Đối với nhiều nước trên thế giới, rác thải – đặc biệt là rác thải xây dựng - được xem là nguồn tài nguyên quý giá, có thể tái chế, tái sử dụng trở thành cốt liệu xây dựng. Vì vậy, lựa chọn các công nghệ xử lý tiên tiến được coi là giải pháp tối ưu để xử lý chất thải rắn tại Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.
Đau đầu vì ... rác
Trên địa bàn thành phố hiện nay, không khó để tìm kiếm hình ảnh các xe chở rác thải xây dựng chạy trên đường phố. Nhiều xe thiếu các trang thiết bị che chắn hoặc che chắn sơ sài bằng vài tấm bạt rách khiến đường phố bụi mù, ô nhiễm. Nhưng quan trọng hơn cả, nguồn chất thải rắn xây dựng này không biết đi về đâu và xử lý như thế nào.
Báo cáo của UBND TP.Hà Nội cho biết, thống kê sơ bộ, lượng chất thải rắn xây dựng (CTRXD) hàng ngày trên địa bàn thành phố khoảng 2.000 tấn, chưa tính đến tính phát sinh từ các dự án xây dựng, giao thông. Trong khi đó, Hà Nội hiện chỉ có 4 bãi đổ CTRXD là Nguyên Khê, Vân Nội (huyện Đông Anh), Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì và Dưỡng Liễu, huyện Hoài Đức. Các bãi tập kết này cơ bản đã đầy, hạn chế khả năng tiếp nhận lượng chất thải xây dựng phát sinh trên địa bàn thành phố.
Ảnh minh họa |
Vì vậy, tình trạng đổ trộm, đổ bừa CTRXD tại một số nơi diễn ra thường xuyên, nhất là tại các dự án đang xây dựng. Về phía người dân xây dựng nhà ở, họ chỉ biết thuê đội ngũ vận chuyển phế liệu xây dựng đến chở, còn đường đi của nguồn thải này họ cũng chẳng quan tâm. Trong khi đó, đây là nguồn phát thải chính, và các chế tài xử phạt còn nhiều kẽ hở, dẫn đến tình trạng lộn xộn.
Các chuyên gia nhận định, tình trạng phó mặc cho bên vận chuyển rác thải xây dựng diễn ra từ lâu và chưa có hướng giải quyết cụ thể, nhất là việc quy trách nhiệm trong vấn đề xả thải ra môi trường. Đồng thời, các điểm trung chuyển CTRXD thông thường luôn trong tình trạng quá tải và không có các biện pháp xử lý cơ bản, dẫn đến tình trạng đổ trộm dường như là điều hiển nhiên. Thậm chí nhiều trường hợp đổ trộm gần đây đã bị các lực lượng chức năng phát hiện và xử lý, nhưng có vẻ như "muối bỏ bể", không kiểm soát được hết. Bên cạnh đó, biện pháp xử lý CTRXD vẫn chủ yếu là chôn lấp. Điều này đòi hỏi có những bãi chôn lấp lớn, tốn diện tích, chưa kể, chất thải xây dựng rất khó phân hủy và tiềm ẩn nhiều nguy cơ ô nhiễm.
Trong khi đó, Hà Nội đang triển khai một số dự án trọng điểm như: dự án mở đường Vành đai 3 Mai Dịch – Cầu Giấy (phá dỡ khoảng 58.500 m3), tuyến đường vành đai 2 kết hợp mở rộng theo quy hoạch đoạn từ Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Vọng khối lượng chất thải xây dựng rắn khoảng 150.000 m3, dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị Nhổn – ga Hà Nội, dự án xây dựng đường vành đai 1 đoạn Hoàng Cầu – Voi Phục. Ngoài ra, thời gian tới sẽ phá dỡ xây dựng cải tạo khoảng 28 khu chung cư tập trung. Thực tế này đòi hỏi cần có một biện pháp xử lý lượng CTRXD khổng lồ mà vẫn đảm bảo tiết kiệm tài nguyên, giữ vệ sinh môi trường, không phải đầu tư nhiều khu xử lý, giảm việc đổ trộm, trộn lẫn chất thải rắn xây dựng với chất thải sinh hoạt.
Lợi ích kép trong quản lý đô thị
Một trong những giải pháp được lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội quan tâm hiện nay là sử dụng máy móc nghiền chất thải xây dựng nhằm 2 mục đích tiết kiệm chi phí, thời gian vận chuyển, xử lý và tái chế tại chỗ thành vật liệu phục vụ làm đường, nhà thấp tầng...
Mới đây, lần đầu tiên công nghệ nghiền Rubble Master (Áo) đã được giới thiệu tại công trình thi công đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch-Nam Thăng Long. Đây là một công nghệ mang tính đột phá và quan trọng hơn là nó rất phù hợp với điều kiện hiện có của Hà Nội.
