Cần chính sách đặc thù phát triển Thủ đô Hà Nội - trái tim của cả nước

Hôm nay, 10/11, dự án Luật Thủ đô (sửa đổi) chính thức được trình ra Quốc hội. Theo các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), Thủ đô Hà Nội là trái tim của cả nước, sự phát triển của Thủ đô là niềm tự hào chung của cả nước. Vì vậy, việc hoàn thiện dự thảo luật không chỉ đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô mà còn tạo sự lan tỏa, tạo động lực dẫn dắt cho cả vùng và đất nước.

Thể chế thuận lợi nhất, phân cấp mạnh mẽ nhất

Đại biểu Trần Văn Lâm (Bắc Giang) cho rằng, phát triển của Thủ đô luôn là niềm tự hào chung của các địa phương trong cả nước. Thủ đô của Việt Nam sánh vai được với Thủ đô các nước thì Việt Nam cũng sánh vai cùng với các nước. Do đó, việc đóng góp ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) chính là đóng góp vào sự phát triển chung của Thủ đô, từ đó tạo sức lan tỏa, động lực dẫn dắt cho sự phát triển của cả vùng và đất nước.

"Thủ đô thì cả nước chỉ có một và Hà Nội không thể giống bất cứ một địa phương nào, nếu có tương đồng một chút thì có thể so sánh với TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, TP Hồ Chí Minh không thể hoàn toàn đồng nhất với Thủ đô. Việc hoàn thiện Luật Thủ đô (sửa đổi) phải đề ra được những chính sách đặc thù, phù hợp với vị trí, vai trò của trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế, tạo hành lang pháp luật cho Thủ đô phát triển nhanh chóng và hiệu quả", đại biểu nhấn mạnh.

3
ĐBQH Trần Văn Lâm.

Theo ông, việc sửa đổi Luật Thủ đô phải tính trong tổng thể mối quan hệ ràng buộc hữu cơ với các các địa phương ở khu vực, của vùng và của cả nước. "Yêu cầu này có thể được giải quyết thông qua các nội dung về quy hoạch đặt ra trong dự thảo luật. Quy hoạch Thủ đô phải tạo ra sự kết nối liên thông để Thủ đô có thể chia sẻ cho các địa phương nhiều nguồn lực phát triển và nhận lại về sự chia sẻ, đóng góp. Chẳng hạn như việc di dời một số nhà máy, xí nghiệp ô nhiễm, các bệnh viện lớn, trường đại học... ra các địa bàn xung quanh để giảm tải cho Thủ đô", ĐBQH tỉnh Bắc Giang góp ý.

Đồng quan điểm, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) khẳng định, việc trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Kỳ họp thứ 6 có ý nghĩa rất quan trọng bởi Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là hai đô thị đặc biệt của quốc gia, đang quyết định 45% tổng thu ngân sách của của cả nước.

"Quan trọng hơn, Thủ đô Hà Nội và TP Hồ Chí Minh là bộ mặt của quốc gia, là cửa ngõ giao lưu và hội nhập quốc tế, nhất là Thủ đô Hà Nội. Cho nên, chúng ta cần thể chế thuận lợi nhất, phân cấp mạnh mẽ nhất cho Thủ đô Hà Nội. Nhân dân cả nước luôn tin yêu, kỳ vọng về một Thủ đô đi đầu", ông nhận định.

Chế độ đãi ngộ vượt trội để thu hút nhân tài

ĐBQH Phạm Văn Hoà (Đồng Tháp) chỉ rõ, trong 63 tỉnh, thành phố cả nước duy nhất Hà Nội có Luật Thủ đô. Luật Thủ đô được ban hành năm 2012 đã tạo bước đột phá để Thủ đô Hà Nội tiến lên một bước mới. Tuy nhiên, sau 10 năm đi vào cuộc sống, thực tiễn thi hành luật cũng đã bộc lộ nhiều vướng mắc, hạn chế, đòi hỏi phải sớm sửa đổi để phù hợp thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển.

4
ĐBQH Nguyễn Anh Trí.

Tán thành với quy định về cơ chế thu hút, trọng dụng nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô được nêu trong dự thảo luật, đại biểu nêu quan điểm, việc thu hút và "giữ chân" nhân tài cần hướng đến không chỉ người ở trong nước mà còn cả người ở nước ngoài, không chỉ là những người gốc Hà Nội mà còn từ khắp các tỉnh, thành phố và kiều bào muốn đến Hà Nội sinh sống và làm việc.

"Vì vậy, cần có những cơ chế, chính sách đặc thù tương đối cho mọi đối tượng, để mọi người đến với Hà Nội đều cảm nhận được một chính quyền đô thị nhân văn, có tinh thần cầu thị", đại biểu nói và bày tỏ tin tưởng, Thủ đô sẽ có những chế độ đãi rõ ràng, cụ thể, phù hợp với thực tiễn và quỹ ngân sách, cũng như mang tính đãi ngộ vượt trội để người giỏi, người tài phát huy được năng lực, cống hiến xây dựng Thủ đô phát triển.

Cơ bản nhất trí với các chính sách về y tế trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), ĐBQH Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) khẳng định, Thủ đô là nơi tập trung rất nhiều bệnh viện, nhất là các bệnh viện Trung ương nổi tiếng, chất lượng cao. Điều đó đồng nghĩa với việc Hà Nội có hệ thống trang thiết bị và đội ngũ cán bộ y tế rất tốt, là một lợi thế không được đánh mất.

"Tôi kiến nghị cần phải có những trung tâm y tế cực lớn, tầm cỡ của quốc tế đóng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Đó là một tổ hợp gồm nhiều bệnh viện, nhiều chuyên khoa đầu ngành. Phải tận dụng lợi thế của Hà Nội, phục vụ không chỉ cho người Hà Nội mà cho cả nước. Đồng thời, cần thiết lập một mạng lưới các trạm y tế, các phòng khám, các bệnh viện nhỏ, lan tỏa, len lỏi được vào các khu dân cư, các đường phố có nhân dân sinh sống để khi có người gặp phải bất kỳ tình huống nào, từ việc bị bỏng nước sôi, bị chó cắn hoặc một cháu bé bị sốt thì chỉ trong vòng 15 phút đã tiếp cận được cơ sở đó. Điều này rất quan trọng", đại biểu mong muốn.

Ông cũng cho rằng, việc xây dựng mạng lưới bác sĩ gia đình là rất cần thiết để phụ trách hồ sơ sức khỏe, nắm tình hình sức khỏe của từng gia đình, qua đó phục vụ tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, tán thành với quy định về sử dụng quỹ bảo hiểm y tế để phát triển hoạt động khám, chữa bệnh y học gia đình trên cơ sở nguồn kinh phí bảo hiểm y tế được giao dự toán cho thành phố, phù hợp với các quy định của Luật Khám, chữa bệnh...

An Quỳnh / CAND