Pinduoduo đang vươn lên mạnh mẽ, đã vượt qua ứng dụng của tập đoàn Alibaba, trở thành nơi mua sắm trên mạng Internet lớn nhất Trung Quốc.
Theo công bố của Pinduoduo - ứng dụng thương mại điện tử biến việc mua hàng giảm giá thành trò chơi trực tuyến - hiện ứng dụng này có 788,4 triệu người dùng ở thời điểm cuối năm 2020. Như vậy, số lượng người dùng chính thức của Pinduoduo đã vượt qua con số 779 triệu của Alibaba. Số liệu về người dùng được tính toán dựa trên hoạt động mua sắm của họ trong 12 tháng qua.
Doanh thu hàng năm của Pinduoduo ước tính khoảng 9,1 tỷ USD, chỉ bằng một phần so với con số 72 tỷ USD của Alibaba tính trong năm tài khóa gần nhất, nhưng tăng trưởng doanh thu của Pinduoduo rất đáng kể.
Năm 2020, doanh thu của ứng dụng này tăng gấp đôi so với 2019 và đang được coi như "đối thủ" thách thức vị thế độc chiếm thị trường mua sắm trực tuyến suốt nhiều năm nay của Alibaba và JD.com.
"Chúng ta đã cùng nhau tạo nên điều kỳ diệu nho nhỏ. Chúng ta đã thay đổi thương mại điện tử và cả cấu trúc mạng Internet của Trung Quốc", nhà sáng lập của Pinduoduo đồng thời là một cựu kỹ sư Google – ông Colin Huang nói.
Pinduoduo - ứng dụng thương mại điện tử giúp việc mua hàng giảm giá thành trò chơi trực tuyến. Ảnh: Conne. |
Tự định vị mình như một sự kết hợp giữa bán hàng theo mô hình bán buôn kiểu Cosco và giải trí kiểu Disney hay còn gọi là sự kết hợp giữa mua sắm dựa trên giá trị và giải trí nhẹ nhàng, Pinduoduo đã thay đổi quan niệm mua sắm trực tuyến tại Trung Quốc. Giờ đây, mua sắm trực tuyến tại nước này đã trở thành hình thức tiêu dùng trực tuyến kết hợp với truyền thông xã hội, việc mua sắm giống như chơi trò chơi.
Ứng dụng Pinduoduo, đúng với cái tên được dịch ra với ý nghĩa mang nhiều người đến gần với nhau, cho phép bạn bè và cả những người xa lạ tìm đến với nhau và có được những thỏa thuận mua hàng giá rẻ. Họ có thể mua lẻ hoặc mua số lượng lớn để được giảm giá. Với cơ hội giao lưu và mua sắm kết hợp, bạn bè và người quen rủ nhau lên Pinduoduo để cùng xem các buổi truyền trực tuyến, chia sẻ các cơ hội mua hàng giá rẻ, cùng mua với nhau đồng thời có thể chơi trò chơi được tích hợp trên nền hệ thống.
Một ứng dụng rất được ưa chuộng chính là "vườn trái cây Duoduo" nơi mà người chơi trồng cây ảo nhằm có được phiếu mua sắm, các quà tặng thật như hộp xoài hay món quà nhỏ từ bạn bè. Trò chơi này có sự cạnh tranh gay gắt giữa những người chơi, theo chia sẻ của cô Li Wenjun (19 tuổi) đến từ miền Trung của Trung Quốc. Cô Li Wenjun vốn rất thích trò chơi này: "Thật tuyệt vời khi bạn làm điều gì đó vui vẻ với bạn bè. Bạn chỉ cần đảm bảo đúng thời gian là được".
Cách tiếp cận của Pinduoduo phản ứng xu thế "trò chơi điện tử ứng dụng hóa" trong lĩnh vực công nghệ gần đây vốn thu hút được nhiều sự chú ý. Xu thế này về bản chất là việc doanh nghiệp đưa các ứng dụng trong công việc ngoài đời thực vào trong một trò chơi nhằm giúp mọi người tìm hiểu, nghiên cứu và chơi để tăng năng suất làm việc. Nó cũng có thể là việc ứng dụng các thành phần của game vào trong những lĩnh vực khác để tạo ra một trải nghiệm thú vị cho người dùng, gắn kết người dùng với các ứng dụng phần mềm như website hay mobile app
Đối với Pinduoduo, việc giữ chân người dùng trên nền tảng có thể coi như mục đích chính của các trò chơi. Nó giúp tạo ra thói quen của người dùng và được coi như cửa ngỏ để đón họ vào các mảng mua sắm của ứng dụng.
