Cần nhân rộng phố hàng rong

Không thể loại bỏ hàng rong, do đó cần xác định không gian cho gánh hàng rong ở những nơi đủ điều kiện kèm theo các quy định cụ thể về khu vực, giấy phép hoạt động…

Cuối tháng 8-2017, UBND quận 1, TP HCM khai trương phố ẩm thực đầu tiên trên đường Nguyễn Văn Chiêm thuộc phường Bến Nghé. Hơn 1 tháng sau, phố ẩm thực ở Công viên Bách Tùng Diệp tiếp tục được khai trương. Đây là 2 khu ẩm thực quận 1 dành cho người bán hàng rong trên vỉa hè để hạn chế tình trạng lấn chiếm vỉa hè làm nơi buôn bán. Sau gần 6 tháng hoạt động, các gian hàng đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người kinh doanh.

Dần ổn định

Phố hàng rong đường Nguyễn Văn Chiêm được tổ chức thành 20 gian hàng cho 40 hộ bán theo 2 ca sáng và trưa. Anh Bùi Đức Lợi (gian hàng số 19) được các tiểu thương bầu làm tổ phó tự quản để làm đầu mối liên hệ với phường khi có việc phát sinh. Anh Lợi cho biết kể từ khi chuyển về đây, thu nhập từ gian hàng bán đồ ăn trưa của anh đã dần ổn định. Trung bình mỗi buổi bán được 70 dĩa cơm, hôm nào nhiều thì được 100 dĩa nên thu nhập đủ cho cuộc sống gia đình. Sau buổi bán cơm trưa, anh đi giao hàng hoặc chạy Grab để có thêm thu nhập. "So với trước đây bán vỉa hè thường xuyên bị trật tự đô thị phạt thì buôn bán ở đây khá ổn, dù thu nhập không bằng vì chỉ được bán có một buổi" - anh Lợi chia sẻ. Cũng theo anh Lợi, trong 6 tháng đầu, ngoài được bố trí xe đẩy và dù che, các tiểu thương còn được miễn phí tiền điện, nước. Thời gian tới, tiểu thương sẽ phải thanh toán tiền điện, nước cũng như sửa sang lại gian hàng nếu bị hư hỏng.

can nhan rong pho hang rong

Phố ẩm thực ở Công viên Bách Tùng Diệp (quận 1, TP HCM) Ảnh: SỸ ĐÔNG

Còn ở phố hàng rong Công viên Bách Tùng Diệp, quận 1 bố trí thêm bàn ghế cho khách ngồi ăn uống. Theo quan sát, lượng khách tập trung đông nhất là khung giờ từ 11 giờ 30 phút đến gần 13 giờ. Ông Nguyễn Văn Thắng (gian hàng nước giải khát số 5) cho biết bán ở đây, thu nhập chỉ ổn định chứ không cao như bán hàng rong do chỉ bán được 5 ngày trong tuần vì khách chủ yếu là nhân viên hành chính, cơ quan nhà nước. "Khu này không có khách vãng lai đến ăn nên cần phải có khu giải trí, ca nhạc hay mua sắm gì đó vào cuối tuần thì may ra mới có khách đến chơi rồi ăn uống, thu nhập mới đều được" - ông Thắng đề nghị. Theo quan sát, thực đơn ở 2 khu này không đa dạng nên chưa lôi kéo được giới trẻ đến thưởng thức.

