- Bảo vệ dữ liệu cá nhân: Nhiệm vụ cấp bách
- Ý thức người dân trong việc bảo vệ cơ sở dữ liệu cá nhân chưa cao
Chiều 24-10, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận ở tổ về dự án Luật Dữ liệu.
Thảo luận tại Đoàn Hà Nội, đại biểu Tạ Đình Thi cho rằng, dữ liệu hiện nay là tài nguyên do con người sáng tạo ra, cần quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân liên quan trong xây dựng, phát triển và bảo vệ dữ liệu. Đại biểu cho rằng, dự thảo Luật chưa bảo đảm sự mạch lạc trong phân công trách nhiệm quản lý nhà nước về dữ liệu.
Theo đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội), hiện nay tất cả ngành, lĩnh vực đều phải thực hiện công tác điều tra, khảo sát và có cơ sở dữ liệu riêng. Như vậy, các cơ sở dữ liệu này là nguồn tài nguyên số quý giá, giúp nghiên cứu, phân tích nhiều vấn đề và hoạch định các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, tại dự thảo, Chính phủ mới đề cập việc quản lý, liên thông và chia sẻ dữ liệu phi cá nhân và không đề cập đến dữ liệu cá nhân.
"Tôi cho rằng cần phải đưa quy định về chia sẻ dữ liệu cá nhân, cái gì được phép khai thác và cái gì không được phép khai thác", đại biểu Hoàng Văn Cường nói.
Theo đại biểu Vương Quốc Thắng (Đoàn Quảng Nam), cơ quan chủ trì soạn thảo nên nghiên cứu để bảo đảm tính tương thích giữa Luật Dữ liệu và Luật Tiếp cận thông tin trong các quy định về công khai dữ liệu. Theo đó, tiếp tục rà soát để bảo đảm tính tương thích về hình thức công khai, thời điểm công khai, đồng thời, bổ sung thêm trường hợp công khai dữ liệu đối với người khuyết tật, người sinh sống ở khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn để bảo đảm sự bình đẳng về quyền tiếp cận thông tin, tiếp cận dữ liệu với các đối tượng này.
Đại biểu Nguyễn Việt Thắng (Đoàn Kiên Giang) cho rằng, quy định về bảo đảm chất lượng dữ liệu là hết sức cần thiết, nhưng dự thảo chưa quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan trong việc bảo đảm chất lượng dữ liệu. Dự thảo có quy định các cơ quan, tổ chức quản lý cơ sở dữ liệu có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan có liên quan để thường xuyên cập nhật, điều chỉnh bảo đảm chất lượng dữ liệu trong quá trình khai thác sử dụng.
“Tuy nhiên, nếu trong quá trình phối hợp mà các cơ quan không thống nhất được về số liệu, chất lượng dữ liệu thì chưa có quy định phải xử lý thế nào?”, đại biểu Nguyễn Việt Thắng đặt vấn đề.
Do đó, đại biểu cho rằng, để bảo đảm dữ liệu đưa vào cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia đúng, đủ, sạch như mục tiêu chính sách đã nêu, thì cần quy định cơ quan chủ trì hoặc kiểm soát để bảo đảm chất lượng dữ liệu. Hiện nay, chỉ riêng những dữ liệu về con người như các lĩnh vực dân cư, dân số, bảo hiểm y tế… còn vênh nhau khá nhiều. Quy định về cách điều tra, thống kê, thu thập dữ liệu khác nhau thì dẫn đến kết quả thực hiện sẽ khác nhau; do đó, cần phải kiểm soát, bảo đảm chất lượng dữ liệu nhằm giúp cho việc quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội thuận lợi; hoạch định chính sách chính xác hơn.
Góp ý về dự án Luật, đại biểu Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) đề cập phạm vi điều chỉnh của Luật, đề xuất cơ quan soạn thảo cần làm rõ vi phạm của “xử lý dữ liệu” đối với các dữ liệu nhạy cảm, đặc biệt là dữ liệu cá nhân và dữ liệu liên quan đến an ninh quốc phòng. Luật cần nhấn mạnh quy định về phân loại dữ liệu dựa trên mức độ nhạy cảm và các biện pháp bảo vệ dữ liệu khác nhau theo từng loại. Điều này nhằm bảo đảm dữ liệu quan trọng được bảo vệ ở mức cao hơn, tránh bị lạm dụng hoặc rò rỉ thông tin. Việc quản lý dữ liệu cần rõ ràng hơn đối với những trường hợp dữ liệu đa nguồn từ các cơ quan khác nhau, đặc biệt cơ sở dữ liệu quốc gia.
Đại biểu Tạ Thị Yên (Đoàn Điện Biên) đề nghị, cần quy định làm rõ phạm vi dữ liệu, nhất là dữ liệu liên quan đến cá nhân là công dân, được thu thập, xử lý, chia sẻ, khai thác quy định trong dự án Luật này nhằm hạn chế việc thu thập dữ liệu dàn trải, thiếu tập trung, giảm hiệu quả của dự án đồng thời dễ gây khó cho các lĩnh vực quản lý xã hội và các ngành kinh tế khác.
Đại biểu Đoàn Điện Biên nêu ví dụ, các cơ sở dữ liệu chuyên ngành về văn hóa, điện ảnh, sức khỏe công dân, dân số học, môi trường, tài nguyên thiên nhiên, khoa học công nghệ… đã được số hóa. Bên cạnh đó, cũng cần cân nhắc thêm giữa yêu cầu quản lý dữ liệu tập trung và phân cấp, phân quyền phải làm sao để việc tập trung quản lý dữ liệu tạo thuận lợi cho việc thúc đẩy sự phát triển, mà không ảnh hưởng đến sự phát triển của xã hội.
https://hanoimoi.vn/can-quy-dinh-chat-che-ve-du-lieu-ca-nhan-trong-du-thao-luat-du-lieu-682401.html