Ô nhiễm không khí ở Hà Nội tăng vọt vào giờ cao điểm với khoảng 70% bụi mịn do ôtô, xe máy thải ra.
Tổ chức giám sát chất lượng không khí AirVisual vừa công bố danh sách các quốc gia và thành phố ô nhiễm nhất thế giới năm 2018. Dựa trên chỉ số lượng bụi siêu vi PM2.5 trong không khí, Hà Nội đứng thứ hai ở Đông Nam Á và 12 thế giới về mức độ ô nhiễm.
Người đi xe máy đeo khẩu trang tránh bụi trên đường Minh Khai. Ảnh: Tất Định
Giáo sư Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường Việt Nam cảnh báo, bụi mịn PM2.5 có thể xâm nhập sâu vào phổi, gây nên tình trạng khó thở; đặc biệt nguy hiểm với những người mắc bệnh phổi, hen phế quản, nhiễm trùng đường hô hấp.
Chỉ số bụi mịn PM2.5 trung bình của Hà Nội là 40,8µg/m3, cao gấp 1,6 quy chuẩn quốc gia (25 µg/m3) và gấp 4 lần trung bình năm của Tổ chức Y tế Thế giới - WHO (10µg/m3). Nguồn: AirVisual
"Hơn 70% bụi mịn siêu vi trong không khí thải ra từ xe máy, ôtô, phần còn lại đến từ các hoạt động sản xuất công nghiệp, xây dựng và dân sinh", ông Đăng nói.
Trên cơ sở quan trắc, ông Mai Trọng Thái - Chi cục trưởng Bảo vệ môi trường Hà Nội cũng cho rằng, diễn biến nồng độ bụi tại thủ đô biến động do hoạt động giao thông. Cụ thể, bụi tăng cao rõ rệt vào các giờ cao điểm sáng 7-8h và chiều 18-19h, giảm xuống thấp nhất vào giữa trưa 13-14h và ban đêm 23h-1h.
Bên cạnh đó, kết quả quan trắc đầu năm 2019 cho thấy, không khí có xu hướng xấu đi vào các tuần sát Tết, khi lưu lượng giao thông tăng cao; sau đó tốt hơn vào dịp trong và sau Tết.
"Ô nhiễm bụi mịn PM2.5 ở Hà Nội chủ yếu tập trung ở những trục đường mật độ giao thông lớn như Minh Khai, Phạm Văn Đồng... Nồng độ bụi tăng cao có tính tức thời, tại một thời điểm cụ thể, không phải suốt 24 giờ", ông Thái nói.
Biểu đồ chất lượng không khí các quận ở Hà Nội năm 2018. Ảnh: Chi cục Bảo vệ môi trường Hà Nội
Từ kết quả 10 trạm quan trắc của đơn vị, ông Thái đánh giá chất lượng không khí Hà Nội trong năm 2018 đã cải thiện so với 2017. Ông dẫn chứng, chỉ số chất lượng không khí ở mức "xấu" ghi nhận tại trạm Trung Yên 3 (khu vực dân cư) và Minh Khai (khu vực giao thông) trong năm 2017 lần lượt là 0% và 0.3%. Trong năm 2018 tại cả hai trạm này không có ngày nào chạm mức "xấu".
"Thành phố cần phát triển phương tiện giao thông công cộng như tàu điện, xe buýt. Việc hạn chế phương tiện cá nhân sẽ giảm thiểu bụi nguy hại, cải thiện chất lượng không khí", ông Thái nhấn mạnh.
Hà Nội có 5,8 triệu xe máy, 0,7 triệu ôtô và khoảng 1,2 triệu phương tiện ngoại tỉnh thường xuyên đi trên địa bàn.
Tại kỳ họp giữa năm 2017, HĐND thành phố thông qua nghị quyết quản lý phương tiện giao thông, trong đó, thủ đô sẽ dừng hoạt động xe máy trên địa bàn các quận nội thành vào năm 2030. Kết quả khảo sát của cơ quan soạn thảo đề án công bố cho thấy, trong hơn 15.000 phiếu khảo sát thu về ở 30 quận, huyện có hơn 90% người được hỏi ủng hộ đề án và lộ trình cấm xe máy.
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ Bùi Minh Châu: Mưa sẽ qua và nắng sẽ hửng, mọi khó khăn rồi sẽ qua đi và PVN sẽ vươn lên
Sáng ngày 8/3/2019, Đoàn công tác của tỉnh Phú Thọ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp (QLVNN), Đảng ủy Khối Doanh ... |
Bắt kẻ chuyên sản xuất ‘hàng nóng’ cho giới xã hội đen
Nhận thấy giới anh chị có nhu cầu mua súng, Hiến đã mày mò, chế tạo ra nhiều khẩu côn xoay có độ sát thương ... |
Thượng sĩ công an tử vong khi làm nhiệm vụ
Lao vào dòng nước dữ để giải cứu tài xế xe tải, một thượng sĩ công an ở Gia Lai bị nước cuốn tử vong. |