Nền kinh tế toàn cầu đang gặp rất nhiều khó khăn. Kinh tế đã cạn kiệt nguồn lực tăng trưởng, lạm phát cao đã lan đến tất cả các quốc gia và được dự báo sẽ còn dai dẳng. Sự gián đoạn nguồn cung năng lượng có thể đẩy giá dầu thô và lương thực tăng thêm. Việc tăng lãi suất, điều cần thiết để kiềm chế lạm phát, làm gia tăng các lỗ hổng tài chính. Cuộc chiến của Nga ở Ukraine làm tăng nguy cơ vỡ nợ ở các nước thu nhập thấp, đồng thời cũng gây mất an ninh lương thực.
Triển vọng toàn cầu đang xấu đi
Trước thềm Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Indonesia, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo triển vọng kinh tế toàn cầu sẽ ảm đạm hơn so với dự báo của tháng trước, khi các kết quả khảo sát cho thấy Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) liên tục có dấu hiệu xấu trong những tháng gần đây. Số liệu PMI cho thấy hoạt động sản xuất và dịch vụ đang có xu hướng yếu đi tại hầu hết các nền kinh tế G20 vì lạm phát vẫn rất cao. IMF nhấn mạnh các thách thức mà nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt là rất lớn. Bên cạnh đó, môi trường chính sách tiền tệ cũng đang “bất ổn một cách bất thường”.
Cũng theo IMF, cuộc khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng ở châu Âu sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng và đẩy lạm phát leo thang. Lạm phát cao kéo dài sẽ dẫn tới chính sách tăng lãi suất mạnh hơn dự kiến, từ đó siết chặt các điều kiện tài chính toàn cầu. IMF lưu ý điều này sẽ làm gia tăng nguy cơ khủng hoảng nợ công ở các nền kinh tế dễ bị tổn thương. Bên cạnh đó, các hiện tượng thời tiết cực đoan cũng sẽ ảnh hưởng nặng nề đến triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Tăng trưởng chậm lai, lạm phát dâng cao
Chính sách tiền tệ thắt chặt hơn và lãi suất tăng, giá năng lượng tăng, thu nhập thực tế của hộ gia đình tăng trưởng yếu và niềm tin suy giảm là những yếu tố được cho là sẽ làm giảm tăng trưởng. Mỹ và châu Âu đang trải qua một sự suy thoái rõ rệt và các nền kinh tế thị trường mới nổi lớn ở châu Á dự kiến sẽ chiếm gần 3/4 mức tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2023. Sức ép lạm phát ngày càng tăng chủ yếu do cuộc chiến ở Ukraine đã đẩy giá năng lượng và lương thực tăng mạnh. Giá năng lượng tăng đẩy giá của nhiều loại hàng hóa và dịch vụ tăng theo. Việc thắt chặt chính sách tiền tệ và tăng trưởng chậm lại sẽ giúp kiềm chế lạm phát.
Trong báo cáo cập nhật triển vọng kinh tế mới nhất, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) dự báo tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ ở mức 2,2% trong năm 2023, trước khi tăng tốc lên 2,7% vào năm 2024. Tại cuộc họp báo hôm 22/11, Tổng thư ký OECD Mathias Cormann cho biết mặc dù “không dự đoán một cuộc suy thoái sẽ diễn ra, nhưng chúng tôi đang dự đoán chắc chắn về một giai đoạn suy yếu rõ rệt”. Cụ thể, OECD dự đoán kinh tế toàn cầu sẽ giảm tốc mạnh trong năm 2022 và 2023, do lạm phát toàn cầu và giá cả tăng.
Lạm phát trong G20 sẽ vẫn trên mức 8% trong quý IV năm nay trước khi giảm xuống 5,5% vào năm 2023 và 2024. Để thúc đẩy tăng trưởng, OECD khuyến nghị tiếp tục chống lạm phát đồng thời hỗ trợ các hộ gia đình và doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Theo ông Cormann, mặc dù kinh tế toàn cầu sẽ tránh được suy thoái trong năm 2023 nhưng cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay sẽ dẫn đến suy giảm kinh tế nghiêm trọng. Tác động của sự suy giảm này không đồng đều đối với các nền kinh tế.
