Khi căng thẳng Mỹ - Trung chưa suy giảm, nhiều hãng công nghệ tìm kiếm một “công xưởng của thế giới” mới thay cho Trung Quốc. Đông Nam Á, Ấn Độ, Triều Tiên là ứng viên tiềm năng.
Cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang ảnh hưởng trực tiếp tới những công ty toàn cầu. Một loạt các đối tác gia công lớn đang phải tìm kiếm địa điểm tiếp theo để đặt nhà máy. Nơi đó phải hội tụ đủ những yêu cầu như mức thuế ưu đãi, nhân công giá rẻ và quan trọng nhất là tránh được những rào cản thương mại.
Chuỗi cung của các công ty “tháo chạy” khỏi TQ
Ngày 7/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp thêm thuế đối với hàng hoá từ Trung Quốc với con số lên tới 200 tỷ USD. Ngay lập tức, nhiều hãng công nghệ có đối tác gia công tại Trung Quốc đã lên tiếng về chính sách này.
Một trong số những CEO lên tiếng mạnh mẽ nhất là Tim Cook của Apple. Trước chính sách thuế mới của Tổng thống Trump, một loạt sản phẩm của Apple như Apple Watch, tai nghe AirPods và hàng loạt phụ kiện khác có nguy cơ tăng giá. Tuy vậy cuối cùng Apple đã tránh được ảnh hưởng nhờ cách xử thế khôn khéo của Tim Cook.
Dù đã tránh được ảnh hưởng trong thời gian gần, các công ty gia công cho Apple đang tính đến chuyện chuyển nhà máy khỏi Trung Quốc. GoerTek - hãng lắp ráp tai nghe AirPods, Cheng Uei - hãng cung cấp bộ sạc và đầu nối iPhone và Pegatron - đơn vị lắp ráp iPhone lớn thứ hai sau Foxconn, đều tiết lộ kế hoạch ban đầu việc chuyển nhà máy sản xuất sang Đài Loan hoặc các quốc gia Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan, Philippines.
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung khiến các doanh nghiệp nước ngoài tìm các nơi đầu tư sản xuất khác ngoài Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg. |
Trước đó, một đối tác Đài Loan chuyên cung cấp linh kiện cho Apple là Delta Electronics đã tìm cách tiếp cận các trung tâm sản xuất tại Thái Lan, Ấn Độ và Slovakia. Quanta Computer, công ty sản xuất Apple Watch và MacBook thì cho biết họ đã tính tới một vài địa điểm ngoài Trung Quốc để mở rộng sản xuất.
Không chỉ doanh nghiệp nước ngoài, nhiều công ty Trung Quốc cũng đang tính tới việc sản xuất tại nước khác để né cuộc chiến thương mại đang ngày càng căng thẳng. Hãng cung cấp dữ liệu Panjiva cho biết các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dệt may, nhựa, lốp xe… dịch chuyển sang nước ngoài ngày càng tăng.
Ai sẽ hưởng lợi từ sự dịch chuyển?
Không chờ tới khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung lên cao, nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm một địa điểm mới để đặt nhà máy từ vài năm trước. Chi phí lao động không còn rẻ nhất trong khu vực, các quy định về bảo vệ môi trường cũng ngày một khắt khe khiến Trung Quốc dần mất lợi thế so với nhiều nước châu Á khác.
AFP cho biết nhiều doanh nghiệp tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách mở thêm cơ sở sản xuất tại các quốc gia châu Á, trong đó có Việt Nam. Cụ thể hơn, các nước Đông Nam Á đang nổi lên là sự lựa chọn hấp dẫn bên cạnh Trung Quốc.
Lợi thế của những nước ASEAN là gần Trung Quốc, môi trường kinh doanh đang dần cải thiện, chi phí sản xuất thấp và tốc độ phát triển bền vững, theo nhận định của Bloomberg. Dưới tác động của chính sách thuế mới, sản phẩm xuất xứ từ các nước ASEAN càng trở nên cạnh tranh.
Nhiều quốc gia châu Á khác cũng đang được cân nhắc. SK Hynix, một trong những nhà sản xuất chip nhớ lớn nhất thế giới, dự tính sẽ chuyển một số công đoạn sản xuất về Hàn Quốc. Toshiba Machine muốn chuyển bớt sản xuất về Nhật Bản hoặc Thái Lan.
Trung Quốc vẫn sẽ là công xưởng của thế giới
Mặc dù xu hướng chuyển nhà máy ra khỏi Trung Quốc là có thật, đất nước này vẫn sẽ là "công xưởng" của thế giới trong tương lai gần. Sau nhiều năm chiếm ưu thế bằng giá nhân công rẻ, Trung Quốc hiện tại đang áp dụng tự động hoá cao hơn.
Một bài viết của Forbes nhận định Trung Quốc hiện tại vẫn có ưu thế về sản xuất khi đã trở thành một trong những quốc gia đi đầu về việc sử dụng robot trong chuỗi lắp ráp. Nói cách khác, Trung Quốc đã tiến lên nấc trên trong quy trình sản xuất, và đẩy những công đoạn thủ công, ít giá trị hơn cho những quốc gia lân cận.
