- Đề xuất xây dựng cao tốc Dầu Giây- Tân Phú với hơn 8.700 tỷ đồng theo BOT
- Sẽ thu phí trên tất cả các tuyến cao tốc do Nhà nước đầu tư?
Nhiều dự án BOT trên cả nước lâm vào cảnh không có vốn bảo trì khi nhà đầu tư tạm dừng thu phí.
Từ tháng 1/2023, các trạm thu phí BOT trên quốc lộ 51 tạm dừng thu phí. Một tháng sau, nhà đầu tư dự án thông báo tạm dừng bảo trì khiến tuyến đường huyết mạch này xuống cấp, mất an toàn.
Tiềm ẩn tai nạn giao thông
Mặt đường QL51 đoạn Km 5 (Biên Hòa) xuất hiện dày đặc ổ gà, ổ voi ô tô di chuyển khó khăn (chụp ngày 19/7).
Ghi nhận của PV Báo Giao thông sáng 19/7, dọc tuyến quốc lộ 51 (QL51) đoạn từ TP Biên Hòa đến thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), nhiều đoạn đường xuống cấp, không đảm bảo an toàn cho phương tiện.
Tình trạng xuống cấp mặt đường diễn ra nặng nhất ở đoạn qua cầu Suối Quan (Km 5, TP Biên Hòa).
“Sau khi dừng thu phí, tuyến đường không được sửa chữa, xuống cấp ngày càng trầm trọng. Tình trạng kẹt xe, ngập nước là nỗi ám ảnh của các tài xế khi qua đây, nhất là vào ban đêm”, tài xế Lê Đình Thành, chuyên chạy tuyến Đồng Nai - Bà Rịa - Vũng Tàu bức xúc.
Tương tự, từ Km 20 - Km 22 (nút giao cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây) mặt đường gồ ghề bong tróc, nhiều đoạn được vá tạm thời nay tiếp tục hỏng sau những cơn mưa lớn.
Theo thống kê của Ban ATGT tỉnh Đồng Nai trong 6 tháng đầu năm 2023, trên QL51 qua địa bàn tỉnh này xảy ra 12 vụ TNGT làm chết 12 người, bị thương 1 người. Các nút giao Km 5, nút giao đường chuyên dùng, đường Nam Cao (TP Biên Hòa), nút giao cao tốc Long Thành luôn là những điểm nóng xảy ra nhiều vụ TNGT chết người.
Còn tại khu vực trạm thu phí T1 (TP Biên Hòa) mặt đường bê tông xi măng trước trạm bị nứt nẻ, nhiều hạng mục khu vực trạm thu phí xuống cấp sau nhiều tháng thiếu người trông coi.
Trung tá Lê Minh Tiến, Phó trạm trưởng trạm CSGT Ngã ba Thái Lan, Phòng CSGT Công an tỉnh Đồng Nai xác nhận, QL51 xuất hiện nhiều ổ gà, ổ trâu, mặt đường không êm thuận. Tại các nút giao đã xảy ra một số vụ TNGT chết người; đường chuyên dùng chưa được cải tạo, nâng cấp, hệ thống biển báo thiếu, gây khó trong xử lý vi phạm.
Ông Não Thiên Anh Minh, Phó ban chuyên trách Ban ATGT tỉnh Đồng Nai cho biết, ngoài mặt đường xuống cấp do chưa được duy tu sửa chữa sau khi tạm dừng thu phí, trên QL51 còn tồn tại nhiều điểm đen giao thông.
Lý giải tình trạng này, ông Đình Hồng Hà, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần phát triển đường cao tốc Biên Hòa– Vũng Tàu (BVEC) nói: “Sau khi tạm dừng thu phí theo yêu cầu của Cục Đường bộ VN, nhà đầu tư không có kinh phí nên từ cuối tháng 2/2023 đã dừng việc bảo trì. Đơn vị đã bàn giao cho Khu QLĐB IV quản lý”.
“Trong hợp đồng ký kết giữa các bên, không có hạng mục nào tạm dừng thu phí rồi yêu cầu nhà đầu tư phải duy tu, bảo dưỡng dự án BOT. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc với các cơ quan Bộ GTVT để sớm thống nhất giải quyết các vấn đề liên quan dự án”, ông Hà khẳng định.
Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Dũng, Phó giám đốc Khu Quản lý đường bộ (Khu QLĐB) IV cho biết, hiện tại dự án vẫn chưa bố trí được vốn. Hiện Khu QLĐB IV đã ký hợp đồng với hai nhà thầu Công ty Giao thông Sài Gòn và Công ty 886 Thành Nam để bảo trì thường xuyên.
