt bằng giá mới.

“Cộng các biến động một số vật tư, vật liệu chính nêu trên (chưa tính biến động máy thi công, nhân công) tăng khoảng 20-30% so với giá trị hợp đồng trừ dự phòng”, Hiệp hội các nhà thầu phản ánh. Đồng thời, Hiệp hội này còn cho biết, với biến động quá lớn, đơn giá thanh toán cho khối lượng hoàn chỉnh theo hợp đồng không đủ để mua vật tư, vật liệu. Hiện, các nhà thầu còn tham gia thi công đồng thời một số dự án thành phần cao tốc Bắc-Nam và đều trong tình trạng mất cân đối nghiêm trọng. “Thực tế, trong 3-4 tuần trở lại đây, tại nhiều dự án thành phần, các nhà thầu đã không thể duy trì tiến độ, cường độ công việc cao như giai đoạn trước, nếu không có các giải pháp kịp thời của các cấp có thẩm quyền trong thời gian ngắn sắp tới, nguy cơ vỡ tiến độ là hiện hữu”, nội dung văn bản nêu.

 Có hay không tình trạng “giơ cao, đánh khẽ”?

Báo cáo tình hình về Bộ GTVT, một trong những giải pháp khắc phục tiến độ được các Ban Quản lý đưa ra là kiên quyết xử lý dứt điểm các nhà thầu vi phạm và xem xét không cho tham gia các dự án do Bộ GTVT quản lý. Cụ thể, ngày 5/8, trao đổi nhanh với phóng viên, đại diện Cục quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (Bộ GTVT ) cho biết, tại dự án thành phần Cam Lộ - La Sơn, Bộ GTVT đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cắt chuyển 1,49 km (0,56 km thuộc gói thầu XL3 và 0,93 km thuộc gói XL5) và một số đường đầu cầu, đường đầu hầm chui tại các gói thầu XL3, XL5 và XL7 của một số nhà thầu phụ cho nhà thầu chính thi công.

"Sau chỉ đạo xử lý nhà thầu yếu, Bộ cũng đã yêu cầu Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, tư vấn giám sát kiểm soát chặt chẽ tiến độ các gói thầu, triển khai thi công đảm bảo tiến độ đã cam kết. Trong đó, 3 gói thầu hoàn thành trước ngày 30/8/2022 và 2 gói hoàn thành trước ngày 30/9/2022", lãnh đạo Cục Quản lý Xây dựng và Chất lượng công trình giao thông thông tin.

Cùng đó đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết đã thực hiện cắt chuyển khối lượng 21km, đang thực hiện các thủ tục bổ sung thầu phụ để thi công 4km; tuy nhiên, do giá vật liệu xây dựng biến động tăng cao nên việc tìm kiếm các nhà thầu để bổ sung là rất khó khăn. Tại đoạn Diễn Châu - Bãi Vọt, Bộ GTVT đã yêu cầu nhà đầu tư lập tiến độ thi công điều chỉnh, bổ sung nguồn lực, làm tăng ca để bù lại khối lượng đã bị chậm.

Hiện nay, Bộ GTVT đang chỉ đạo Ban QLDA 6 tiếp tục theo dõi tiến độ thực hiện và có các giải pháp quyết liệt để bảo đảm tiến độ hoàn thành dự án; đồng thời, Bộ GTVT đã thành lập 2 Tổ công tác kiểm tra, giám sát, cụ thể: Tổ công tác số 1 thực hiện kiểm tra, rà soát các nội dung hợp đồng BOT để xem xét, xử lý trách nhiệm của Nhà đầu tư; Tổ công tác số 2 thực hiện kiểm tra, rà soát việc thực hiện kế hoạch, tiến độ thi công và đã có báo cáo Bộ GTVT giao Ban QLDA6 ban hành văn bản nhắc nhở, cảnh báo lần 2 đối với nhà đầu tư/ doanh nghiệp dự án về việc chậm triển khai dự án.

Nhìn nhận việc “trảm” các nhà thầu, nhiều chuyên gia cho rằng, vẫn còn tình trạng “giơ cao đánh khẽ”. Mới đây, vào ngày 2/8, tại buổi làm việc với đoàn công tác của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai về một số đoạn đường bộcao tốc Bắc – Nam phía Đông, Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ đã yêu cầu các nhà thầu phải báo cáo chi tiết, rõ ràng hơn về trách nhiệm trong việc chậm trễ tiến độ. Thứ trưởng thẳng thắn giao, các dự án cao tốc Bắc - Nam đoạn phía Đông đang thi công hiện nay như Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây… phải hoàn thành đúng tiến độ trước ngày 31-12-2022, không có trường hợp lùi thời gian. Đồng thời, đặt ra yêu cầu có thể hoàn thành thông xe kỹ thuật năm 2022, còn các chi tiết nhỏ hơn dời sang năm 2023.

Các chủ đầu tư và nhà thầu phải suy nghĩ làm cho bằng được, mặc dù khó khăn. Bộ đang kiên quyết làm, sẽ xử lý nghiêm trách nhiệm, không có tình trạng để đơn vị thi công cầm chừng. Đồng thời, Thứ trưởng cũng cho rằng các nhà thầu phải báo cáo trung thực, khách quan về chuyện tăng giá để có những giải pháp hợp lý, không thể nói chung chung để "than" khổ.

https://cand.com.vn/van-de-hom-nay-thoi-su/cao-toc-bac-nam-kho-ve-dich-dung-ke-hoach-bai-2--i663156/

Đặng Nhật / Công an nhân dân