- Đề tài phát triển cầu lông ở Sơn La: 'Tên kỳ lạ, không giống luận án tiến sĩ'
- Bị chê \'thừa giấy vẽ voi\', tác giả luận án tiến sĩ nghệ thuật chữ trên bìa sách phản bác
Liên quan đến một số đề tài luận án tiến sĩ gây tranh cãi thời gian gần đây, PGS.TS Nguyễn Thu Thuỷ, Vụ trưởng Vụ giáo dục đại học, Bộ GD&ĐT cho biết, với những luận án có phản ánh và có ý kiến của dư luận, Bộ GD&ĐT sẽ tiến hành thẩm định theo đúng quy chế hiện hành.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học Nguyễn Thu Thủy cho biết, trong Quy chế đào tạo tiến sĩ, Bộ GD&ĐT quy định, luận án tiến sĩ phải là báo cáo tổng hợp kết quả học tập và nghiên cứu của nghiên cứu sinh, thể hiện nghiên cứu sinh có khả năng độc lập nghiên cứu, sáng tạo tri thức mới có giá trị làm gia tăng tri thức khoa học của lĩnh vực nghiên cứu hoặc đề xuất những ý tưởng, giải pháp mới giải quyết những vấn đề đang đặt ra ở lĩnh vực nghiên cứu trong những hoàn cảnh thực tiễn cụ thể.
Việc đánh giá luận án trải qua 3 bước: Đánh giá luận án ở đơn vị chuyên môn; Gửi lấy ý kiến nhận xét đối với luận án của phản biện độc lập; Bảo vệ luận án tại Hội đồng cấp trường/viện. Bộ cũng yêu cầu người phản biện luận án là những nhà khoa học, chuyên gia ở Việt Nam hoặc ở nước ngoài, có kinh nghiệm nghiên cứu khoa học và chuyên môn phù hợp với đề tài nghiên cứu của luận án. Các thành viên trong Hội đồng đánh giá luận án cũng có những yêu cầu rất khắt khe về trình độ, chuyên môn.
Với các nghiên cứu sinh, Bộ yêu cầu phải công bố kết quả nghiên cứu của đề tài luận án trên các tạp chí, sách chuyên môn tham khảo, hội nghị khoa học ở trong hoặc ngoài nước; đăng tải thông tin buổi bảo vệ luận án, nội dung toàn văn luận án trên trang thông tin của Bộ GD&ĐT trước và sau khi bảo vệ luận án để tiếp nhận sự phản hồi, phản biện của xã hội và của những ai quan tâm đến đề tài luận án.
"Khi luận án sai sót, trước hết, trách nhiệm thuộc về cơ sở đào tạo, người hướng dẫn, đơn vị chuyên môn và các nhà khoa học tham gia vào các bước đánh giá luận án, trong đó vai trò của người hướng dẫn là quan trọng nhất. Việc này cũng gắn liền với uy tín của người hướng dẫn, của hội đồng đánh giá và của cơ sở đào tạo", bà Thủy nhấn mạnh.
Từ những luận án gây xôn xao dư luận thời gian qua, Bộ GD&ĐT đề nghị các đơn vị đào tạo tiến sĩ phải tập trung nâng cao chất lượng, không chạy theo số lượng. Chú trọng đến việc công khai minh bạch quy trình lựa chọn và giao đề tài luận án cho nghiên cứu sinh. Trên thực tế, việc đánh giá luận án không chỉ ở tên đề tài mà còn ở nội dung và giá trị khoa học và giá trị thực tiễn của luận án được cộng đồng khoa học trong lĩnh vực nghiên cứu đó chấp nhận.
"Các hội đồng xét duyệt và người hướng dẫn cần nghiêm túc, nghiêm minh, không duyệt những tên đề tài có phạm vi quá hẹp, không đủ tầm của một luận án tiến sĩ, gây dư luận xã hội như đang được lan truyền, đặc biệt là đối với những luận án thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và quản lý", Vụ trưởng đề nghị, đồng thời yêu cầu các đơn vị nâng cao nhận thức và vai trò giám sát, phản biện của cộng đồng khoa học trong đánh giá luận án tiến sĩ, giữ gìn đạo đức khoa học, tránh việc nể nang, dễ dãi để bảo đảm giá trị khoa học của từng luận án.