Bộ Công an sẽ quản dịch vụ đòi nợ thế nào?

Dịch vụ đòi nợ dù có quy định nhưng xã hội ít tin dùng vì nó bị biến tướng nhiều.

Bộ Tài chính đang đề xuất bãi bỏ Nghị định số 104/2007/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Nếu như vậy, trong thời gian tới, các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ không còn phải đáp ứng các điều kiện về vốn pháp định, người quản lý cũng không cần phải có bằng cấp chuyên môn ngành kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh... như hiện hành.

Cùng với đó, để đảm bảo hoạt động của các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ giao trách nhiệm quản lý cho Bộ Công an.

LS Trương Xuân Tám, Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Bảo vệ quyền lợi Luật sư - Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng, việc ban hành một nghị định mới nhằm bổ sung, thay thế Nghị định 104/2007, chuyển trách nhiệm quản lý hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ từ Bộ Tài chính sang Bộ Công an là cần thiết và phù hợp với thực tiễn.

Theo đó, Nghị định 104/2007 đặt ra nhiều điều kiện chi tiết và ngặt nghèo để cấp phép đăng ký kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Chẳng hạn, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ phải có vốn tối thiểu là 2 tỷ đồng; chủ doanh nghiệp phải có năng lực chuyên môn (có trình độ học vấn từ đại học, trung cấp trở lên thuộc một trong các ngành: kinh tế, quản lý, pháp luật, an ninh).

bo cong an se quan dich vu doi no the nao
Dịch vụ đòi nợ thời gian qua đã bị biến tướng đi nhiều

"Nhưng giờ đây, với xu thế bãi bỏ các giấy phép con, tự do kinh doanh, Nhà nước chủ trương không đòi hỏi các điều kiện nói trên nữa. Không chỉ riêng Bộ Tài chính mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì soạn thảo Luật Doanh nghiệp cũng tán đồng xu hướng bãi bỏ các điều kiện kinh doanh.

Điều này là hợp lý bởi dù các điều kiện kinh doanh như điều kiện về vốn, điều kiện về tiêu chuẩn đối với người quản lý, người lao động bị bãi bỏ nhưng doanh nghiệp sẽ chỉ được phép hoạt động dịch vụ đòi nợ khi và chỉ khi đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ; hoặc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và doanh nghiệp đã thông báo công khai về ngành, nghề kinh doanh trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, trong đó có ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện khác về an ninh, trật tự theo quy định của Chính phủ về điều kiện an ninh, trật tự đối với một số ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện", LS Trương Xuân Tám phân tích.

Vị luật sư này cũng chỉ ra rằng, từ năm 2007, dịch vụ đòi nợ theo Nghị định 104/2007 ra đời nhưng hoạt động của nghề này rất khó, không mang lại hiệu quả nhiều cho xã hội.

"Điều kiện kinh doanh dịch vụ đòi nợ trước đây được quy định rất chặt chẽ, doanh nghiệp không được lạm quyền mà phải trên cơ sở giấy ủy quyền của chủ nợ và không được vượt quá phạm vi ấy.

Nhưng trên thực tế có một số doanh nghiệp đòi nợ hay làm sai, không đàng hoàng. Không phải nó động chạm về điều kiện kinh tế mà thường gây mất trật tự trị an khi doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ làm quá thẩm quyền của mình như: căng băng rôn, khẩu hiệu, dán ảnh, phát tờ, đánh trống... làm nhục khách nợ. Thậm chí, nhiều trường hợp đòi nợ thuê còn đánh công văn đe dọa người vay tiền rằng đến ngày nhất định không trả nợ thì họ không chịu trách nhiệm về việc ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh của người vay tiền. Kiểu đòi nợ như vậy thời gian qua rất nhiều và phức tạp, mang dáng dấp xã hội đen.

Như vậy, dịch vụ đòi nợ dù có quy định nhưng xã hội ít tin dùng vì nó bị biến tướng nhiều. Cũng vì thế mà việc kinh doanh dịch vụ đòi nợ chuyển sang cho Bộ Công an quản lý là phù hợp bởi Bộ Tài chính không kham được về mặt an ninh trật tự xã hội", LS Trương Xuân Tám nhấn mạnh.

Chia sẻ quan điểm trên, LS Nguyễn Hồng Tuyến, Chủ tịch Hội Luật gia TP Hà Nội cũng cho rằng, Bộ Tài chính chuyển trách nhiệm quản lý doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ sang Bộ Công an là có cơ sở. Việc quản lý đối với hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ rất phức tạp, trước đây quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ này tưởng là chặt chẽ nhưng thực chất lại không phải như vậy và không phù hợp với thực tiễn.

"Dịch vụ đòi nợ thường trá hình kết hợp giữa tổ chức đòi nợ với một tổ chức khác không lành mạnh.

Trong những vụ đòi nợ, các tổ chức được thuê đòi nợ thường chỉ đóng vai trò trung gian, còn việc thực hiện hầu như họ không làm mà có hợp đồng để tổ chức, cá nhân khác làm. Do đó, việc đòi nợ dễ bị biến tướng thành bắt nợ và rất khó quản lý", LS Tuyến nhận xét.

Cả hai vị luật sư đều lưu ý rằng, khi Nghị định 104 được bãi bỏ và Bộ Tài chính chuyển trách nhiệm quản lý sang cho Bộ Công an thì Bộ Công an bắt buộc phải có các quy định quản lý khác.

"Điều kiện có thể khắt khe hơn nhưng ở mức chấp nhận được bởi nếu khắt khe quá thì không phù hợp với việc kiến tạo doanh nghiệp, bỏ giấy phép con, thủ tục gây phiền hà cho doanh nghiệp. Bởi thế, Bộ Công an phải nghiên cứu ở nhiều góc độ khi ra các văn bản quản lý", LS Tuyến lưu ý.

LS Trương Xuân Tám cũng cho rằng, Bộ Công an sẽ phải ra thông tư quy định các điều kiện về an ninh, trật tự đối với dịch vụ đòi nợ.

Dù vậy, vị chuyên gia nhấn mạnh, cách giải quyết nợ nần văn minh nhất là theo con đường khởi kiện ra tòa án. Sau phán quyết của tòa sẽ có thi hành án, trường hợp nào thi hành án đẩy sang thừa phát lại, thừa phát lại sẽ đốc thúc thi hành án những vụ án đơn giản, phù hợp.

(http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/bo-cong-an-se-quan-dich-vu-doi-no-the-nao-3342133/)

Theo Thành Luân/Báo Đất Việt