Một bác sĩ Bệnh viện số 5 Vũ Hán hét qua điện thoại với người dường như là cấp trên của ông "Hãy đuổi việc tôi đi".
"Tôi không muốn làm công việc này nữa. Hãy đuổi tôi ra khỏi đây, đưa tôi về nhà", bác sĩ hét vào điện thoại trong sự thất vọng, kiệt sức. Bác sĩ than phiền đã làm việc 4 ca trực liên tục, trong khi người dân cả nước đón Tết nguyên đán. "Tôi cũng muốn về nhà ăn Tết chứ! Chẳng phải bác sĩ chúng tôi cũng cần phải sống sao?".
Video ghi lại hình ảnh bác sĩ trên Weibo hôm 23/1, nhận được nhiều sự chú ý từ người dùng mạng xã hội, phần nào thể hiện mức độ căng thẳng cực độ trong các bệnh viện quá tải ở Vũ Hán do dịch viêm phổi cấp từ virus nCoV.
Một y tá mang thai 7 tháng vẫn tới bệnh viện chăm sóc bệnh nhân giữa tâm dịch, bị nhiễm virus nCoV. Người mẹ 70 tuổi của cô cũng bị lây bệnh, chỉ được nhập viện khi cô chia sẻ câu chuyện trên mạng xã hội.
Có những nhân viên y tế phải trực hàng giờ liền để đảm bảo môi trường vô trùng, không được uống nước, phải mặc bỉm người lớn vì không đủ thời gian đi vệ sinh. Có những bác sĩ, y tá tiếp xúc với chất khử trùng quá nhiều khiến hai bàn tay chuyển màu trắng, mặt phồng rộp vì đeo khẩu trang chống độc trong thời gian quá dài.
Một phòng điều trị cách ly bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán. Ảnh: Reuters |
Helen, làm việc tại khu vực bệnh nhân sốt của bệnh viện Thượng Hải, chỉ ăn một bát mì trong suốt ca trực và gần như không được ngủ vì thiếu nhân lực. Trong khi chồng và con về quê ăn Tết, cô ở lại bệnh viện. Nhiều người đối mặt với khả năng lây chéo viêm phổi từ bệnh nhân, hoặc đơn giản là kiệt sức bởi quá trình làm việc.
Những bệnh viện xung quanh trung tâm dịch bệnh thành phố Vũ Hán vất vả đối phó với sự lây lan của chủng virus mới, sự thiếu hụt về mọi thứ. Các bệnh viện lớn chật cứng, không đủ giường bệnh, vật tư y tế, số lượng bác sĩ, y tá cũng dần kiệt quệ. Nguồn cung hiện tại chỉ có thể đảm bảo dùng thêm được 3-5 ngày. Rất nhiều người nghi ngờ nhiễm bệnh bị từ chối khám, nhập viện vì quá tải.
"Tình hình ở đây rất nghiệt ngã. Tất cả bệnh viện lớn đều chật cứng, không thể nhận thêm bệnh nhân nào", một y tá tại bệnh viện Xincheng cho hay.
Các bác sĩ ăn Tết trong bệnh viện giữa tâm dịch viêm phổi do nCoV. Ảnh: Reuters |
Sự bùng phát dịch bệnh mạnh mẽ nhấn mạnh những thách thức trong hệ thống chăm sóc sức khỏe của Trung Quốc, đặc biệt thiếu hụt trầm trọng bác sĩ chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chỉ có 60.000 bác sĩ đa khoa được cấp chứng chỉ hành nghề, chiếm 3,5% tổng số bác sĩ ở một đất nước 1,4 tỷ dân.
Hôm 26/1, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc thông báo 6 đội phản ứng gồm 1.230 nhân viên y tế được thành lập và sẽ đến tỉnh Hồ Bắc, nơi có thành phố Vũ Hán 11 triệu dân. Hơn 1.600 chuyên gia y tế cũng được điều tới thành phố Vũ Hán trong hai ngày 27-28/1. Hai bệnh viện dã chiến sức chứa 1.000 và 1.300 giường bệnh đang được nhanh chóng xây dựng tại vùng ngoại ô thành phố Vũ Hán, dự kiến hoàn thành trong tháng 2.
Theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh Trung Quốc, tính đến hôm 25/1, ít nhất 15 nhân viên y tế tại Vũ Hán nhiễm virus nCoV trong quá trình làm việc. Trong đó, 13 y tá và một bác sĩ bị nhiễm bệnh từ chỉ một bệnh nhân trong ca phẫu thuật não.
