Thời gian gần đây, tụ điểm “cà phê đường tàu” (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nổi lên như một địa điểm “sống ảo” ưa thích của các bạn trẻ và du khách nước ngoài. Tuy nhiên, việc ngồi uống cà phê, với tay ra đã có thể chạm tới đoàn tàu đang chạy đến tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Mỗi ngày, ước tính trên “xóm đường tàu” có hàng trăm lượt khách đến “ngắm” tàu chạy, tận hưởng cảm giác mạnh mỗi lần tàu vụt qua ở khoảng cách rất gần. Càng gần giờ tàu đến vào mỗi buổi chiều, khách du lịch đổ về đây càng đông, gây mất an toàn nghiêm trọng.
Trên thực tế, các vụ tai nạn giao thông đường sắt xảy ra hầu hết là do sự thiếu ý thức của một số người dân. Gần đây nhất, đoàn tàu rời khỏi ga và đi qua phố đường tàu Phùng Hưng vào lúc 15h30 ngày 6.10 đã buộc phải phanh gấp trong thời gian ngắn để khách du lịch và người dân có thời gian tìm chỗ tránh tàu.
Theo thống kê của Đội Cảnh sát giao thông đường sắt, Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Hà Nội, từ đầu năm đến nay, lực lượng chức năng ứng trực qua các đường ngang đã xử lý 3.990 trường hợp vi phạm hành lang an toàn giao thông đường sắt.
Đường tàu lửa trở thành phố cà phê. Ảnh: Ngọc Lan |
Bạn đọc Huyền Trang (Hoàn Kiếm, Hà Nội) chia sẻ: “Hầu hết mọi người đến đây đều ý thức rõ được sự nguy hiểm mỗi lần tàu đến nhưng họ lại làm ngơ với chính tính mạng của mình. Nhiều người còn liều lĩnh, tranh thủ lúc tàu đến gần để chụp ảnh, có người còn giơ tay ra để chạm vào tàu khiến nguy cơ tại nạn rất cao”.
Cũng đồng ý kiến, bạn đọc Trần Huy (Long Biên, Hà Nội) cho rằng không chỉ ảnh hưởng đến tình mạng những người ngồi gần đường ray, những hộ kinh doanh cận kề ray tàu cũng không thoát khỏi nguy hiểm khi có sự cố xảy ra. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần có những biện pháp xử lý nặng hơn để đủ sức răn đe những trường hợp tái phạm nhiều lần.
Để tránh tình trạng nguy hiểm này, Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội giải tán tụ điểm nổi tiếng này, đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm an toàn giao thông đường sắt trên địa bàn.
Thiếu tá Nguyễn Văn Chương, Phó Đội trưởng Đội CSGT đường sắt cho biết, các quán bán nước, cà phê, đồ lưu niệm… dù đã được lực lượng chức năng nhắc nhở, tuyên truyền thường xuyên và những hàng quán này đều đã ký cam kết đảm bảo an toàn giao thông đường sắt, nhưng khi vắng bóng lực lượng chức năng, họ sẵn sàng tái phạm.
Hành động rất nguy hiểm của một số người, gây mất an toàn giao thông. Ảnh: Ngọc Lan |
Trao đổi với Lao Động, luật sư Đặng Văn Cường - Đoàn luật sư TP Hà Nội cho biết, việc tự ý mở lối đi, chiếm dụng hành lang đường sắt, lòng đường tàu để sinh hoạt, kinh doanh là câu chuyện đã diễn ra nhiều năm nay trên địa bàn Hà Nội. Nhiều người còn cho rằng đây là nét văn hóa của những người sống xung quanh khu vực đường tàu.
Theo luật sư Đặng Văn Cường, để trả lại hành lang giao thông và an toàn đường sắt, chính quyền địa phương nơi có đường sắt đi qua cần có sự vào cuộc quyết liệt, triệt để. Đặc biệt, UBND các phường cần nêu cao trách nhiệm của mỗi công dân đối với việc tuân thủ các quy định an toàn giao thông đường sắt.
Về chế tài xử phạt, luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo điều 51 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, những quán cà phê đường tàu nằm liền kề, thậm chí kê bàn ghế bán hàng trên đường ray là vi phạm pháp luật. Hành vi mua bán hàng hóa trong phạm vi bảo vệ công trình đường sắt, hành lang an toàn giao thông đường sắt sẽ bị phạt, cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 2 triệu – 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 triệu đồng - 6 triệu đồng đối với tổ chức.
Hà Nội sẽ dẹp cà phê đường tàu trước 12/10 |
"Cà phê đường tàu cần được phát triển thay vì cấm" |
Dừng chụp ảnh, cà phê đường tàu: Nhiều người tiếc nuối |