Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết, một số nhà đầu tư BOT “tay không bắt giặc”, trúng thầu không làm gì, chỉ đem bán lại dự án và nhận một khoản chênh lệch.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng, BOT thực hiện tại nước ta rất méo mó và có nhiều tiêu cực (ảnh Kim Yến). |
Bên lề buổi Tọa đàm khoa học các dự án hợp đồng xây dựng – kinh doanh – chuyển giao (BOT) - Chính sách và giải pháp, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho rằng: “Chủ trương phát triển hạ tầng bằng các dự án BOT sử dụng vốn xã hội là cần thiết.
Tuy nhiên, ở nước ta toàn bộ quá trình đưa BOT vào thực hiện đã và đang rất méo mó và có quá nhiều tiêu cực tồn tại như Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra 5 vấn đề chính.
Không công khai, minh bạch, dự án BOT diễn ra khá bí mật và người dân không được biết để giám sát. Quốc hội, Hội đồng nhân dân cũng không trực tiếp giám sát.
Chính vì lẽ đó dẫn đến những hệ lụy xấu gây ra cho xã hội và nó trở thành vấn đề gây bức xúc trong dư luận.
Thống kê cho thấy, từ Bắc vào Nam có đến 82 trạm BOT, chi phí vận tải có nơi tăng từ 300 - 500%.
Hay từ Đồng bằng sông Cửu long vận tải về Thành phố Hồ Chí Minh thì cứ 10 kilomet lại có một trạm BOT.
Phí BOT vượt cả chi phí về xăng dầu, điều này tác động đến người dân, đặc biệt người nghèo là đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế cũng bị ảnh hưởng đáng kể. Chính phủ cần có sự rà soát lại một cách nghiêm túc đối với các dự án BOT”.
Liên quan đến quốc lộ 5 cũ, nhưng ngày gần đây nhiều phương tiện đi qua tuyến đường này cũng đã phản ứng bằng cách trả phí bằng tiền lẻ khiến tình hình giao thông rất khó khăn, đặc biệt vào giờ cao điểm.
Về tuyến đường này, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết: “Đó là cách người dân phản ứng đúng pháp luật để các cơ quan có thẩm quyền cần rà soát lại các dự án liên quan đến BOT.
Người dân trả tiền lẻ tại các trạm thu phí BOT trên đường quốc lộ 5 là có lý do.
Con đường này vay của ngân hàng thế giới, người dân đã đóng thuế phí về xăng dầu, phí đường bộ rồi thì nên dừng thu phí tuyến đường này.
Một ví dụ rất cụ thể là những người dân sống ở khu vực này, sáng chiều đưa đón con, rồi còn bao nhiêu việc phải đi qua, mỗi lần đi qua lại bị thu phí BOT. Như thế người dân chịu sao nổi, họ phản ứng là chuyện rất bình thường.
Rõ ràng ở đây là vấn đề kinh tế, năng lực cạnh tranh, vấn đề xã hội chúng ta cần phải nhận thức đúng và giải quyết sớm.
Thực tế, chúng ta không kiểm soát được chi phí, không kiểm soát được hợp đồng BOT tính như thế nào, nhà thầu có đủ tư cách hay không.
Có thể nói BOT như miếng bánh mầu mỡ cho lợi ích nhóm. Cần thiết phải có những giải pháp quyết liệt để minh bạch các dự án BOT.
Thực tế, một số nhà đầu tư BOT “tay không bắt giặc”, tức họ không cần làm gì chỉ đem bán lại dự án và nhận được một khoản chênh lệch. Điều này dẫn đến nhiều dự án BOT đội giá lên hàng ngàn tỷ đồng.
Hàng loạt các dự án BOT được Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhà đầu tư năng lực yếu kém, nhưng vẫn được chỉ định thầu. Điều này sẽ vô cùng nguy hại và đó chính là nguyên nhân đường BOT thu phí cao và kéo dài".
Nhiều tài xế phản ứng bằng cách trả tiền lẻ nên trạm thu phí quốc lộ 5 phải xả trạm vì tắc nghẽn kéo dài. ảnh: vov. |
Phân tích sâu hơn về việc lựa chọn nhà đầu tư, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh cho biết: “Đối với các nhà đầu tư không có năng lực làm BOT đi vay vốn ngân hàng sẽ gây ra những hệ lụy vô khó lường đối với xã hội.
Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra các dự án BOT là chỉ định thầu chứ không đấu thầu. Điều này dẫn tới những hệ lụy khó lường bởi giao trứng cho ác.
Ngân hàng huy động vốn của người dân, nếu chủ đầu tư năng lực yếu kém mà không trả được ngân hàng thì rủi ro sẽ chuyển từ ngân hàng sang người dân. Điều này gây ra hệ lụy cho toàn xã hội”.
Lâu nay khi vấn đề xảy ra các bộ ngành vẫn đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Cần thiết phải quy trách nhiệm cơ quan nào chịu trách nhiệm chính để tránh tình trạng cha chung không ai khóc và người nghèo là người chịu thiệt nhất.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh thẳng thắn cho rằng: “Trách nhiệm chính đương thuộc về Bộ Giao thông Vận tải, còn Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng phải liên đới trách nhiệm.
BOT tác động trực tiếp đến người nghèo, bởi chi phí vận tải tăng lên thì mớ rau, quả trứng cũng phải tăng giá.
Một đồng của người nghèo phải chi thêm có tỷ trọng lớn hơn nhiều một đồng của người giàu.
Nói người dân đi xe máy không phải đóng phí, nhưng khi đi đường xa phải đi ô tô thì giá vé phải tăng thêm. Rõ ràng tác động của BOT lên người nghèo nặng nề hơn rất nhiều so với người giàu”.
(http://giaoduc.net.vn/Kinh-te/BOT-la-manh-dat-mau-mo-cho-nhom-loi-ich-tay-khong-bat-giac-post179582.gd)
Lợi nhuận khủng nhờ giỏi kinh doanh hay … “móc túi” nhân dân
Việc mỗi năm chỉ chỉnh sửa chút xíu rồi phát hành sách khiến học sinh không thể dùng lại sách cũ là chủ trương từ ... |
Tiền lẻ, xả trạm… và bài toán niềm tin
Dường như đã hình thành một cách ứng phó phổ biến để phản đối những trạm thu phí BOT bất cập, bất hợp lí: Dùng ... |
"Sân sau"và nhóm lợi ích?
Để người bệnh, nhân dân và dư luận yên tâm trước những thông tin khác nhau về góc khuất trong vụ VN Pharma, Thủ tướng ... |
Mổ xẻ mỏ vàng tín dụng BOT: Lo lợi ích nhóm
Nhiều dự án BOT, BT được chỉ định thầu dẫn đến rủi ro về tính minh bạch, công khai, đặc biệt nguy cơ thất thoát vốn Nhà nước và ... |
Lùm xùm BOT Bờ Đậu: Không đi vẫn phải trả phí
Với vị trí đặt trạm hiện tại, những người đi Tuyên Quang theo hướng Quốc lộ 37, không đi đường BOT cũng vẫn phải trả ... |