Nếu con thường phán xét ngoại hình người khác, bạn cần tìm lúc thích hợp để thảo luận với con về những giá trị bên trong mỗi người.
Với nhiều bậc cha mẹ, rất khó để tưởng tượng cảnh con đi bắt nạt bạn bè ở trường. Tuy nhiên, tình huống này có thể xảy ra với bất kỳ ai. Tác giả Cyndi Barber chia sẻ trên iMom những dấu hiệu mang tính cảnh báo dựa vào kinh nghiệm cá nhân.
Khi con gái ngoan ngoãn của tôi 13 tuổi, tôi nhận được cuộc điện thoại từ trường báo rằng nó đã đi buôn chuyện sai sự thật, làm tổn thương những bạn gái khác. Lúc đầu, tôi khẳng định việc này không thể xảy ra, chắc chắc là những đứa trẻ khác đã thêu dệt câu chuyện khiến nó gặp rắc rối. Tuy nhiên, điều sốc nhất là con đã thừa nhận khi nghe tôi hỏi. Tôi đã suy nghĩ rất nhiều, cân nhắc những khía cạnh ở nó mà mình chưa từng nhìn thấy trước đây.
1. Phán xét vẻ ngoài
Con bạn có tốn quá nhiều thời gian, công sức để trau chuốt hình ảnh bên ngoài từ quần áo, kiểu tóc đến trang điểm hay không? Liệu chúng có quá để tâm đến số lượng người theo dõi trên mạng xã hội? Tất cả thanh thiếu niên đều làm điều này ở một mức độ nào đó, nhưng phụ huynh cần đánh giá tổng thể để thấy trẻ có biết cân bằng giữa vẻ ngoài và các giá trị bên trong.
Những đứa trẻ ham thích sự nổi tiếng, hào nhoáng bên ngoài cũng thường nhận xét về cân nặng hoặc phong cách ăn mặc của mọi người, dù gặp ở ngoài hay xem trên Internet. Đây là lúc bạn cần chú ý uốn nắn con. Lựa chọn lúc thích hợp, bạn hãy nói rằng phán xét người khác khiến chúng ta tự phán xét bản thân và cuối cùng không bao giờ biết tự hài lòng.
Phụ huynh cần lưu ý con có thể là kẻ bị bắt nạt và cũng có thể là kẻ bắt nạt ở trường học. Ảnh: Le Devoir
Bạn hãy thảo luận với con về những gì thực sự mang lại giá trị cho một người, nhấn mạnh rằng vẻ ngoài không đủ nói lên họ là ai. Khi nói về điều này, bạn hãy kể chuyện và cho con xem hình ảnh người thân, bạn bè hoặc một ai đó có sức ảnh hưởng nhưng không đáp ứng kỳ vọng phổ biến của mọi người về ngoại hình hoàn hảo. Bạn có thể cùng con thực hành chỉ ra điểm tốt của một người vừa gặp.
Một lưu ý không kém phần quan trọng là hạn chế thời gian truy cập mạng xã hội của con, thay thế bằng những hoạt động khác.
2. Thiếu đồng cảm
Con bạn có cảm thấy buồn cho những người đang gặp khó khăn trong cuộc sống hay không? Chúng có hối lỗi những khi làm tổn thương bạn hay những thành viên khác trong gia đình? Nếu câu trả lời là không, phụ huynh có thể dạy chúng cách đặt mình vào người khác để cảm nhận.
Để thay đổi điều này, bạn hãy thử hỏi trẻ rằng nếu con là người phải chịu nỗi khổ đó, con sẽ cảm thấy như thế nào. Bên cạnh đó, bạn hãy nói cho con biết bạn tổn thương như thế nào khi con làm điều gì đó không tốt. Đăng ký cho con tham gia những chuyến đi từ thiện là lựa chọn sáng suốt của những phụ huynh muốn dạy con về tình yêu thương và sự đồng cảm.
3. Hung hăng
Nhiều đứa trẻ thường bộc lộ sự tức tối thông qua hành động hoặc lời nói khi mọi việc không như ý. Nếu con không kiểm soát được cơn giận khi ở nhà, thường xuyên nổi cáu với bố mẹ, đánh mắng anh chị em để giải tỏa, việc đó cũng có thể xảy ra ở trường học.
Khi không thể xử lý bằng những biện pháp thông thường, bạn nên nhờ đến sự trợ giúp của chuyên gia tâm lý hoặc cho trẻ tham gia các lớp học kiểm soát cơn giận.
4. Bắt chước những gì thấy trên TV
Con bạn có hay xem các chương trình truyền hình thực tế với nhiều chi tiết gay cấn, những tình huống bị đẩy lên cao trào? Các chương trình tranh luận chính trị hay mạng xã hội cũng có thể ẩn chứa rất nhiều cách bày tỏ ý kiến theo cách thiếu tôn trọng đối phương. Những thứ có vẻ như được dùng với mục đích giải trí có khả năng định hướng một đứa trẻ một cách tiêu cực, bởi đầu óc đang còn non nớt. Trẻ có thể nghĩ căm hận hay trả thù người khác là chuyện bình thường.
Cách để thay đổi điều này là rủ con cùng xem những chương trình, bộ phim ca ngợi bản tính tốt đẹp của con người hay thể hiện thông điệp tôn trọng sự khác biệt.
TT Iran: Mỹ coi thường quy tắc quốc tế, bắt nạt nước nhỏ
Tổng thống Hassan Rouhani chỉ trích việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, đồng thời cáo buộc Washington "khủng bố kinh tế" các ... |
Cô gái gốc Việt ở Mỹ tránh bị bắt nạt nhờ giả làm công chúa
Tina Ngô thu hút hơn 180.000 lượt thích trên Twitter khi hé lộ cách mà cô dùng để chống lại những kẻ bắt nạt mình ... |
Bà mẹ Mỹ bắt con mặc áo in chữ \'tôi là kẻ bắt nạt\'
Sau khi chứng kiến con bắt nạt bạn bè ở trường, Star quyết tâm ngăn chặn mọi chuyện tiếp diễn. |