“Trước mắt nhà thầu tạm ứng vốn để bảo trì tuyến này. Sau khi có vốn sẽ hoàn trả lại nhà thầu. Đối với sửa chữa định kỳ, sửa chữa đột xuất, khu đang làm thủ tục trình Cục Đường bộ để báo cáo bộ cho phép thực hiện”, ông Dũng nói.
Sửa Nghị định, khơi thông vốn bảo trì
Một đoạn QL51 qua huyện Long Thành chi chít ổ gà dù được dặm vá sửa chữa (chụp ngày 19/7).
Với các dự án BOT QL1K, cầu Đồng Nai và nay là dự án BOT QL51, chỉ ít ngày ngay sau tạm dừng thu phí là nhà đầu tư đã có văn bản bàn giao cho Khu QLĐB IV duy tu, bảo trì.
Theo các chủ trạm BOT, họ tạm ngưng bảo trì đường bởi trong hợp đồng không có quy định nào “tạm dừng thu phí và nhà đầu tư phải bảo trì đường”.
Hiện nay còn hai dự án nhà đầu tư không đồng ý ký biên bản chấm dứt hợp đồng BOT là cầu Đồng Nai và QL51.
“Trước đây dự án BOT như QL1K phải mất hơn hai năm mới xong thủ tục hành chính chuyển giao xác lập chuyển giao. Thời gian này Khu QLĐB IV cũng giật gấu vá vai, nhà thầu thi công phải tạm ứng tiền túi để duy tu.
Riêng tuyến QL51 thật sự đang rất nan giải vì đây là tuyến huyết mạch, mật độ khu công nghiệp, cảng biển dày đặc”, vị đại diện Phòng bảo trì, Khu QLĐB IV cho hay.
Cũng theo ông Nguyễn Đình Dũng, “nút thắt” hiện nay là do nhà đầu tư vẫn chưa ký biên bản bàn giao toàn bộ dự án để xác lập sở hữu toàn dân. Sau khi ký bàn giao khu mới hoàn thiện thủ tục để áp dụng Nghị định 33 của Chính phủ.
Tương tự dự án BOT QL51, tại Đồng Nai còn có dự án BOT cầu Đồng Nai vẫn chưa thể ký biên bản chấm dứt hợp đồng trước thời hạn. Hiện Khu QLĐB IV vẫn đang tạm thời thuê nhà thầu thực hiện công tác duy tu.
Trao đổi với Báo Giao thông, đại điện Cục Đường bộ VN cho biết, Cục đã nhiều lần họp và yêu cầu sửa chữa hư hỏng, đảm bảo ATGT nhưng nhà đầu tư lấy lý do dự án dừng thu phí, không có tiền để thực hiện.
Theo hợp đồng, dự án BOT khi chưa bàn giao cho Nhà nước thì nhà đầu tư phải có trách nhiệm bảo trì và hoàn toàn chịu trách nhiệm khi xảy ra tai nạn giao thông trên tuyến, có nguyên nhân các hư hỏng không được sửa chữa kịp thời.
Cục đã đề nghị nhà đầu tư bàn giao lại tuyến đường để thực hiện bảo trì nhưng chưa được thực hiện. Theo quy định hiện nay, chỉ sau khi tuyến đường do nhà đầu tư BOT quản lý được bàn giao lại cho Nhà nước, sau đó xác lập quyền sở hữu toàn dân mới được bố trí vốn để bảo trì.
Theo quy định, khi dự án BOT hết thời hạn thu phí phải bàn giao lại cho Nhà nước và tài sản phải xác lập được quyền sử hữu toàn dân. Tuy nhiên, thực tế không đơn giản như vậy, nhiều dự án không đạt được sự đồng thuận giữa các bên về thời gian dừng thu phí.
Nhiều dự án BOT khác như tuyến tránh Thanh Hóa, dự án BOT cầu Đồng Nai cũng tương tự như dự án BOT QL51. Những vướng mắc nếu không kịp thời tháo gỡ thì sẽ còn nhiều dự án khác gặp vấn đề này.
“Cục Đường bộ VN đã đề xuất với Bộ GTVT sửa Nghị định 33/2019 của Chính phủ về quản lý, sử dụng và khai thác tài sản kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ theo hướng dù dự án chưa kết thúc hợp đồng nhưng nhà đầu tư BOT bàn giao lại cho Cục Đường bộ để bố trí kinh phí, bảo quản tài sản trong khi chờ xác lập quyền sở hữu toàn dân”, đại diện Cục Đường bộ cho hay.
https://www.baogiaothong.vn/can-co-che-bao-tri-cac-du-an-bot-tam-dung-thu-phi-d598393.html