Nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp chiếm 50% tổng vay nợ quốc gia là nguyên nhân chính làm tăng nợ nước ngoài so với GDP.
Giải trình cuối phiên thảo luận chiều 29/10, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng chia sẻ quan ngại của các đại biểu Quốc hội trước thực tế nợ nước ngoài quốc gia tăng, kéo theo nghĩa vụ chi trả nợ gốc tăng nhanh. "Lo lắng của các đại biểu là đúng", ông Dũng nói và nêu hai lý do dẫn tới tình trạng này.
Một là, giai đoạn 2012 - 2014, trước tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, để có nguồn lực ổn định vĩ mô, đảm bảo an sinh xã hội, Chính phủ đã phải huy động một lượng lớn trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 3 - 5 năm, dẫn đến nhu cầu trả nợ gốc chủ yếu vào thời điểm hiện nay.
Hai là, các khoản vay ODA trước đây hết thời gian ân hạn về trả nợ gốc, cùng với việc phải áp dụng điều khoản trả nợ nhanh đối với nguồn vốn vay IDA, ADF, nên áp lực trả nợ gốc gia tăng.
Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình trước Quốc hội chiều 29/10.
Tuy nhiên, ông Dũng nhìn nhận, so với vài năm trước, áp lực huy động cho ngân sách Nhà nước, gồm vay cho bù đắp bội chi và trả nợ gốc (vay đảo nợ) đã giảm mạnh.
Chẳng hạn, năm 2018 tổng mức vay của ngân sách Nhà nước là 363.000 tỷ, giảm 26.000 tỷ đồng so với năm 2016; và 84.000 tỷ đồng so với 2015.
"Chúng tôi đã biết điều này và đang từng bước có giải pháp xử lý, nhằm kiềm chế dần, đẩy đỉnh nợ xuống", ông Dũng nói, và cho biết các khoản nợ còn treo ngoài ngân sách trước đây, trong đó có khoản 22.000 tỷ đồng nợ bảo hiểm xã hội đã đưa vào nợ công và bố trí trả nợ dần cả gốc và lãi từ năm 2018.
Ngoài ra, Chính phủ đã bố trí xử lý được 57,8% tổng số nợ xây dựng cơ bản đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 - 2020. Các địa phương đã xử lý hơn 90% nợ xây dựng cơ bản của các chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến hết tháng 8/2018 còn 1.300 tỷ đồng.
Trước đó, trong phần giải trình của mình, Thống đốc Lê Minh Hưng khẳng định, điều hành chính sách tiền tệ và tài khoá "đồng bộ, nhịp nhàng", góp phần giữ lạm phát cơ bản ở mức thấp, tỷ giá ngoại hối ổn định. Theo ông Hưng, thị trường ngoại hối thông suốt đã giúp giảm áp lực trả nợ nước ngoài của Chính phủ.
Riêng về băn khoăn tỷ lệ nợ nước ngoài đã sát trần 50% GDP, Bộ trưởng Tài chính nói, theo quy định Luật Quản lý nợ công, nợ nước ngoài quốc gia gồm nợ nước ngoài Chính phủ, các khoản vay nước ngoài được Chính phủ bảo lãnh và nợ nước ngoài tự vay, tự trả của doanh nghiệp.
"Nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp chiếm một nửa tổng vay nợ quốc gia, và tăng nhanh. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn tới tăng nợ nước ngoài quốc gia so với GDP", ông Dũng thừa nhận.
Bộ trưởng Tài chính phân tích, năm 2017 riêng nợ nước ngoài của doanh nghiệp tăng 42%, trong đó khoản vay của ThaiBev mua lại 51% cổ phần Nhà nước ở Sabeco có giá trị 4,8 tỷ USD, nhưng pháp nhân là doanh nghiệp Việt Nam, nên ngoài vốn chủ sở hữu họ phải đi vay để huy động đủ tiền mua. Khoản nợ này được tính vào nợ quốc gia nhưng là khoản tự vay, tự trả của doanh nghiệp, Chính phủ không có nghĩa vụ phải trả.
