Theo ông Lê Như Tiến, quy định về tặng quà, nhận quà tặng nghe thì hay nhưng khó có tính khả thi.
Theo Nghị định hướng dẫn Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực từ ngày 15/8, cơ quan nhà nước, người có chức vụ chỉ được sử dụng tài chính, tài sản công làm quà tặng vì mục đích từ thiện, đối ngoại.
Việc tặng quà phải thực hiện đúng chế độ, định mức, tiêu chuẩn, đối tượng theo quy định và phải hạch toán, công khai.
Cơ quan nhà nước và người có chức vụ không được trực tiếp hoặc gián tiếp nhận quà tặng dưới mọi hình thức của tổ chức hoặc cá nhân có liên quan đến công việc. Nếu không từ chối được, cán bộ phải quản lý, xử lý theo quy định.
Cán bộ cũng phải từ chối khi nhận được quà tặng không đúng quy định. Nếu không từ chối được thì phải báo cáo lãnh đạo và nộp lại trong thời hạn 5 ngày.
"Quy định thì hay, tưởng là chặt chẽ nhưng rất khó có tính khả thi", ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, nhận xét.
Theo ông Tiến, nhiều trường hợp là cấp dưới hoặc những người có việc cần liên lụy đến người có chức vụ đưa quà đến tặng bao giờ cũng kín đáo.
"Gọi là tặng quà nhưng thực chất đó là hối lộ trá hình, để giải quyết công việc thì đương nhiên không bao giờ người ta công khai, minh bạch trước bàn dân thiên hạ. Việc nộp lại quà tặng hầu như chỉ được thực hiện sau khi bị phát hiện sai phạm. Thế nên, quy định e rằng khó thành hiện thực được", ông Lê Như Tiến nói.
Cơ quan nhà nước, cán bộ khi nhận được quà tặng không đúng quy định phải từ chối hoặc giao lại cho bộ phận chịu trách nhiệm xử lý |
Dẫn chứng cho việc rất ít người nộp lại quà tặng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội dẫn báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 cho biết, trong năm 2018 chỉ có 25 trường hợp nộp lại quà tặng với tổng giá trị hơn 451 triệu đồng.
Ông cũng kể lại một trường hợp diễn ra cách đây nhiều năm, một người nước ngoài tặng một lãnh đạo trong bộ máy công quyền của Việt Nam món quà trị giá rất lớn. Việc tặng quà có bảo vệ, văn phòng biết và vị lãnh đạo sau đó đã chuyển lại món quà cho văn phòng để xung công quỹ. Những trường hợp như thế, theo ông Tiến, rất ít.
"Việc từ chối, nộp lại quà tặng phụ thuộc nhiều vào ý thức tự giác của cán bộ, công chức", ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, ông cũng lưu ý đến loại quà phi vật chất, thứ quà không trả lại được, không nộp lại được cho cơ quan.
"Chẳng hạn, có nơi người ta đưa các cô gái trẻ đến, nói là "tặng quà cho sếp", chẳng lẽ lúc ấy mời cán bộ văn phòng, thanh tra đến chứng kiến? Nó rất khôi hài", ông Tiến nói.
Vì lẽ đó, vấn đề quan trọng là phải kiểm soát được bộ máy. Cùng với những quy định đã có của pháp luật cần thực hiện một loạt biện pháp khác.
Ngoài việc nêu cao tinh thần tự giác của mỗi cán bộ, công chức, theo ông Lê Như Tiến, phải lắp camera ở những nơi nhạy cảm, như phòng làm việc của người có chức vụ quyền hạn có khả năng dễ nhận quà; hoặc khi khách đến mà thấy có dấu hiệu đưa quà thì cơ quan, tổ chức phải bố trí 2-3 người cùng làm việc...
Tương tự, phải có quy định nghiêm cấm mang quà đến nhà riêng người có chức vụ, quyền hạn để tặng cho người đó hoặc người thân thích, nhưng kèm với đó thì phải có cơ chế kiểm soát. Không thể ngày nào cơ quan, tổ chức cũng cử người đến đứng trước nhà người có chức vụ, quyền hạn để xem có ai vào, ông Tiến nói.
Thành Luân
Ông Huỳnh Đức Thơ: Cán bộ quá 'gần gũi' với chủ nhà hàng, khách sạn nên dễ dãi, né tránh
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng nêu thực trạng cán bộ quá “gần gũi” với các chủ nhà hàng, khách sạn ... |
Lãnh đạo có thể mất chức nếu bố trí vợ con vào vị trí quản lý cơ quan
Lãnh đạo có thể bị cách chức nếu bố trí người thân vào vị trí quản lý tổ chức nhân sự, thủ quỹ, thủ kho... |