Các chuyên gia cho rằng nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức TP Sơn La không giống luận án tiến sĩ, khâu kiểm duyệt cũng có vấn đề.
Sau khi đọc xong luận án "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La", TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT), thành viên nhóm tư vấn Ủy ban quốc gia về đổi mới giáo dục đào tạo nhận định: "Tên đề tài nghiên cứu nghe kỳ lạ, không giống luận án tiến sĩ. Một số điểm trong luận án có dấu hiệu đạo văn, như kỹ thuật đánh cầu lông được viết trong các giáo trình song lại được chép vào luận văn. Có điểm nghiên cứu sinh đang cố gắng gán ghép các nội dung gượng ép".
Luận án chưa đưa ra phương pháp nghiên cứu rõ ràng, các giải pháp chưa gắn liền với nguyên nhân của vấn đề, mới chỉ dừng lại ở mức độ "phân tích rồi để đó". Giữa giải pháp và thực trạng, cách tư duy của luận án chưa ăn nhập với nhau.
Một đề tài luận án tiến sĩ phải đáp ứng nhiều tiêu chí, trong đó là tính mới, tính độc lập là quan trọng nhất. Cái mới phải mang tính phát hiện, không phải trước đây làm đề tài này ở tỉnh A nay chuyển sang tỉnh B là mới, nay nghiên cứu về bóng đá, mai nghiên cứu về cầu lông đã là mới. Hơn nữa, trong các luận án tiến sĩ còn yêu cầu về tài liệu nước ngoài, nhưng luận văn này viết sơ sài vài dòng, nội dung không gắn kết với nhau. Nhìn chung luận án này đủ thủ tục các bước nhưng chất lượng không đáng để trở thành luận án tiến sĩ.
"Khâu kiểm duyệt và thẩm định đề tài ở Viện Khoa học thể dục thể thao đang có vấn đề. Những đề tài nghiên cứu kiểu công nghiệp, sao chép, copy-paste cần được loại bỏ ngay lập tức", tiến sĩ Vinh nói. Hiện nay Chính phủ đã ban hành Khung trình độ quốc gia Việt Nam, nếu áp vào khung tiêu chuẩn đó các đề tài luận án tiến sĩ không đáp ứng được quá 2/3 tiêu chí thì nên loại bỏ, ông nhận định thêm.
GS Nguyễn Ngọc Châu (nghiên cứu viên cao cấp của Viện Sinh thái và Tài nguyên sinh vật, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) khẳng định, đây không phải là đề tài nghiên cứu mà chỉ là giải pháp cụ thể. Một đề tài nghiên cứu cần có nội dung khoa học công nghệ, mang “hàm lượng” khoa học.
GS Châu lo sợ nếu một đề tài nghiên cứu được nghiệm thu “dễ dàng” như vậy thì có thể sẽ có thêm đề tài tương tự về phát triển môn cầu lông ở hàng nghìn cơ quan công sở cũng được thông qua, và biết đâu mỗi tỉnh thành sẽ có một đề tài về nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức.
Đây không phải là đề tài nghiên cứu mà chỉ là giải pháp cụ thể. Một đề tài nghiên cứu cần có nội dung khoa học công nghệ, mang “hàm lượng” khoa học.
GS Nguyễn Ngọc Châu
Trong trường hợp nghiên cứu sinh thực hiện đề tài liên quan đến thể dục, thể thao, GS Châu gợi ý có thể phát triển theo hướng làm về giải pháp nâng cao thể lực cho công chức, viên chức trong điều kiện làm việc tại đơn vị hành chính sự nghiệp. Từ đó sẽ đưa ra những giải pháp để khắc phục nếu công chức, viên chức ngồi làm việc trong thời gian dài như bơi lội, chạy bộ, đá bóng,... và chơi cầu lông.
Theo TS Lê Văn Út, Trưởng nhóm nghiên cứu trắc lượng thông tin, Đại học Tôn Đức Thắng, khi nghiên cứu sinh bảo vệ thành công đề tài như vậy, trách nhiệm khoa học sẽ thuộc về người hướng dẫn và sau đó là cơ sở đào tạo. Bởi người hướng dẫn có quyền quyết định xem đề tài đó có nên cho thực hiện luận án tiến sĩ hay không, và cơ sở đào tạo có quyền không phê duyệt những tiêu đề luận án tiến sĩ nếu thấy không ổn.
