- Thiếu vật liệu, cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ chậm tiến độ
- Trình duyệt phương án mở rộng cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình trong năm 2023
Cả bốn dự án cao tốc trọng điểm ở phía Nam đều trong cảnh thiếu nguồn vật liệu gồm cao tốc Cần Thơ- Cà Mau, Cần Thơ- Hậu Giang, Biên Hòa- Vũng Tàu và Khánh Hòa-Buôn Ma Thuột.
Báo cáo Chính phủ về tình hình cung cấp mỏ vật liệu xây dựng phục vụ hai dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT cho biết, theo kết quả tính toán, tổng nhu cầu vật liệu đá các loại thi công hai dự án khoảng 1,37 triệu m3; tổng khối lượng đất đắp khoảng 1,7 triệu m3; khối lượng cát đắp nền khoảng 18,5 triệu m3.
Đối với vật liệu đá, đất đã khảo sát đủ trữ lượng, chất lượng, công suất khai thác đáp ứng nhu cầu các dự án.
Riêng vật liệu cát sông, so với tổng nhu cầu vật liệu cát (khoảng 18,5 triệu m3), đến nay mới có tỉnh An Giang, Đồng Tháp dự kiến cung cấp khoảng 3 triệu m3 cát do đã có kế hoạch bố trí khoảng 28 triệu m3 cát để thi công các dự án của địa phương.
Liên quan đến hiện trạng cấp phép mỏ vật liệu tại khu vực, Bộ GTVT cho biết, theo thống kê từ Chi cục khoáng sản Miền Nam, đến nay, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đã cấp phép 66 giấy phép khai thác với tổng trữ lượng khoảng 71 triệu m3, công suất khai thác khoảng 15,6 triệu m3/năm.
“Trong khi đó, số liệu khảo sát của tư vấn cho thấy, nguồn vật liệu đáp ứng yêu cầu thi công cao tốc chủ yếu tập trung tại các tỉnh: An Giang, Đồng Tháp, Vĩnh Long.
Năm 2022, các tỉnh đang khai thác tại 24 mỏ có chất lượng đáp ứng yêu cầu của dự án. Trường hợp tăng công suất khai thác các mỏ thêm 50% trong 2 năm theo Nghị quyết số 18 của Chính phủ và dành 100% phần tăng thêm vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của dự án”, Bộ GTVT thông tin và cho biết, theo báo cáo, tổng trữ lượng các mỏ trong quy hoạch đạt khoảng 215 triệu m3.
Các tuyến cao tốc lớn, trọng điểm ở phía Nam đều rơi vào cảnh khó khăn nguồn vật liệu |
Để giải quyết nguồn vật liệu thi công hai dự án thành phần cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau, Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ có ý kiến với UBND tỉnh An Giang ưu tiên bố trí 7 triệu m3, tỉnh Đồng Tháp bố trí 7 triệu m3 và tỉnh Vĩnh Long bố trí 5 triệu m3 cát đáp ứng tiến độ triển khai các dự án thành phần cao tốc đoạn Cần Thơ - Cà Mau.
Đồng thời, thực hiện thủ tục tăng 50% công suất các mỏ cát đang khai thác và dành toàn bộ khối lượng phần tăng thêm để cấp cho dự án theo chỉ đạo của Chính phủ.
Tương tự, dự án cao tốc Cần Thơ- Hậu Giang cũng đang trong cảnh thiếu nguyên vật liệu để thi công.
Không chỉ 2 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam, 2 dự án đường bộ cao tốc trọng điểm khác là Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột và Biên Hòa - Vũng Tàu dự kiến khởi công vào tháng 6/2023 tới đây cũng đứng trước nguy cơ “đói” vật liệu thi công.
Theo báo cáo của Bộ GTVT, tại dự án Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, tổng nhu cầu vật liệu đá khoảng gần 4 triệu m3; khối lượng cát khoảng 3 triệu m3; khối lượng đất đắp khoảng gần 3,6 triệu m3.
Trên cơ sở tính toán, đơn vị tư vấn đã thực hiện khảo sát 48 mỏ đá, tổng trữ lượng 61,7 triệu m3; 24 mỏ cát (22 mỏ đang khai thác; 2 mỏ quy hoạch), tổng trữ lượng gần 8 triệu m3; 11 mỏ đất đắp, tổng trữ lượng 23,5 triệu m3 sử dụng cho dự án.
“Hiện tại, vật liệu đá, đất đã khảo sát đủ trữ lượng, chất lượng, công suất khai thác đáp ứng nhu cầu các dự án.
Song, với vật liệu cát, trên địa phận tỉnh Khánh Hòa đang triển khai đồng thời một số dự án. Trong đó có các dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam phía Đông nên với công suất khai thác hiện nay sẽ không đáp ứng nhu cầu dự án”, Bộ GTVT nhận định.
Đối với tuyến cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, theo tính toán, tổng nhu cầu vật liệu đá khoảng 1,31 triệu m3; khối lượng cát khoảng 0,22 triệu m3; khối lượng đất đắp khoảng 7 triệu m3.
Phục vụ thi công dự án, đơn vị tư vấn đã khảo sát 17 mỏ đá, tổng trữ lượng hơn 248 triệu m3, dự kiến sử dụng đá tại 12 mỏ với trữ lượng khoảng 204 triệu m3; khảo sát và dự kiến sử dụng 3 mỏ cát, tổng trữ lượng hơn 49 triệu m3; khảo sát 12 mỏ đất với trữ lượng khoảng 24,2 triệu m3, dự kiến sử dụng đất tại 8 mỏ với tổng trữ lượng 24,5 triệu m3.
Mặc dù vậy, do hiện nay trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đang triển khai đồng thời nhiều dự án trọng điểm quốc gia và một số dự án lớn của địa phương nên có khả năng công suất khai thác từng mỏ không đáp ứng tiến độ yêu cầu.