Thiếu oxy thầm lặng ở bệnh nhân COVID-19 khiến bệnh nhân nhanh chóng suy hô hấp, nếu không được phát hiện kịp thời người bệnh sẽ hôn mê, tử vong. Nhiều người test nhanh âm tính, song vẫn rơi vào tình trạng thiếu oxy ”thầm lặng”. Bệnh hay gặp ở người cao tuổi, có bệnh nền, chưa tiêm vaccine phòng COVID-19.
Bệnh nhân ngủ lịm, nồng độ oxy quá thấp
Bà Bùi Phương Lan (65 tuổi, ở quận Tây Hồ) mắc bệnh nền về phổi. Những ngày đầu nhiễm COVID-19, bà có triệu chứng nhẹ, theo dõi các chỉ số đều thấy bình thường. Đến ngày thứ 6, bệnh nhân có biểu hiện mệt, ngủ lịm đi lúc nào không hay. Gia đình gọi bệnh nhân dậy ăn cơm không thấy bệnh nhân tỉnh, hốt hoảng đo nồng độ oxy trong máu SpO2 xuống còn 74%. Gia đình tức tốc báo y tế phường, cho thở bình oxy và đưa bệnh nhân tới bệnh viện. BS chẩn đoán bệnh nhân bị suy hô hấp, viêm phổi, tình trạng nguy kịch, được thở oxy dòng cao và điều trị hồi sức tích cực. May mắn, sau 3 ngày bệnh nhân đáp ứng tốt, chuyển sang thở oxy gọng kính. Sau 15 ngày điều trị, bệnh nhân khỏi bệnh và được xuất viện.
Theo bác sĩ, có F0 không triệu chứng, sau 5 ngày test nhanh âm tính, nhưng đến ngày thứ 7 (hoặc ngày thứ 10) xuất hiện khó thở và mệt mỏi, sau đó có hiện tượng suy hô hấp, viêm phổi lan tỏa 2 bên. Có trường hợp F0 ngoài 50 tuổi, không có bệnh nền, đã tiêm 2 mũi vaccine, khi mắc COVID-19 triệu chứng nhẹ, trong nhà không có máy đo SpO2. Đến ngày thứ 5 bệnh nhân mới ra trạm y tế phường để đo thì chỉ số SpO2 lúc này tụt xuống còn 74%. Sau đó bệnh nhân thấy mệt và khó thở, được gia đình đưa đi bệnh viện cấp cứu.
Theo BS Trần Sỹ Tuấn, nguyên Tổng Biên tập Báo Sức khỏe và Đời sống, đây là những trường hợp thiếu oxy “thầm lặng”. Chỉ số SpO2 rất quan trọng khi theo dõi F0, vì vậy các F0 phải thường xuyên đo chỉ số này, dù người đã tiêm đủ liều vaccine vẫn có thể bị thiếu oxy máu.
Còn BS Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga, Bộ Quốc phòng cho biết, trong thời gian phụ trách tư vấn hỗ trợ online chăm sóc điều trị F0 tại nhà, đội ngũ y, bác sĩ đã gặp không ít trường hợp đột ngột giảm nồng độ oxy trong máu mà không có bất kỳ dấu hiệu nào báo trước. Từng tiếp nhận tư vấn điều trị cho một cụ ông 64 tuổi ở quận Hoàn Kiếm, Hà Nội nhiễm COVID-19 chưa tiêm vaccine. Ban đầu, chỉ số SpO2 của bệnh nhân là 97 - 98%, triệu chứng nhẹ. Sau 3 - 4 ngày sử dụng thuốc, bệnh nhân vẫn ổn định. Tuy nhiên, sau đó tình trạng thiếu oxy âm thầm tiến triển nhanh chóng, bệnh nhân nằm ngủ rồi cứ vậy lịm đi. Sáng hôm sau, người nhà phát hiện bệnh nhân bất tỉnh, đưa đi cấp cứu nhưng không qua khỏi.
Hay một F0 khác cũng ngoài 60 tuổi, không có triệu chứng, thường xuyên đo SpO2 hàng ngày. Đến ngày thứ 5, bệnh nhân vui mừng khoe kết quả test nhanh âm tính, tuy nhiên ngay sau đó bệnh nhân đột ngột chuyển nặng, dù không khó thở, nhưng đo SpO2 chỉ số giảm dưới 85%. BS khuyến cáo bệnh nhân cần nhanh chóng liên hệ với y tế để được nhập viện cấp cứu kịp thời. Với những trường hợp này, nếu không thường xuyên đo SpO2 thì rất khó có thể phát hiện bệnh trở nặng.