TS Út cho rằng không nên làm đề tài như nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La, và càng không thể là đề tài luận án tiến sĩ. Nói đến luận án tiến sĩ thì cần có kết quả mới trong chuyên ngành và đóng góp về lý luận hoặc thực tiễn cho chuyên ngành. Không những vậy, các đề tài của luận án tiến sĩ cần được nghiên cứu trong thời gian dài và công bố trên những tạp chí khoa học uy tín trong chuyên ngành để tăng tính khách quan.
“Họ đang bị nhầm lẫn giữa đề tài nghiên cứu luận án tiến sĩ với các công việc thuộc nhiệm vụ của các cá nhân/tổ chức nhận lương phải làm hàng ngày. Chuyện phát triển đánh cầu lông trong công chức là việc làm hiển hiện, thuộc trách nhiệm của các cơ quan/tổ chức của viên chức hay của các hội/đoàn để nâng cao sức khoẻ cho công chức, không cần phải nghiên cứu. Qua việc này, có thể thấy yêu cầu nghiên cứu sinh phải có các công bố khoa học trên các tạp chí ISI/Scopus uy tín trước khi bảo vệ luận án tiến sĩ nhằm tăng tính khoa học và tính khách quan của luận án thì càng trở nên cấp bách hơn bao giờ hết”, TS Út nói.
Còn theo GS Ngô Việt Trung (Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam), một người bình thường đọc tên đề tài trên cũng có thể bất ngờ và đặt câu hỏi tại sao đề tài vẫn được các giáo sư, phó giáo sư thông qua. “Tôi nghĩ vấn đề không chỉ nằm ở nghiên cứu sinh mà là người hướng dẫn và cơ sở đào tạo. Để đề tài nghiên cứu được thông qua thì phải được sự đồng ý của người hướng dẫn, hội đồng bảo vệ (có khoảng 7,8 người trở lên)”, GS Trung nói.
Trên các diễn đàn học thuật, mạng xã hội những ngày qua lan truyền hình ảnh trang bìa luận án tiến sĩ "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức viên chức thành phố Sơn La" của nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh. Đề tài thuộc chuyên ngành giáo dục học được công bố ngày 23/12/2021 tại Viện Khoa học thể dục thể thao (Tổng cục Thể dục thể thao - Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch). Nghiên cứu do GS.TS Lưu Quang Hiệp và PGS.TS Đặng Văn Dũng hướng dẫn.
Trên trang web của Viện Khoa học thể dục thể thao cũng giới thiệu về luận án này và cho biết nghiên cứu sinh Đặng Hoàng Anh đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ cấp viện vào ngày 19/1/2022. Tuy nhiên hiện trang web này đã không còn truy cập vào được.
Chuyên trang Luận văn - Luận án tóm tắt kết quả nghiên cứu: "Thông tin khoa học và toàn diện về thực trạng phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La cho thấy còn tồn tại những bất cập cơ bản làm hạn chế sự phát triển của phong trào như: sự nhận thức chưa đầy đủ của công chức, viên chức về ý nghĩa của việc tập luyện cầu lông; thiếu cộng tác viên cầu lông; công tác xã hội hóa môn cầu lông chưa hiệu quả; thể lực của đội ngũ công chức, viên chức còn hạn chế.
Đồng thời, qua phân tích SWOT đã xác định được những điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong việc phát triển phong trào cầu lông trong đội ngũ công chức, viên chức thành phố Sơn La.
Một năm ứng dụng thông qua các tiêu chí phát triển môn Cầu lông. Kết quả thực nghiện cho thấy, các tiêu chí đều thể hiện sự tăng trưởng tích cực (từ 15.38 % đến 133.33 %). Đồng thời, các giải pháp còn có tác dụng nâng cao thể lực cho công chức, viên chức thành phố Sơn La đạt độ tin cậy ở ngưỡng xác suất thống kê cần thiết".