Châu Âu chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do xung đột tại Ukraine ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh và khiến giá năng lượng tăng vọt. Dự báo Khu vực đồng Euro (Eurozone) sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm nay, sau đó giảm mạnh xuống 0,5% vào năm 2023 trước khi phục hồi ở mức 1,4% vào năm 2024. Bên ngoài Eurozone, nền kinh tế Anh được dự báo giảm 0,4% trong năm tới do cùng lúc phải đối mặt với việc tăng lãi suất, lạm phát gia tăng và niềm tin suy giảm.
Nhìn chung, theo dự báo của OECD, kinh tế thế giới sẽ không thể phục hồi trước năm 2024 với mức tăng nhẹ 2,7%. Các quốc gia châu Á mới nổi sẽ là động lực cho tăng trưởng toàn cầu, trong khi châu Âu và Mỹ sẽ bị tụt lại phía sau. Ngoài ra, hai nền kinh tế lớn được dự báo sẽ rơi vào suy thoái là Đức và Anh.
Châu Á - Động lực chính của tăng trưởng
Tăng trưởng kinh tế thế giới trong 2 năm tới sẽ phụ thuộc nhiều vào các nền kinh tế mới nổi hàng đầu ở châu Á giữa lúc châu Âu và châu Mỹ chứng kiến mức tăng trưởng sụt giảm. Theo dự báo của OECD, kinh tế Ấn Độ sẽ tăng trưởng 6,6% trong năm nay và 5,7% vào năm 2023. Trong khi đó, kinh tế Trung Quốc được dự báo có mức tăng trưởng kém ấn tượng hơn nhưng vẫn khá tích cực: 3,3% năm 2022 và tăng lên 4,6% trong năm 2023 và 4,1% vào năm 2024. Các dự báo này không thay đổi nhiều so với dự báo trước đó của OECD.
Hãng S&P Global Market Intelligence mới đây cũng dự báo khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vốn đóng góp 35% GDP của thế giới, sẽ đóng vai trò dẫn dắt tăng trưởng kinh tế toàn cầu năm 2023, nhờ các thỏa thuận thương mại tự do trong khu vực, chuỗi cung ứng hiệu quả và chi phí cạnh tranh. Cụ thể, tăng trưởng kinh tế thực của khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ đạt khoảng 3,5% trong năm 2023.
Sara Johnson, Giám đốc điều hành về nghiên cứu kinh tế của S&P nhận định với mức tăng trưởng vừa phải ở châu Á – Thái Bình Dương, Trung Đông và châu Phi, kinh tế thế giới có thể tránh được nguy cơ suy thoái trong năm tới.
IMF cho biết sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Đông Nam Á vào đầu năm nay đã mất đà do lãi suất tăng, chiến tranh ở Ukraine và hoạt động kinh tế của Trung Quốc chững lại. Mặc dù vậy, khu vực này vẫn là một điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu đang ngày càng ảm đạm. IMF dự đoán mức tăng trưởng của châu Á - Thái Bình Dương là 4% trong năm nay và 4,3% vào năm tới, cả hai đều dưới mức trung bình 5,5% trong 2 thập kỷ qua. Tuy nhiên, con số này vẫn cao hơn dự báo của IMF đối với châu Âu và Mỹ.
Nhìn chung, con đường phát triển kinh tế của Đông Nam Á sẽ khác với nhiều nền kinh tế tiên tiến ở châu Âu vì khu vực này được cách ly ở một mức độ nào đó khỏi những khó khăn mà châu Âu phải đối mặt. Điều này có nghĩa là có nhiều khoảng trống hơn cho các chính sách định hướng tăng trưởng trong khu vực mà ở nhiều nơi khác trên thế giới, lạm phát cao đang buộc các ngân hàng trung ương phải thắt chặt điều kiện.
