Biểu tượng thể thao Mỹ bỏ dở Olympic: Ngôi sao hàng đầu cũng chịu thua áp lực

Việc ngôi sao số một thế giới ở môn thể dục nghệ thuật là Simone Biles bỏ dở Olympic Tokyo 2020 vì vấn đề tâm lý là một cú sốc của thể thao Mỹ cũng như thế giới.

Việc Simone Biles rút lui ngay trước phần thi chung kết nội dung đồng đội môn thể dục dụng cụ Olympic Tokyo 2020 là một cú sốc đối với đoàn thể thao Mỹ. Biles, người đã giành tới 4 huy chương vàng ở Olympic Rio 2016, được coi là một biểu tượng của người Mỹ ở Thế vận hội bên cạnh Michael Phelps.

Cú sốc Simone Biles

Hôm qua, vận động viên 24 tuổi tiếp tục bỏ nội dung cá nhân. Cô thừa nhận gặp vấn đề về tâm lý. Đó phải là rắc rối lớn đến mức đoàn thể thao Mỹ thông báo rằng Biles cần được theo dõi thêm về mặt y tế, dù cô không phải chấn thương thể chất.

Biểu tượng thể thao Mỹ bỏ dở Olympic: Ngôi sao hàng đầu cũng chịu thua áp lực - 1
Simone Biles rút lui ngay trước chung kết của 2 nội dung.

"Tôi phải lo cho sức khỏe tinh thần của mình. Chúng tôi cần bảo vệ cả tâm trí lẫn thể chất của mình, chứ không chỉ ra thi đấu và làm những gì mà thế giới muốn", Biles, người được truyền thông Mỹ gọi là một trong những VĐV xuất sắc nhất mọi thời đại ở môn thể dục nghệ thuật, chia sẻ.

"Tôi không tin tưởng vào chính mình nữa, có lẽ vì tôi đã lớn thêm rồi. Khi tất cả mọi người nói về mình trong vài ngày, bạn sẽ cảm nhận được sức nặng của cả thế giới. Chúng tôi không chỉ là vận động viên mà cũng là con người và đôi khi phải lùi lại phía sau".

Biles đã nhắc đến "sức nặng của cả thế giới" trong một bài đăng trên mạng xã hội từ vài ngày trước, sau khi cô hoàn thành phần thi vòng loại với số điểm cao nhất trong số các VĐV tham dự. Nữ VĐV này không chỉ chịu áp lực của một ngôi sao từng giành 5 HCV Olympic trước khi bước qua tuổi 20.

Ở Mỹ và đâu đó trên thế giới, nhiều người hướng về Biles bằng ánh nhìn dành cho một cô gái bị lạm dụng tình dục nhiều năm bởi tên bác sĩ bệnh hoạn Larry Nassar, kẻ bị kết án 175 năm tù. Những ồn ào trong dư luận khi Nassar ra tòa có lẽ đã ảnh hưởng đến tâm lý của Biles trong vài năm qua.

"Chúng ta đang nói về một cô gái bị lạm dụng tình dục bởi bác sĩ của đội trong suốt những năm tháng tuổi thiếu niên", một vận động viên khác của đội tuyển thể dục nghệ thuật Mỹ là Andrea Orris viết trên mạng xã hội. Biles sau đó chia sẻ lại bài đăng này.

Biểu tượng thể thao Mỹ bỏ dở Olympic: Ngôi sao hàng đầu cũng chịu thua áp lực - 2
Biles rút lui vì vấn đề tâm lý.

Gánh nặng tâm lý của ngôi sao Olympic

Sau khi Simone Biles rút lui khỏi 2 trận chung kết, ngôi sao mới của thể thao Mỹ là Ariarne Titmus cũng có những chia sẻ về những áp lực mà cô và các đồng nghiệp phải đối mặt ở đấu trường Olympic. Nhà vô địch trên đường bơi 200m, 400m tự do cho biết cô phải xóa hết các ứng dụng mạng xã hội trên điện thoại để tránh bị phân tâm.

