Nhiều giáo viên, lãnh đạo các trường cho rằng học nghề đang bị biến tướng chỉ để lấy điểm cộng và mang tính hình thức. Vì thế, đông đảo những người làm công tác giáo dục ủng hộ phương án bỏ cộng điểm nghề. Bài toán đặt ra cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp là cần chuyển mình, phải đổi mới mạnh mẽ hơn.
Ông Cao Thanh Bảo, Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (TP. Vinh, Nghệ An) cho rằng, bỏ cộng điểm nghề là điều nên làm. Qua nhiều năm trực tiếp làm công tác tuyển sinh, ông Bảo nhận thấy rằng, hầu hết học sinh khi đăng ký vào trường đều được cộng 1,5 điểm nghề, tương đương với xếp loại giỏi thi nghề. Như vậy, nói rằng được cộng điểm để tăng cơ hội trúng tuyển là không có, vì em nào cũng được cộng số điểm ngang nhau.
Mặt khác, việc cộng điểm nghề lại gây ra tâm lí cho học sinh lớp 9 học nghề chỉ để có điểm là chính, chứ không phải vì mục tiêu học để biết một nghề nào đó. Dẫn đến việc học nghề chỉ mang tính hình thức. Chưa kể việc thi để đạt nghề loại khá, giỏi khá dễ dàng, dễ khiến học sinh chủ quan, có suy nghĩ không đúng về tính nghiêm túc, nghiêm khắc của các cuộc thi.
Tuy nhiên, nhiều giáo viên nhấn mạnh rằng quy định này cần phải có kế hoạch, định hướng áp dụng vào thời điểm bắt đầu năm học mới để các nhà trường và phụ huynh, học sinh có sự chuẩn bị.
Bà Văn Liên Na – Phó Hiệu trưởng Trường THCS&THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng xét về lí thuyết thì tất cả cùng bỏ điểm cộng nghề thì cũng không có ảnh hưởng gì cả. Thế nhưng, tâm lí thì vẫn là tâm lí.
Nhiều ý kiến lo ngại khi thực hiện quy định bỏ cộng điểm nghề các trung tâm dạy nghề sẽ không thu hút được người học bởi lâu nay nhiều trung tâm sống được cũng một phần dựa vào dạy nghề tại các trường phổ thông.
Theo bà Đỗ Việt Hiền, Hiệu trưởng Trường THCS Khương Đình (Thanh Xuân- Hà Nội) chia sẻ: Từ nhiều năm nay, việc cộng điểm nghề cho học sinh khi thi vào lớp 10 cũng là để khuyến khích học sinh tham gia học nghề, nếu bỏ quy định này sẽ không khuyến khích được học sinh học nghề.
Khi thực hiện áp dụng quy định này, Bộ GDĐT và các Sở GDĐT cũng cần phải có quy chế rõ ràng để khuyến khích học sinh tham gia học nghề. “Ví dụ như, quy định học nghề là điều kiện cần thiết để học sinh được tốt nghiệp THCS”, bà Hiền cho biết.
Còn ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức (Hà Nội) cho rằng để thu hút người học, tự các trường nghề phải nâng cao chất lượng và cơ sở vật chất, đặc biệt, cần phải cập nhật những nghề mới của xã hội. Đồng thời, các trung tâm dạy nghề phải để người học thấy việc học ở trung tâm sẽ giúp ích cho công việc tương lai của họ”.
Tuyển sinh 2018: Bỏ điểm sàn đại học, công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm
Bắt đầu từ năm 2018, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ không áp dụng điểm sàn. Ngoài ra, các trường ĐH bắt ... |
Dự kiến bỏ cộng điểm khuyến khích trong tuyển sinh lớp 10
Kỳ thi vào lớp 10, thí sinh có thể không được cộng điểm khuyến khích cho thành tích trong các cuộc thi của địa phương, ... |