Âm tính vẫn không được chủ quan
Theo các bác sĩ, việc giảm nồng độ oxy trong máu xuống dưới 94%, thậm chí có người chỉ còn 60 - 70% thể hiện bệnh nhân trở nặng, viêm phổi và diễn tiến bệnh rất nhanh, có thể dẫn tới suy hô hấp chỉ trong vòng vài giờ đồng hồ. Nếu không được phát hiện kịp thời, người bệnh dễ rơi vào trạng thái lơ mơ, lịm đi rồi tử vong. Đây thực sự là "sát thủ thầm lặng", dẫn đến nhiều cái chết đột ngột ở các bệnh nhân COVID-19.
Theo PGS.TS Ngô Quý Châu, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, đa số bệnh nhân COVID-19 hết giai đoạn khởi phát đã có thể có xét nghiệm âm tính. Nhưng cũng có trường hợp dù xét nghiệm virus đã âm tính nhưng không chuyển sang giai đoạn hồi phục ngay mà diễn biến sang giai đoạn toàn phát hoặc có biến chứng.
Hiện nay, F0 nhẹ và không triệu chứng chiếm đại đa số. Sau khi âm tính trở lại, các triệu chứng như sốt, ho, đau họng... đã thoái lui, các F0 xuất hiện tâm lý chủ quan âm tính là khỏi bệnh hoặc bệnh sẽ không diễn biến nặng lên. Từ đó, họ bỏ hết việc theo dõi sức khỏe, theo dõi chỉ số SpO2 (nồng độ oxy máu mao mạch) – một chỉ số quan trọng nhằm phát hiện suy hô hấp, tổn thương phổi, thiếu oxy thầm lặng.
“Việc người bệnh chuyển âm tính hay vẫn dương tính không hoàn toàn liên quan đến mức độ nặng - nhẹ của bệnh. Độ nặng - nhẹ của bệnh liên quan đến phản ứng miễn dịch của cơ thể bệnh nhân với virus”, PGS Châu nhấn mạnh.
Theo ông, nếu cơ thể đáp ứng miễn dịch phù hợp, giúp loại bỏ virus thì các triệu chứng nhẹ thoái lui, F0 sẽ khỏi bệnh sau 5-7 ngày. Nếu đáp ứng miễn dịch rối loạn, cơ thể sẽ có phản ứng quá mức gây bão cytokines và từ đó gây tổn thương các phủ tạng. Khi đó, bệnh nhân có thể diễn biến nặng lên. Nếu bão cytokines và các rối loạn hậu quả của nó không được kiểm soát, các phủ tạng bị tổn thương không được hồi sức hiệu quả có thể dẫn đến tử vong cho bệnh nhân.
PGS.TS Ngô Quý Châu nhấn mạnh: F0 cần quan tâm, theo dõi việc có xuất hiện tổn thương phổi gây suy hô hấp hay không bằng đếm nhịp thở, đo SpO2 và những chỉ số khác theo hướng dẫn của ngành Y tế, nếu bất thường liên hệ y tế, nhập viện ngay. F0 chỉ thực sự an tâm đã khỏi bệnh nếu sau ngày thứ 10 không xuất hiện dấu hiệu nặng lên. Miễn dịch quá mức nếu có thường xảy ra ngày thứ 6 đến ngày thứ 10, từ khi bắt đầu khởi phát bệnh. Vì thế, nếu ngày thứ 5, ngày thứ 7, F0 tại nhà test nhanh âm tính thì không nên chủ quan mà vẫn phải lưu tâm theo dõi sức khỏe của mình hết 10 ngày.
BS Nguyễn Huy Hoàng khuyến cáo, tình trạng thiếu hụt oxy không chỉ xảy ra với các F0 đang dương tính mà cả với người đã test nhanh âm tính. Khoảng thời gian dễ xảy ra tình trạng này là từ ngày thứ 6 đến ngày thứ 10 tính từ khi phát hiện bệnh. F0 nên dõi SpO2 liên tục trong hai tuần, không nên chủ quan.
Với số lượng điều trị F0 tại nhà lớn như hiện nay, cần đặt ra yêu cầu tất cả các bệnh nhân phải theo dõi SpO2. Vì nếu không theo dõi chủ động, đến khi bệnh nhân thấy mệt lả, thậm chí ngất xỉu mới chuyển cấp cứu sẽ là muộn. Các F0 đang điều trị tại nhà nên chủ động trang bị máy đo SpO2. Trong trường hợp không có sẵn, người bệnh cần kết nối với y tế cơ sở để được khám, đánh giá chỉ số oxy máu hàng ngày.
F0 tại nhà cần chuẩn bị những loại thuốc nào?
Dưới đây là một số thuốc F0 khi điều trị tại nhà cần chuẩn bị. |