Đưa người bán hàng rong vào khuôn khổ

Theo đánh giá của UBND quận 1, sau một thời gian đi vào hoạt động, phố hàng rong ở đường Nguyễn Văn Chiêm và Công viên Bách Tùng Diệp nhận được sự ủng hộ rất lớn của người kinh doanh, người dân và du khách. Ngoài ra, các phố ẩm thực này còn giúp giữ gìn mỹ quan đô thị và thúc đẩy phát triển du lịch. Trước những tín hiệu khả quan trên, quận 1 đề xuất UBND TP cho thực hiện chính thức 2 phố hàng rong trên cũng như mở rộng thời gian hoạt động; đồng thời, triển khai thêm khu ẩm thực mới. Cụ thể, quận 1 muốn mở rộng mô hình ở các vị trí trên vỉa hè đường Nguyễn Thái Học (vách Trường THPT Ernst Thalmann, phường Phạm Ngũ Lão) và vỉa hè đường Nguyễn Thị Minh Khai, Huyền Trân Công Chúa (phường Bến Thành). Chủ tịch UBND quận 1, ông Trần Thế Thuận, khẳng định quan điểm quận là lập lại trật tự đô thị phải gắn với công tác an sinh xã hội, bảo đảm đời sống cho người dân. Cho nên, sau cao điểm chấn chỉnh trật tự vỉa hè, lòng lề đường, quận 1 xem việc ổn định chỗ buôn bán cho người dân buôn thúng bán bưng là nhiệm vụ hàng đầu. Ông Thuận cũng cho hay các kiến nghị của quận về mở rộng phố hàng rong đang được UBND TP giao cho các sở, ngành liên quan xem xét để cho ý kiến.

Liên quan đến câu chuyện phố hàng rong, vừa qua, Viện Nghiên cứu và Phát triển TP HCM đã thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học về quản lý, sử dụng vỉa hè. Kết quả nghiên cứu cho thấy thứ tự ưu tiên sử dụng vỉa hè trước tiên là dành cho người đi bộ, cây xanh và hạ tầng kỹ thuật. Tiếp đó, cho phép để xe tự quản trước nhà; trưng bày hàng hóa, bàn ăn/uống. Cuối cùng là dành cho gánh hàng rong. Trước đó, nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài đã khảo sát 57 đoạn đường ở 19 quận. Nhóm còn khảo sát các hộ kinh doanh buôn bán trên vỉa hè; hàng rong cố định và hàng rong di động ở trung tâm, quận kế cận trung tâm, quận nội thành phát triển và các điểm nóng về lấn chiếm vỉa hè như quanh khu vực chợ Thái Bình (quận 1); chợ An Đông, Bệnh viện Chợ Rẫy (quận 5); Bệnh viện Nhi Đồng 1 (quận 10). Nhóm cũng tham khảo kinh nghiệm quy hoạch, quản lý và tổ chức không gian trên vỉa hè; kinh nghiệm quản lý người bán hàng rong tại Hà Nội và một số TP trên thế giới. Kết quả cho thấy hàng rong là đối tượng không thể loại bỏ. Vì vậy, chính quyền chuyển từ cấm sang cho phép hàng rong hoạt động thông qua việc lồng ghép hàng rong vào quá trình quy hoạch và lập các tổ chức đại diện của người bán hàng rong. Do đó, viện đề nghị TP xác định không gian cho gánh hàng rong ở những nơi đủ điều kiện kèm theo những quy định cụ thể về khu vực hoạt động, giấy phép hoạt động… nhằm đưa người bán hàng rong vào khuôn khổ.

Quận 4 có phố ẩm thực Vĩnh Khánh

Cuối tháng 3 vừa qua, UBND quận 4, TP HCM đã ra mắt phố ẩm thực Vĩnh Khánh. Việc cho ra đời phố ẩm thực Vĩnh Khánh nhằm thực hiện chỉnh trang đô thị, sắp xếp, bố trí các hộ kinh doanh trên tuyến đường Vĩnh Khánh, tạo điểm vui chơi, giải trí cho người dân TP nói chung và quận 4 nói riêng.

can nhan rong pho hang rong Em bé Sài Gòn mỉm cười hạnh phúc bên gánh hàng rong của mẹ

Nhiều người chia sẻ hình ảnh cậu bé nở nụ cười hạnh phúc khi ngồi trên gánh hàng rong của mẹ trong một ngày nắng ...

can nhan rong pho hang rong Lửa thiêu rụi kho hàng điện máy rộng 1.000 m2 trong đêm

Ngọn lửa bùng lên từ kho hàng rộng 1.000 m2 của công ty điện máy sau đó lan sang nhà dân bên cạnh, thiêu rụi ...

can nhan rong pho hang rong Đừng để sự trung thực phải gục ngã!

Vụ việc “cô giáo quyền lực không giảng bài” suốt hơn 3 tháng ròng đã nảy sinh diễn biến mới: Phụ huynh của học sinh ...

SỸ ĐÔNG - PHAN ANH

/ https://nld.com.vn