"Tuy vậy, Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm kiểm soát chặt chẽ hoạt động vay nước ngoài theo phương thức tự vay tự trả của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng thông tin.
Các giải pháp này, theo ông, phải thực hiện đồng bộ với các giải pháp khác nhằm quản lý chặt chẽ nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài của quốc gia trong giới hạn cho phép; cũng như hạn chế tối đa cấp bảo lãnh Chính phủ cho các khoản vay mới; không bảo lãnh cho doanh nghiệp để vay vốn ngoài nước; không sử dụng nguồn Chính phủ vay về để cho doanh nghiệp vay lại...
Liên quan tới cân đối thu - chi ngân sách, theo báo cáo Chính phủ, thu ngân sách nhà nước đạt 54 - 55% kế hoạch, trong đó thu từ thuế, phí đạt 21% GDP. Tỷ trọng thu nội địa tăng từ mức 75% năm 2015 lên gần 82% năm 2018; tỷ trọng thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu giảm 5% so với cùng kỳ.
Ông Dũng thừa nhận, tăng thu ngân sách 3 năm qua "chủ yếu là thu tiền sử dụng đất do phụ thuộc nhiều vào thị trường và điều hành của địa phương".
Song, Bộ trưởng Tài chính cho hay, cũng như một số nguồn thu từ khai thác khoáng sản, bán tài sản Nhà nước khác, tỷ trọng khoản thu tiền sử dụng đất trong thu nội địa đang có xu hướng giảm, từ mức khoảng 11% năm 2016 giảm về 10,6% năm nay và dự kiến còn 6,7% năm 2020.
Về nợ công, ông Dũng cho biết, tốc độ tăng đã giảm một nửa so với thời điểm trước, Chính phủ bố trí trả nợ đầy đủ. Từ năm 2015 trở về trước, GDP bình quân tăng 6% nhưng nợ công tăng gấp 3 lần, mức 18%.
Với nguyên tắc bổ sung kế hoạch vốn ngoài nước trên cơ sở giảm kế hoạch nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, các mục tiêu bội chi, nợ công đến năm 2020 sẽ không bị tác động. "Song gánh nặng nợ, bội chi và nợ công có thể phát sinh sau năm 2020, nếu yêu cầu giải ngân đối với các dự án này dồn vào giai đoạn sau", ông Dũng lưu ý.
Chốt lại, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng khẳng định, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước 3 năm qua là tích cực, nếu không có những biến động lớn các mục tiêu kế hoạch tài chính 5 năm 2016 - 2020 sẽ "cơ bản hoàn thành".
Tuy vậy nhiệm vụ hai năm còn lại, theo ông, rất nặng nền trong đó có yêu cầu nhiệm vụ thu, cả về số tuyệt đối và tỷ lệ huy động so GDP, trong điều kiện các giải pháp điều chỉnh chính sách thu cơ bản chưa và sẽ không được thực hiện trong 5 năm này.
Sự giằng co trong cơ cấu thu chi cũng khá khó khăn khi phải đảm bảo yêu cầu tăng tỷ trọng chi đầu tư phát triển, chi cải cách tiền lương, an sinh xã hội với yêu cầu giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên. Cùng với đó, đảm bảo mức động viên thu ngân sách 23,5% GDP và huy động từ thuế, phí 21% GDP; giảm tỷ trọng thu từ tài nguyên khoáng sản; giảm trốn thuế, nợ thuế.
Anh Minh
Quốc hội cảnh báo nợ nước ngoài của quốc gia sắp chạm trần
Ủy ban Tài chính Ngân sách cho rằng nợ công đang có xu hướng giảm nhưng nợ nước ngoài lại có xu hướng tăng lên, ... |
Các chủ nợ nước ngoài của chủ đầu tư cao tốc 34.000 tỷ là ai?
Tính đến ngày 31.12.2017, nợ dài hạn của Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc (VEC) đã chính thức tăng vọt lên ... |
Bộ Tài chính đã tính thiếu nợ nước ngoài của Chính phủ
Kiểm toán Nhà nước cho rằng Bộ Tài chính tổng hợp chưa đủ nợ nước ngoài của Chính phủ; Bộ Kế hoạch và Đầu tư ... |