"Chắc chắn có nhiều hơn 15 nhân viên y tế tại Vũ Hán đã nhiễm bệnh", một bác sĩ giấu tên nói. "Ban đầu, rất nhiều người không được thông báo về tiềm năng lây từ người sang người của virus nCoV. Thậm chí bây giờ, chúng tôi vẫn không đủ đồ bảo hộ, dụng cụ xét nghiệm và các vật tư khác".
Bác sĩ này cũng cho biết ít nhất một ký túc xá của bệnh viện được dùng để kiểm dịch nhân viên y tế, trong khi đó một y tá khác cho hay cả một khoa tại bệnh viện được dành riêng cho các bác sĩ nhiễm bệnh và người thân họ sử dụng.
5 nhân viên y tế thành phố Hoàng Cương, gần Vũ Hán, cũng mắc bệnh. Bác sĩ Jiang Jijun qua đời vì lên cơn đau tim hôm 23/1 khi đang chăm sóc bệnh nhân viêm phổi. Hôm 25/1, Liang Wudong 62 tuổi, bác sĩ tuyến đầu xử lý các ca viêm phổi Vũ Hán, chết sau 9 ngày chiến đấu với virus nCoV.
Những nhân viên y tế còn bị xử tệ trong các vấn đề khác. Một chuỗi thức ăn nhanh tại Thượng Hải từ chối giao hàng tới các bệnh viện được chỉ định điều trị bệnh nhân viêm phổi.
Candice Qin, sống ở Bắc Kinh, nhà trị liệu, đồng sáng lập dịch vụ tư vấn tâm lý XingZhi Online, trò chuyện với 4 người Vũ Hán đã mắc bệnh, hoặc nghi ngờ mắc bệnh, trong đó có một bác sĩ 30 tuổi nhiễm virus nCoV từ bệnh nhân của mình. Nữ bác sĩ này "đã bị căn bệnh làm cho khốn đốn, nhưng tự cách ly ở nhà vì biết bệnh viện không còn giường trống, giấu bố mẹ về bệnh tình.
"Tôi rất sợ chết sớm, sợ không được khám phá thế giới nhiều hơn. Nhưng tất cả những gì tôi có thể làm là uống thuốc kháng virus, hy vọng bệnh tình nhẹ đi", Candice nhớ lại lời nữ bác sĩ từng nói với mình.
"Hiện mỗi bác sĩ, y tá tại Vũ Hán đều đang rất căng thẳng, cả về thể chất và tinh thần. Chúng ta biết bệnh nhân rất lo lắng, nhưng chúng ta nên nhớ bác sĩ cũng là con người", Candice xúc động.
Trả lời phỏng vấn Đài truyền hình Quốc gia Trung Quốc, nhân viên y tế thành phố Vũ Hán cho biết môi trường làm việc cực kỳ căng thẳng. Họ phải đối phó với tình trạng quá tải, thái độ nghi ngờ từ bệnh nhân, lẫn chú ý bảo vệ sức khỏe của bản thân.
Các biện pháp phòng ngừa cấp cao nhất buộc đội ngũ y tế phải mặc áo vô trùng và đeo mặt nạ phẫu thuật. Ca làm việc của họ thường kéo dài 24 giờ, gấp đôi so với ngày bình thường. Tất cả đều phải cảnh giác cao độ với bệnh nhân. Bất kỳ ai có biểu hiện sốt nhẹ đều được chuyển đến phòng khám để kiểm tra.
Lê Hằng (Theo New York Post, Metro)
Thành phố Vũ Hán la liệt người nhập viện
Một phụ nữ 36 tuổi cho biết chồng cô sốt cao từ 10 ngày trước và bắt đầu ho ra máu nhưng các bệnh viện ... |
Phòng thí nghiệm Vũ Hán bị nghi ngờ khiến virus corona thoát ra ngoài
Khi dịch viêm phổi cấp đang lây lan nhanh ở nhiều quốc gia, một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán bị tình nghi khiến virus ... |
Bác sĩ chết vì virus Vũ Hán tại bệnh viện ở Trung Quốc
Một bác sĩ tại bệnh viện ở tỉnh Hồ Bắc, tâm của dịch coronavirus mới , đã qua đời vì virus, kênh truyền hình CGTN ... |
Nhân viên y tế Vũ Hán nhiễm bệnh nhiều hơn báo cáo
Trung Quốc báo cáo 15 y bác sĩ nhiễm virus nCoV do tiếp xúc bệnh nhân viêm phổi trong quá trình điều trị, tuy nhiên ... |