Bộ Công Thương lý giải về đề xuất cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn

Thay vì quy định đại lý bán lẻ chỉ được nhập hàng từ 1 nguồn như trước đây, Bộ Công Thương đã đề xuất cho phép đại lý được nhập từ 2-3 nguồn.

Bộ Công Thương lý giải về đề xuất cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn ảnh 1

Đại lý xăng dầu có thể được nhập hàng từ 2-3 nguồn

Quy định đại lý bán lẻ chỉ được nhập xăng dầu từ 1 đầu mối được cho là một trong những nguyên nhân gây nên tình trạng thiếu cục bộ xăng dầu, thiếu cạnh tranh trên thị trường xăng dầu thời gian vừa qua.

Để khắc phục tình trạng này, Bộ Công Thương đã sửa đổi quy định nêu trên. Bộ Công Thương cho biết, theo quy định tại Luật Thương mại, đại lý là đơn vị được bên giao đại lý giao hàng để bán theo giá của đơn vị giao đại lý và hưởng hoa hồng; bên giao đại lý phải chịu trách nhiệm về chất lượng, giá bán hàng hóa tại các đại lý.

Mặt hàng xăng, dầu là hàng hóa ở thể lỏng, được chứa đựng chung tại bồn, bể, nên nếu cho phép đại lý bán lẻ xăng dầu lấy hàng từ nhiều nguồn, cơ quan quản lý nhà nước sẽ không kiểm soát và nắm được đầu mối chịu trách nhiệm về chất lượng, giá xăng dầu bán cho người tiêu dùng và không bảo đảm sự thống nhất với quy định nêu trên của Luật Thương mại.

Do đó, theo quy định hiện hành, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ một nguồn (nội dung này hiện được quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ- CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP).

Trong cùng một thời điểm, đại lý bán lẻ xăng dầu chỉ được lấy từ 01 nguồn để bảo đảm kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng, giá bán xăng dầu đến người tiêu dùng. Đồng thời, trên thị trường có rất nhiều đơn vị cung ứng xăng dầu (các thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối với việc cung ứng khá cạnh tranh) nên đại lý bán lẻ xăng dầu có thể lựa chọn, thay đổi đơn vị cung cấp có uy tín để hợp tác kinh doanh lâu dài.

Trường hợp cho phép đại lý lấy từ nhiều nguồn, khi có tình trạng khó khăn về nguồn cung như thời gian vừa qua có thể xảy ra tình trạng không đơn vị nào chịu trách nhiệm về việc cung cấp xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ của đại lý (tương tự như đối với các thương nhân phân phối hiện nay).

Ngoài ra, khi các đại lý lấy từ nhiều nguồn với mức giá khác nhau, theo quy định, đại lý không có quyền quyết định giá bán nên sẽ không biết bán theo giá của đơn vị nào.

Dù vậy, Bộ Công Thương vẫn đưa ra 2 phương án sửa đổi quy định này tại dự thảo lần 2 sửa đổi Nghị định 95 về kinh doanh xăng dầu.

Phương án 1 là giữ nguyên quy định hiện hành về quyền của đại lý bán lẻ xăng dầu. Ưu điểm của phương án này là phù hợp với quy định của Luật Thương mại, giúp kiểm soát được chất lượng, giá bán xăng dầu đến người tiêu dùng; khi nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn, có đơn vị chịu trách nhiệm về việc cung cấp xăng dầu cho đại lý để cơ quan nhà nước có thẩm quyền chỉ đạo, xử lý.

Nhưng ngược lại, trong cùng một thời điểm, đại lý không được lựa chọn nhiều nguồn cung cấp xăng dầu (các đại lý có thể lựa chọn đơn vị cung cấp xăng dầu khác khi đã thanh lý hợp đồng với đơn vị cung cấp cũ).

Phương án 2 là sửa đổi quy định về quyền của đại lý kinh doanh xăng dầu theo hướng cho phép đại lý kinh doanh xăng dầu được lấy từ nhiều nguồn (và có thể giới hạn từ 2-3 nguồn).

 

Ưu điểm của phương án này là đa dạng nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng. Song nhược điểm là quy định không phù hợp với Luật Thương mại, khó kiểm soát được nguồn gốc, chất lượng, giá bán xăng dầu cho người tiêu dùng; khi nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn, sẽ không có đơn vị đứng ra chịu trách nhiệm về nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý.

Trong Tờ trình Chính phủ, Bộ Công Thương lựa chọn phương án 2 nhằm dạng nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, tăng vị thế cho đại lý trong quá trình đàm phán mua hàng.

Cùng với việc đề xuất sửa đổi quy định về nguồn cung cấp xăng dầu cho đại lý, Bộ Công Thương cũng đưa ra ý kiến về quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối xăng dầu, để quản lý chặt chẽ hơn thị trường xăng dầu.

Theo đó, Bộ này đưa ra 2 phương án. Phương án 1 là giữ nguyên các quy định như hiện hành về quyền của thương nhân đầu mối và bổ sung nghĩa vụ đối với thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu về việc phải cập nhật thông tin dữ liệu vào phần mềm quản lý xăng dầu theo hướng dẫn của Bộ Công Thương.

Và phương án 2 là bổ sung quy định về nghĩa vụ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu phải bảo đảm nguồn cung xăng dầu liên tục cho thị trường (kể cả trường hợp vượt mức tổng nguồn đã được phân giao), đồng thời có quy định về biện pháp hỗ trợ tài chính (cấp vốn vay không lãi suất hoặc hỗ trợ lãi suất vay) để doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ này theo chỉ đạo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

Xem xét có phương án quy định về việc tính chi phí duy trì dự trữ lưu thông bắt buộc của doanh nghiệp vào chi phí tính giá cơ sở mặt hàng xăng dầu hoặc Nhà nước có chính sách hỗ trợ từ ngân sách theo định mức (có thể tính theo mức chi phí dự trữ quốc gia) đối với khoản chi phí này.

Giữa 2 phương án này, Bộ Công Thương chọn phương án 1 vì không làm phát sinh chi phí của Nhà nước trong việc khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.

Nhược điểm của phương án này là khi kinh doanh xăng dầu khó khăn, doanh nghiệp không được hỗ trợ để thực hiện các nghĩa vụ cung cấp hàng cho thị trường. Vì vậy, ảnh hưởng đến tổng thể nguồn cung xăng dầu trong nước thì việc cập nhật thông tin dữ liệu vào phần mềm sẽ giúp cơ quan quản lý điều tiết, có định hướng tăng năng lực dự trữ quốc gia về xăng dầu.

https://www.anninhthudo.vn/bo-cong-thuong-ly-giai-ve-de-xuat-cho-phep-dai-ly-ban-le-xang-dau-duoc-lay-tu-nhieu-nguon-post529881.antd

Hà Linh / An ninh thủ đô