Bắt đầu từ năm 2018, kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng sẽ không áp dụng điểm sàn. Ngoài ra, các trường ĐH bắt buộc phải công bố tỉ lệ sinh viên có việc làm sau 12 tháng kể từ khi tốt nghiệp. Những trường không công bố sẽ không được thông báo tuyển sinh.
Hiện Bộ GDĐT chưa công bố quy chế thi THPT quốc gia và tuyển sinh Đại học - cao đẳng 2018. Tuy nhiên, trong cuộc họp báo công bố kết thúc kỳ thi THPT quốc gia 2017, Bộ GDĐT khẳng định có một số điểm mới trong mùa tuyển sinh đại học năm 2018.
Đầu tiên, các trường đại học sẽ tự quyết định điểm sàn. Ngoài ra cần phải xây dựng đề án tuyển sinh đầy đủ, hoàn chỉnh, trong đó có quy định công khai về điều kiện đảm bảo chất lượng của trường, tỉ lệ việc làm của sinh viên theo từng ngành đào tạo trong hai năm gần nhất, tỉ suất đầu tư để đảm bảo số sinh viên trong một năm học.
Việc bỏ điểm sàn đồng nghĩa tạo điều kiện tuyển sinh cho các trường thuộc top dưới, gia tăng cơ hội đỗ đại học cho các thí sinh.
Cũng vì bỏ điểm sàn, nhiều trường ĐH vừa công bố đề án tuyển sinh theo hướng mở rộng điều kiện xét tuyển. Ngoài việc dựa vào kết quả kỳ thi THPT Quốc gia, nhiều trường cũng tổ chức kiểm tra đánh giá năng lực cơ bản, để chọn được những sinh viên ưu tú, theo mục tiêu trường đề ra.
Tiếp theo, Bộ GDĐT cũng khẳng định, từ năm 2018 đến 2020, kỳ thi THPT quốc gia được giữ ổn định như năm 2017.
Từ năm 2021, các bài, môn thi được thiết kế phù hợp lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Nếu điều kiện cho phép, thí sinh có thể làm bài trên máy tính.
Bộ GDĐT tiếp tục xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa, nâng cao độ phân hóa của đề thi theo chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, từng bước định hướng nội dung theo lộ trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới.
Ngoài ra sẽ rà soát các nhóm đối tượng ưu tiên, khu vực ưu tiên để điều chỉnh mức điểm ưu tiên trong tuyển sinh cho phù hợp điều kiện thực tế và thực hiện tốt hơn công bằng xã hội.
Một điểm mới nữa là đề thi của thí sinh sẽ không còn chỉ nằm trong chương trình lớp 12 mà có cả lớp 11.
Bộ GDĐT cũng sẽ rà soát, quy hoạch lại hệ thống các trường sư phạm; đổi mới phương thức xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với nhóm/ngành đào tạo giáo viên dựa trên nhu cầu sử dụng giáo viên của các địa phương và điều kiện đảm bảo chất lượng của từng trường.
Các trường có chất lượng cao, uy tín sẽ được chọn làm trung tâm, trường khác sẽ chuyển đổi hoạt động để trở thành phân hiệu hay vệ tinh của trường trung tâm để trước mắt tập trung vào nhiệm vụ đào tạo lại đội ngũ giáo viên.
Không còn điểm sàn xét tuyển đại học, nhưng để nâng cao chất lượng đầu vào và đảm bảo chất lượng giáo dục, từ năm 2018, Bộ GDĐT sẽ quy định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào (điểm sàn) riêng đối với các trường đại học, cao đẳng sư phạm và các ngành đào tạo giáo viên.
Nhiều đại học ở TP HCM công bố phương án tuyển sinh
Ngoài phương thức thi THPT quốc gia, các đại học còn sử dụng kết quả kỳ kiểm tra năng lực trong mùa tuyển sinh 2018. |
Năm 2018 nới rộng xét tuyển đại học
Bộ GD&ĐT khẳng định từ kỳ tuyển sinh năm 2018 sẽ không còn điểm sàn. Vì vậy, nhiều trường đại học vừa công bố đề ... |