Trung Quốc diễn giải rằng Mỹ muốn kiềm chế họ phát triển chứ không đơn giản là gây sức ép để khiến họ thay đổi các nguyên tắc thương mại.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (phải) và Tổng thống Mỹ Trump tại Bắc Kinh tháng 11 năm ngoái. Ảnh: Reuters. |
Chiến tranh thương mại không chỉ xoay quanh vấn đề thương mại. Chiến tranh thương mại là cách Mỹ dùng để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc. Đó là cách diễn giải ngày càng phổ biến ở Bắc Kinh trong những ngày này, khi Tổng thống Trump ngày 24/9 đánh thuế 10% với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc.
Washington có thể coi đây đơn giản là sự tái cân bằng kinh tế. Nhưng Bắc Kinh nhìn nhận động thái này trong bối cảnh rộng lớn hơn. "Ý đồ của Mỹ là phá hoại tiến trình phát triển của Trung Quốc đã quá rõ ràng", báo nhà nước People\'s Daily viết về quyết định áp thuế của Trump. Họ nhắc đến việc Stephen K. Bannon, cựu cố vấn hàng đầu cho Tổng thống Mỹ, từng tuyên bố rằng Mỹ chỉ cần 5 năm "để hạ gục Trung Quốc về mặt kinh tế".
Việc đòn đánh thuế được áp đặt vào ngày Nhật Bản tiến quân vào bắc Trung Quốc năm 1931 - ngày mà người Trung Quốc coi là nỗi ô nhục quốc thể - càng "xát muối vào vết thương", theo Washington Post.
"Ở Trung Quốc có nhiều giả thuyết về động cơ của Mỹ đằng sau cuộc chiến thương mại", Cheng Xiaohe, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Nhân Dân ở Bắc Kinh cho biết. "Một số người nói rằng Mỹ cố ngăn Trung Quốc bắt kịp trong lĩnh vực công nghệ cao hoặc Mỹ muốn ngăn Trung Quốc trỗi dậy. Một số người cho rằng Trump muốn tăng cơ hội chiến thắng của đảng Cộng hòa trong bầu cử giữa kỳ. Tôi thì nghĩ tất cả đều đúng".
Những người cho rằng Trump muốn kiềm chế Trung Quốc cũng là những người phản đối nhượng bộ trong chiến tranh thương mại, Bonnie S. Glaser, chuyên gia tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế, đánh giá.
Bắc Kinh đang thể hiện rằng họ sẽ không chùn bước. Trung Quốc tuyên bố đáp trả Mỹ bằng cách áp thuế với 60 tỷ USD hàng hóa nước này. Hành động của Trump "đe dọa lợi ích kinh tế và an ninh của Trung Quốc", Bộ Thương mại Trung Quốc ra tuyên bố vào tuần trước.
Mặc dù tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc đã chậm lại đáng kể trong những năm gần đây, họ vẫn đang trên đà có thể vượt mặt Mỹ, trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2030, theo một nhóm các nhà nghiên cứu. Nhưng Trung Quốc bị cáo buộc sử dụng các hoạt động không công bằng, như bán phá giá, trợ giá công nghiệp và ép doanh nghiệp chuyển giao công nghệ để đạt vị trí số một đó.
Khi Trump trở thành tổng thống và bắt đầu công kích Trung Quốc vì thặng dư thương mại của họ với Mỹ đạt 375 tỷ USD vào năm ngoái, Bắc Kinh không nghĩ Tổng thống Mỹ nghiêm túc, Paul T. Haenle, giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh, nhận xét.
"Ban đầu, người Trung Quốc có cách diễn giải rất đơn giản rằng tất cả ồn ào về thương mại nhằm phục vụ cho mục tiêu chính trị ngắn hạn của Trump, để ông ấy có thể khoe khoang trên Twitter", chuyên gia nói. "Giờ quan điểm của họ khác hẳn. Họ cho rằng động cơ của Mỹ là ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc".
Để củng cố cho cách diễn giải này, Bắc Kinh chỉ ra những bằng chứng như việc Mỹ loại Trung Quốc khỏi Vành đai Thái Bình Dương ở Hawaii – cuộc tập trận hàng hải quốc tế lớn nhất thế giới. Bắc Kinh cũng cho rằng Mỹ, Nhật, Australia và Ấn Độ nối lại cuộc đối thoại an ninh 4 bên nhằm tìm cách đối phó với họ.
Họ cũng dẫn chứng đạo luật mà Trump ký hồi tháng ba khuyến khích nhiều cuộc đối thoại hơn giữa các quan chức Mỹ và Đài Loan. Bắc Kinh cho rằng đạo luật này mâu thuẫn nghiêm trọng với nguyên tắc "một Trung Quốc". Trung Quốc coi Đài Loan là lãnh thổ không thể tách rời và sẵn sàng dùng vũ lực thống nhất nếu cần.
