Sau nhiều năm thực hiện, cuối tháng 11 vừa qua, Sở Giao thông vận tải (GTVT) đã phải đề nghị UBND TP Hồ Chí Minh cho tạm dừng triển khai Dự án tuyến buýt nhanh (BRT) đầu tiên của thành phố trên trục Đông - Tây với chiều dài 26km, từ vòng xoay An Lạc, huyện Bình Chánh đến cầu Rạch Chiếc, TP Thủ Đức với tổng vốn đầu tư 143 triệu USD.
Lý do được Sở GTVT đưa ra là ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến vận tải hành khách công cộng không đạt kỳ vọng; việc phát triển hạ tầng giao thông và giao thông công cộng cùng lúc với kiểm soát xe cá nhân chậm triển khai.
Mục tiêu sản lượng vận chuyển hành khách năm 2022 khi dự án tuyến BRT số 1 đưa vào hoạt động là hơn 28.000 khách/ngày của đơn vị tư vấn đưa ra nhiều khả năng không đảm bảo. Nhất là khi tuyến Metro số 1 chưa hoàn thành; chưa kết nối được 2 đầu mối vận tải hành khách quan trọng là Bến xe Miền Đông mới và Bến xe Miền Tây mới…
Tuy nhiên, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông thành phố khuyến cáo các hệ lụy là Dự án phát triển giao thông xanh, nguồn vốn vay, vốn tài trợ cho dự án sẽ bị hủy khi dừng dự án BRT này. Sự việc trên cũng đặt ra vấn đề chuẩn bị phương án đảm bảo nguồn lực kinh tế để vận hành tuyến Metro số 1, bởi tuyến BRT này là một trong những tuyến gom, trung chuyển khách chủ lực cho Metro số 1.
Khuyến cáo với các cơ quan chức năng của thành phố về tuyến Metro số 1, TS Nguyễn Bách Phúc, Chủ tịch Hội Tư vấn và Quản lý TP Hồ Chí Minh cho rằng, Metro số 1 sẽ đơn độc nếu không phát triển đồng bộ hệ thống xe buýt và phương tiện công cộng khác để cung cấp, vận chuyển khách đến và đi từ các ga Metro. Với sức chở tối đa là 930 hành khách/chuyến và giá vé 30 nghìn đồng/lượt suốt tuyến thì tổng doanh thu mỗi năm từ tiền vé cũng chưa đến 4.000 tỷ đồng. So với mức vốn đầu tư hơn 43 nghìn tỷ đồng, tuyến Metro số 1 sẽ khó đảm bảo đủ nguồn thu từ tiền vé để chi phí khấu hao, bảo trì bảo dưỡng, duy trì hoạt động và trả nợ một phần vốn vay.
Ông Thế Dũng, đại diện một doanh nghiệp quảng cáo ngoài trời góp ý, để tạo nguồn thu cho tuyến Metro số 1, ngay từ bây giờ đơn vị quản lý cần tính toán việc khai thác không gian quảng cáo trên các đoàn tàu, ở các nhà ga và thậm chí là cả trên hông của tuyến đường sắt.
Đề xuất với TP Hồ Chí Minh, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông cho rằng, việc đẩy nhanh tiến độ phát triển hệ thống giao thông công cộng của thành phố trong giai đoạn 2021-2025 là hết sức quan trọng và cấp thiết. Vấn đề tái cấu trúc mạng lưới xe buýt hiện hữu, phát triển hệ thống xe buýt truyền thống, các tuyến buýt trục liên vùng, hình thành mạng lưới “Buýt - Buýt trục - Metro" là việc cần phải được ưu tiên và khẩn trương thực hiện. Đặc biệt là phục vụ nhu cầu đi lại của người dân miền Tây đến TP Thủ Đức hoặc sân bay Long Thành và ngược lại. Do đó, cùng với việc xây dựng phương án tạo nguồn thu để đảm bảo đủ chi phí duy trì hoạt động của tuyến Metro này thì các giải pháp kết nối, cung ứng khách cho Metro số 1 cần sớm được triển khai. Việc này sẽ giảm gánh nặng trợ giá từ ngân sách cho Metro như đã từng diễn ra với xe buýt những năm qua.
Đ.Thắng
Tuyến metro số 1 lại gặp sự cố? |
Thúc tiến độ điều tra sự cố gối cầu Metro Số 1 |
6 toa Metro Số 1 về tới Sài Gòn |