Các quốc gia Đông Nam Á đã trải qua giai đoạn hồi phục nhanh chóng từ đầu năm nay, sau một năm 2021 đầy khó khăn vì đại dịch. Có chính sách tiêm chủng tốt, nỗ lực dỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch, những nước này đã biết tranh thủ nhu cầu thế giới trong quý I/2022, đồng thời tái thúc đẩy tiêu dùng trong nước và thu lợi từ một phần khách du lịch quốc tế trở lại. Các nước xuất khẩu ròng năng lượng - đặc biệt là Indonesia và Malaysia - đã tận dụng xu hướng tăng giá năng lượng.
“Hiệu ứng bắt kịp” (các nền kinh tế nghèo hơn có xu hướng phát triển nhanh hơn và bắt kịp các nước giàu) vẫn tiếp diễn trong năm 2022. WB nhắc lại kinh tế Đông Nam Á đã chịu tác động mạnh do đại dịch trong năm 2020 và 2021 song đến cuối năm 2021, Indonesia và Malaysia đã khôi phục được mức GDP như trước khủng hoảng. Năm nay, Philippines, Thái Lan và Campuchia cũng đang đạt được điều này. Lạm phát ở Đông Nam Á cũng nhẹ hơn ở phương Tây. Mức tăng Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Indonesia, Malaysia và Việt Nam dưới ngưỡng 5% và tỷ lệ này ở Thái Lan, Philippines vẫn thấp hơn so với Eurozone.
Điểm sáng gọi tên Ấn Độ
Chịu tác hại nặng nề do COVID-19 trong năm 2020 với GDP giảm tới 7,6%, kinh tế Ấn Độ đã phục hồi mạnh mẽ trong năm 2021 (tăng trưởng 8,7%) và các dự báo hồi đầu năm nay cũng tích cực. Tuy nhiên, cú sốc từ cuộc xung đột ở Ukraine là rất nghiêm trọng đối với một quốc gia phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu năng lượng như Ấn Độ.
Theo dự báo của IMF hồi tháng 10, tăng trưởng của Ấn Độ sẽ chỉ là 6,8%, sụt giảm nhẹ nhưng vẫn năng động và lần đầu tiên trong 50 năm qua, tăng trưởng của Ấn Độ được dự báo cao gấp đôi so với Trung Quốc.
Dòng vốn chảy ra khỏi Ấn Độ chỉ ở mức vừa phải, đồng rupee giảm giá 12% trong 3 quý của năm 2022, chỉ bằng một nửa so với mức sụt giảm của đồng yên Nhật, nhưng cái giá phải trả là dự trữ ngoại hối của Ấn Độ đã giảm đáng kể. Áp lực lạm phát ở Ấn Độ cao hơn so với Đông Nam Á (chỉ số giá tiêu dùng ở Ấn Độ tăng 7%), đặc biệt là giá lương thực, thực phẩm tăng, ảnh hưởng nhiều đến nhóm dân cư nghèo nhất. Dù vậy, các dự báo về kinh tế Ấn Độ năm 2023 vẫn khá lạc quan, với tăng trưởng dự kiến đạt 6-7%.
Kế hoạch “Make in India” (Sản xuất tại Ấn Độ) đã thu hút thêm nhiều nhà đầu tư, một số đầu tư bắt đầu chuyển hướng từ Trung Quốc sang Ấn Độ, chẳng hạn gần đây Công ty Foxconn đã quyết định lắp ráp điện thoại iPhone 14 tại Chennai.
Có thể thấy, sự đảo chiều về năng động kinh tế giữa Ấn Độ và Trung Quốc dường như cuối cùng cũng đã diễn ra. Trong báo cáo triển vọng tăng trưởng kinh tế châu Á công bố cuối tháng trước, IMF và WB đã đưa ra một nhận định “gây sốc”, theo đó Trung Quốc không còn là đầu tàu kinh tế châu Á, thay vào đó Đông Nam Á và Ấn Độ đang vươn lên mạnh mẽ thế chỗ Trung Quốc.