Các quan chức Mỹ còn nêu viễn cảnh áp đặt biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao Trung Quốc và các công ty liên quan đến cáo buộc vi phạm nhân quyền với người Duy Ngô Nhĩ ở miền tây Trung Quốc. Bắc Kinh bác bỏ hành vi này.
"Những điều này khiến họ có cảm giác người Mỹ muốn cho họ lĩnh đòn", Michael Kovrig, nhà phân tích về Trung Quốc cho Nhóm khủng hoảng Quốc tế, đánh giá. "Đối với Trung Quốc, kinh tế và an ninh liên kết chặt chẽ với nhau".
"Tất cả những người tôi gặp đều nói rằng vì tranh chấp thương mại không phải là chiến thắng nhanh đạt được, nó chắc chắn là một phần của chiến lược lớn hơn", Abigail Grace, chuyên gia Trung tâm An ninh Mỹ Mới ở Washington kể về chuyến thăm Bắc Kinh trong tháng này.
\'Nạn nhân\'
Trong khi dẫn chứng các hành động của Mỹ, chính quyền Tập Cận Bình không nhìn vào hành động của chính họ, chẳng hạn như các cuộc tập trận quân sự gần đây với Nga hay các hoạt động của nước này ở Biển Đông.
"Vì vậy, thay vì nhận ra rằng chính tham vọng của họ đã thay đổi, họ nhấn mạnh rằng Mỹ đã thay đổi", Grace nói. "Đó là cách diễn giải dễ dàng hơn, thuận tiện hơn mà Bắc Kinh muốn tin và họ cũng cố gắng khiến người dân tin như vậy".
Haenle thuộc Trung tâm Carnegie-Tsinghua đồng ý rằng đó là cách diễn giải có lợi cho Trung Quốc vì Bắc Kinh không cần phải nhận bất kỳ trách nhiệm nào về tình hình hiện tại. "Trung Quốc giữ vai nạn nhân", ông nói.
Các nhà phân tích nói rằng Trung Quốc không có cuộc thảo luận hay thừa nhận thực tế rằng họ "tự làm tự chịu". Trong khi đó, chính quyền Trump và các chính phủ khác liên tục phàn nàn về các chính sách công nghiệp của Trung Quốc, bao gồm hạn chế công ty nước ngoài tiếp cận thị trường và yêu cầu chuyển giao công nghệ.
Không lâu sau khi trở thành chủ tịch Trung Quốc năm 2013, ông Tập đặt ra tầm nhìn về những cải cách kinh tế, bao gồm cho thị trường vai trò quyết định trong việc phân bổ nguồn lực trong nền kinh tế, cải cách hệ thống thuế và thay đổi hệ thống pháp luật. Nếu được thực hiện, những thay đổi này có thể khắc phục những tình trạng mà các chính phủ nói trên đã phàn nàn.
Năm nay, tại Diễn đàn Boao, ông Tập cũng nói rằng Trung Quốc sẽ giảm thuế quan đối với ôtô và bảo vệ tài sản trí tuệ của các công ty nước ngoài.
Tuy nhiên, họ đạt được ít tiến bộ trong việc thực hiện các mục tiêu. Trump có thể đang giúp Bắc Kinh tập trung vào vấn đề này.
"Giờ Trump đã nhận được nhiều sự chú ý từ Trung Quốc", Haenle nói. "Tôi nghĩ có rất nhiều người ở Mỹ và trên toàn thế giới ủng hộ việc gây áp lực với Trung Quốc về những vấn đề này. Thậm chí Trung Quốc cũng biết họ cần phải thay đổi".
Tuy nhiên, Trung Quốc hiện vẫn từ chối nhượng bộ, dù họ đang cạn kiệt phương án đáp trả, vì lượng hàng họ nhập khẩu từ Mỹ ít hơn nhiều so với lượng hàng họ xuất khẩu sang.
"Trung Quốc sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ. Với sự dẫn dắt của ông Tập Cận Bình và tư tưởng của ông, đất nước sẽ có niềm tin để vượt qua mọi khó khăn và trở ngại", People\'s Daily viết trong một bài xã luận.
Người Mỹ thiệt hại thế nào trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc?
Đòn áp thuế của Trump với hàng hóa Trung Quốc sẽ khiến giá tiêu dùng ở Mỹ tăng lên, nhưng không gây hậu quả lớn. |
Chưa cần chiến tranh thương mại, kinh tế Trung Quốc đã rạn nứt
Khối nợ tăng, đầu tư giảm, dân số già đã là thách thức với nền kinh tế lớn nhì thế giới trong vài năm gần ... |
Hục hặc trong chính quyền Trump về chiến tranh thương mại với Trung Quốc
Nhà Trắng chia làm hai phe trong chính sách thương mại với Trung Quốc, nhưng giới diều hâu dần thắng thế và được Trump ủng ... |