Ngoài ra, Pinduoduo đang có lợi thế khi mà Alibaba đang đương đầu với quá nhiều thách thức trong bối cảnh điều tra chống độc quyền tăng lên và sự hoài nghi của chính phủ Trung Quốc với doanh nghiệp này ngày một lớn. Alibaba đã khẳng định sẽ hợp tác với cơ quan quản lý về vụ việc, đồng thời sẽ có những đánh giá và điều chỉnh lại hoạt động kinh doanh của hãng.
Trong năm qua, cổ phiếu của Pinduoduo trên sàn Nasdaq đã tăng chóng mặt. Giá trị vốn hóa thị trường của Pinduoduo tăng vượt JD.com và đến tháng 2/2021 đã có lúc chạm mức 250 tỷ USD. Tài sản cá nhân của ông Huang ước tính khoảng 69 tỷ USD, theo tính toán của tổ chức nghiên cứu Hurun trụ sở tại Thượng Hải. Ông Huang hiện còn giàu hơn cả tỷ phú Jack Ma - sáng lập Alibaba và đang là người giàu thứ 3 tại Trung Quốc.
Năm ngoái, ông Colin Huang đã chuyển giao lại vị trí CEO cho ông Chen Lei. Và mới đây, ông này cũng chấp thuận để ông Chen Lei vào vị trí chủ tịch hội đồng quản trị. Giờ ông Huang chủ yếu tập trung vào các dự án nghiên cứu về khoa học cuộc sống, tuy nhiên vẫn giữ vị trí cổ đông nắm quyền kiểm soát. Ông Chen Lei trước đây là bạn học ngành khoa học máy tính cùng với ông Colin Huang tại đại học University of Wisconsin-Madison.
Để có thành công như hiện tại, các nhà sáng lập Pinduoduo đã trải qua những ngày gian khó. Mùa hè năm 2015, ông Huang và nhóm làm việc của ông khi đó đã vận hành ứng dụng tiền thân của Pinduoduo với chức năng kinh doanh hoa quả giảm giá. Họ đã thuê nhà kho gần Thượng Hải để trữ vải và quảng cáo sản phẩm trên ứng dụng WeChat, một ứng dụng nhắn tin và đồng thời là nền tảng mạng xã hội rất phổ biến tại Trung Quốc. Đây là chiến dịch bán hàng quy mô lớn đầu tiên.
Họ đã nhận được nhiều đơn hàng, tuy nhiên hệ thống không thể xử lý nổi và chật vật không giao được đủ hàng cho khách. Sau đó, dưới cái nóng thiêu đốt của mùa hè, vải bị hỏng và công ty phải hoàn tiền cho hàng nghìn khách hàng đang giận dữ.
Chiến dịch kinh doanh thất bại thảm hại này khiến cho lãnh đạo công ty buộc phải tính đến việc nâng cấp mô hình kinh doanh. Các quản lý cao cấp nhất của công ty lúc ấy quyết định sẽ không tự mua kho bãi của riêng họ mà trở thành nền tàng của bên thứ 3 kết nối giữa nhà cung cấp và khách hàng giống như kiểu Alibaba. Đồng thời, họ dồn tiền vào phát triển phần mềm, vận tải và hạ tầng nhằm tránh tình trạng không đủ khả năng giao hàng lặp lại.
Thế nhưng, cũng từ chiến dịch kinh doanh quy mô lớn đầu tiên đó, ông Huang hiểu rằng mạng xã hội và thương mại điện tử có thể kết hợp với nhau để cùng tạo ra sức mạnh lớn. Phần lớn những người mua vải biết đến đợt bán hàng của công ty do bạn bè trên WeChat chia sẻ, người dùng rủ nhau lập nhóm để có thể mua hàng số lượng lớn và hưởng giá thấp hơn. Công ty cũng chi tiền rất "bạo tay" vào quảng cáo khi đã dành đến 13 tỷ USD hỗ trợ giá sản phẩm cho các nhà cung cấp và chạy chương trình giảm giá lớn để thu hút người tiêu dùng.