Với nhiều lợi thế sẵn có, Trung Quốc vẫn là công xưởng của thế giới trong hiện tại và tương lai gần. Ảnh: AP. |
Các công ty cũng không vội vàng chuyển hết công đoạn sản xuất khỏi Trung Quốc. Compal, một đối tác Đài Loan của Apple hiện đã có nhà máy tại Việt Nam, Mexico và Brazil, nhưng giám đốc công ty này khẳng định việc rút hoàn toàn khỏi Trung Quốc là không dễ dàng.
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đã dẫn tới hậu quả là nền kinh tế Trung Quốc có quý tăng trưởng chậm nhất trong 10 năm qua. Tăng trưởng GDP trong quý vừa qua dừng ở mức 6,5% so với năm ngoái, thấp hơn mức dự đoán là 6,6%.
Hôm 19/10, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đã lên tiếng trấn an các nhà đầu tư. Ông Lưu Hạc cho rằng việc kinh tế Trung Quốc hụt hơi trong thời gian qua đang "tạo ra những cơ hội đầu tư tốt", theo phát biểu trên Xinhua. Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc, ông Dịch Cương cũng cho rằng nền kinh tế Trung Quốc hiện tại "về cơ bản là tốt".
Chắc chắn những lãnh đạo của Trung Quốc sẽ phải tiến hành nhiều biện pháp mạnh mẽ trong thời gian tới nhằm hồi phục nền kinh tế. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đồng ý gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo G20 vào tháng tới.
Nếu hai vị lãnh đạo tìm được tiếng nói chung, không chỉ Trung Quốc mà rất nhiều công ty trên khắp thế giới sẽ thở phào vì tránh được nhiều thiệt hại.
Triều Tiên là ứng viên, Samsung có rời Việt Nam, Ấn Độ?
Ngoài làn sóng chuỗi cung công nghệ trốn chạy khỏi Trung Quốc, tìm đến Đông Nam Á, một xu hướng khác cũng được đề cập đến trong những ngày gần đây: Samsung có thể đặt nhà máy ở Triều Tiên.
Trong tình hình quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều Tiên tốt đẹp lên trong năm nay, Triều Tiên bất ngờ trở thành một điểm đến mới đầy hứa hẹn của các tập đoàn Hàn Quốc. Đất nước này có nhiều lợi thế đối với những công ty từ Hàn Quốc: giá nhân công rẻ, ở cùng múi giờ và sử dụng chung ngôn ngữ.
Trong bài viết của Nikkei, ông You Seung Min, chiến lược gia của Samsung Securities thậm chí còn cho rằng Triều Tiên có thể thay thế Việt Nam để trở thành công xưởng sản xuất màn hình và smartphone của Samsung. Chủ tịch của SK, ông Chey Tae Won thì nói rằng “có rất nhiều cơ hội tại Triều Tiên”.
Tuy nhiên, đó chỉ là những lời phát biểu mang tính ngoại giao. Để những công ty Hàn Quốc thực sự có thể đầu tư vào Triều Tiên, trước tiên những lệnh cấm vận với Triều Tiên cần được gỡ bỏ. Điều đó chỉ có thể xảy ra khi Triều Tiên hoàn toàn phi hạt nhân hóa. Ngoài ra, những chi phí cho đầu tư hạ tầng cũng không hề nhỏ.
Một nhà máy của Samsung tại Thái Nguyên. Ảnh: Samsung. |
Về phía Samsung, công ty Samsung Việt Nam mới đây cho biết sẽ không bình luận về những tin đồn, suy đoán của cá nhân. Trong thực tế Samsung Securities (Công ty chứng khoán Samsung) cũng chỉ là một thành viên của Tập đoàn Samsung, hoàn toàn độc lập với Samsung Electronics. Bản thân ông You Seung-mon cũng chỉ là một chuyên gia kinh tế làm việc tại Samsung Securities, ông You không có thẩm quyền phát ngôn về các kế hoạch đầu tư của Samsung Điện tử.
Ở Việt Nam hiện tại, Samsung có tới có 4 nhà máy, trong đó hai nhà máy tại Bắc Ninh và Thái Nguyên cung cấp tới hơn 50% lượng thiết bị di động thông minh (smartphone và tablet) của Samsung trên toàn cầu.
Cách đây 3 tháng, Samsung vừa khai trương nhà máy sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của họ tại Ấn Độ với công suất tới 120 triệu máy mỗi năm, tương đương sản lượng smartphone cả năm 2017 của hãng. Do vậy, khó có khả năng hãng sẽ tiếp tục đầu tư một dây chuyền sản xuất smartphone nữa trong thời gian gần tại Triều Tiên.
Kinh tế Trung Quốc liên tiếp chịu đòn giáng chỉ trong vài ngày Chứng khoán chạm đáy, tăng trưởng thấp nhất gần một thập kỷ đang tạo thêm gánh nặng cho lãnh đạo Trung Quốc, trong bối cảnh ... |
Cuộc tháo chạy của các tập đoàn công nghệ khỏi Trung Quốc Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến hàng chục tập đoàn công nghệ lên kế hoạch dự phòng cho việc di cư. |
https://news.zing.vn/bo-chay-khoi-tq-doi-tac-cua-apple-va-cac-ong-lon-di-dau-post885876.html