"Những lời nhắn từ tất cả mọi người luôn rất tuyệt vời, nhưng đôi khi hơi quá", VĐV giành 2 huy chương vàng môn bơi ở Olympic Tokyo 2020 chia sẻ.

Trong thời gian tham dự Thế vận hội, Titmus chỉ lên mạng để nhắn tin về cho bạn bè và người thân. Cô nhờ bạn thân trông hộ tài khoản Instagram cá nhân và người này cũng bị choáng vì số lượng thông báo, tin nhắn vượt quá sức tưởng tượng của một người bình thường.

Annemiek van Vleuten, nhà vô địch môn đua xe đạp tính giờ, cũng có lựa chọn tương tự. Cô đã không lên mạng sau khi thua ở nội dung xe đạp đường trường trước Anna Kiesenhofer, một tiến sĩ Toán học chỉ mới đua xe đạp 4 năm. Nếu không làm thế, chưa chắc VĐV người Hà Lan này có thể giữ sự tập trung để giành tấm huy chương vàng trong cuộc đua thứ hai tại Olympic Tokyo 2020.

Van Vleuten hiểu rằng cô có thể trở thành một đề tài chế giễu trên mạng, sau màn ăn mừng hụt cách đây vài ngày. VĐV người Hà Lan tưởng rằng mình là người về nhất, nhưng hóa ra cô lại cán đích sau đối thủ tới hơn một phút. Vì vẫn còn một nội dung chưa thi đấu, Van Vleuten cần giữ cho bản thân tỉnh táo và có trạng thái tâm lý ổn dịnh.

Biểu tượng thể thao Mỹ bỏ dở Olympic: Ngôi sao hàng đầu cũng chịu thua áp lực - 3
Van Vleuten tắt hết mạng xã hội sau thất bại ở nội dung đầu tiên, trước khi giành HCV ở cuộc đua thứ hai.

Naomi Osaka, tay vợt nữ số 2 thế giới từng giành 4 danh hiệu Grand Slam, thừa nhận sức ép tâm lý là một phần lý do khiến cô bị loại ở tứ kết nội dung đơn nữ môn quần vợt. Đó là trận đấu mà VĐV Nhật Bản mắc tới 18 lỗi tự đánh bóng hỏng. Cách đây chưa lâu, Osaka rút lui giữa chừng ở Roland Garros vì không chịu được áp lực.

Quyết định khi đó của Osaka khiến vấn đề về sức ép vượt quá sức chịu đựng của các VĐV động viên đỉnh cao được nhắc đến nhiều hơn. Reuters dẫn lời Ben Miller, một chuyên gia tâm lý Mỹ, cho rằng đã đến lúc trạng thái tinh thần của các VĐV cần được xem trọng như thể chất.

"Nếu không chú ý đến khía cạnh tâm lý, họ sẽ không bao giờ khai thác hết được năng lực thể chất. Trong một số trường hợp, chính tâm trí là thứ cản trở khả năng của họ", vị chuyên gia này cho biết.

Ông Miller cũng chỉ ra rằng ở kỳ Thế vận hội diễn ra trong điều kiện không có khán giả, nơi các VĐV phải hạn chế tiếp xúc với người khác và không có gia đình, bạn bè bên cạnh cổ vũ, sức ép tâm lý càng có tác động lớn hơn.

MINH NGỌC

Thua võ sĩ Mông Cổ, Nguyễn Văn Đương chia tay Olympic Tokyo Thua võ sĩ Mông Cổ, Nguyễn Văn Đương chia tay Olympic Tokyo
Djokovic thắng dễ, hẹn Nishikori ở tứ kết Olympic Tokyo Djokovic thắng dễ, hẹn Nishikori ở tứ kết Olympic Tokyo
Á quân Đức bị loại ở vòng bảng bóng đá Olympic Tokyo Á quân Đức bị loại ở vòng bảng bóng đá Olympic Tokyo

/ vtc.vn