Để có thể thành công trong dài hạn, cũng giống như các đối thủ JD.com, Pinduoduo sẽ cần phải tính cách để làm sao ngừng được các chương trình trợ giá mà không làm mất khách hàng tìm đến Pinduoduo chủ yếu bởi muốn săn hàng giá rẻ.
Các nhà quản lý của Pinduoduo sẽ vẫn phải dùng doanh thu bù đắp vào các chương trình trợ giá sản phẩm cho đến khi thực sự vượt qua được Alibaba để trở thành nền tảng mua sắm mặc định cho khoảng một tỷ người Trung Quốc, ông Chen khẳng định về kế hoạch tương lai.
Nếu làm được mục tiêu đó, công ty sẽ rút bớt chương trình trợ cấp, đồng thời thu hút thêm tiền quảng cáo từ các nhà cung cấp để vẫn có lãi.
Hoạt động trợ cấp giá bán hàng hóa mà công ty này đang triển khai cũng đã hứng chịu nhiều chỉ trích của các nhà quản lý rằng nó đang bóp méo thị trường và gây tổn hại đến quyền lợi của người tiêu dùng. Chính vì vậy, công ty sẽ cần phải điều chỉnh nhanh hơn so với tính toán ban đầu.
Một nhược điểm khác của Pinduoduo cũng chính là việc phần lớn người tiêu dùng không chi tiêu nhiều tiền cho ứng dụng này. Nhiều người tiêu dùng chủ yếu dùng Pinduoduo để mua đồ ăn vặt và giấy lau. Trung bình, mỗi người dùng Pinduoduo chi tiêu 324 USD trên ứng dụng trong năm 2020, con số này đang tăng lên nhưng tính ra chỉ bằng ¼ so với mức chi tiêu trung bình của người dùng trên Alibaba.
Để có thể làm tăng được mức chi tiêu của người dùng, Pinduoduo đang tăng cường bán thêm thực phẩm tươi sống, loại mặt hàng đóng góp khoảng 15% tổng doanh thu của công ty.
Trong năm qua, công ty này đã huy động thêm 6 tỷ USD nhằm có tiền chạy chương trình bán nông sản đầy tham vọng. Pinduoduo đang tham vọng "đánh chiếm" thị trường này bởi người dùng sẽ có nhu cầu với sản phẩm đó hàng ngày.
Năm 2021, dù mới vài tháng trôi qua nhưng có thể coi như năm sóng gió nhất của Pinduoduo. Ngay mới đầu năm, hai nhân viên trẻ qua đời, vụ việc này khiến cho làn sóng chỉ trích văn hóa làm việc của Pinduoduo tăng cao.
Và mới trong tháng 3/2021, các nhà quản lý Trung Quốc đã phạt Pinduoduo cùng với một số công ty thương mại điện tử khác vì hành vi kinh doanh không phù hợp. Động thái mới nhất của giới chức Trung Quốc được đưa ra trong nỗ lực kiềm chế bớt tầm ảnh hưởng của các "đại gia" công nghệ nước này.
Trong năm đại dịch 2020, thị trường thương mại điện tử của Trung Quốc vẫn tăng trưởng đáng kể và tiềm năng được kỳ vọng rất lớn. Quy mô ngành bán lẻ tại Trung Quốc được ước tính sẽ tăng trưởng từ mức 354 tỷ USD của năm ngoái lên 549 tỷ USD của năm 2025, theo tính toán của tổ chức nghiên cứu thị trường eMarketer.
Diệu Thanh (theo WSJ)
Loạt công ty Trung Quốc bị phạt, riêng Alibaba đối mặt với án phạt kỷ lục |
Tỷ phú Jack Ma xuất hiện, xoá tan tin đồn xung quanh cuộc điều tra Alibaba |
Trung Quốc điều tra cáo buộc độc quyền với Alibaba |