Đơn vị cung cấp – Công ty cổ phần dịch vụ sản xuất Toàn Cầu cho biết, đây là chiếc máy cho phép nghiền nhỏ phế liệu xây dựng như: Gạch vỡ, vôi vữa, bê tông, nhựa đường... để rút ngắn công sức, thời gian di chuyển, xử lý; thậm chí là trở thành sản phẩm vật liệu phục vụ xây dựng tại chỗ cho các công trình đường sá hoặc nhà thấp tầng. Ưu thế của máy là nhỏ gọn, khối lượng khoảng 20 tấn, có thể di chuyển đến tận công trình; xử lý phế thải tại chỗ với công suất lên đến 120 tấn/giờ (tuỳ thuộc) vào loại nguyên liệu; máy chỉ cần tối thiểu một người điều khiển để vận hành tốt.
Theo đánh giá của các chuyên gia, công nghệ nghiền phế thải, tạo thành sản phẩm phục vụ xây dựng đã đáp ứng được một số tiêu chí chính như tiết kiệm chi phí, thời gian, quỹ đất để xử lý chất thải; đồng thời bảo đảm được vệ sinh môi trường. Thành phẩm sau khi nghiền chất thải xây dựng có thể sử dụng thay cho cát đen hoặc đá dăm cấp phối dùng trong khâu trải nền đường. Giá thành một khối cát đen hiện nay khoảng 50.000-55.000 đồng, chưa kể chi phí vận chuyển; trong khi giá thành một khối vật liệu thay thế có được từ công nghệ nghiền phế thải thấp hơn từ 20%-30%.
Căn cứ chỉ đạo của ƯBND Thành phố, Sở Xấy dựng đã phối hợp vói UBND các quận, huyện đề xuất phương án, địa điểm tại các cửa ngõ Thủ đô có thể làm trạm trung chuyển, tái chế, nghiền CTRXD và báo cáo UBND Thành phố. Đến nay, UBND Thành phố đã chấp thuận chủ trương giao cho UBND các quận, huyện triển khai thực hiện tại các vị trí như: Ô đất ngoài đê cầu Thanh Trì, bãi đổ tại xã Yên Sở (Hoàng Mai); bãi xử lý phế thải xây dựng Vĩnh Quỳnh (Thanh Trì)...
Hà Nội đã triển khai 4 địa điểm trung chuyển, tái chế chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ nghiền tại các cửa ngõ TP gồm vị trí chân cầu Thanh Trì, khu ao Chùa Đổ-Đại La, các vị trí tại xã Dục Tú (huyện Đông Anh), khu vực công viên CV1-Cầu Giấy.
Trong đó 2/4 địa điểm đã đi vào hoạt động từ 30/11/2017, bắt đầu tiếp nhận chất thải rắn xây dựng để xử lý, tái chế bằng công nghệ nghiền. Các địa điểm còn lại đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư, giao đất để thực hiện. Ngoài ra, UBND TP tiếp tục đôn đốc triển khai đầu tư xây dựng các khu xử lý chất thải xây dựng khác theo quy hoạch.
Có thể nói, việc triển khai và áp dụng công nghệ tiên tiến trên thế giới trong công tác xử lý CTRXD là biện pháp mang tính đột phá, thể hiện sự quyết liệt của lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội nhằm hạn chế được tình trạng đổ trộm phế thải xây dựng như hiện nay và hạn chế tình trạng ô nhiễm bụi môi trường từ các công trình xây dựng. Tuy nhiên, để công nghệ này thực sự được áp dụng rộng rãi và đạt được hiệu quả như mong đợi, rất cần sự vào cuộc cuộc các ban ngành có liên quan nhằm có thêm mặt bằng lắp dựng dây chuyền và tập kết chất thải cũng như tìm kiếm đâu ra cho thành phẩm tái chế.
Thực hiện chủ trương chỉ đạo của UBND Thành phố, một số đơn vị, doanh nghiệp đã mua máy móc, thiết bị để thực hiện công nghệ mới như: Công ty cổ phần Xử lý chât thải xây dựng và Đầu tư phát triên môi trường Hà Nội đã chủ động đầu tư dây chuyền thiết bị nghiền CTRXD của Đức và Cộng hòa Áo và đã thực hiện ứng dụng tại công trình đường Phạm Văn Đồng. Ngoài ra, trong thời gian tới, công nghệ tái chế chất thải rắn xây dựng bằng công nghệ nghiền sẽ được đưa vào vận hành tại dự án Tổ hợp Thương Mại Văn Phòng và căn hộ, liền kề biệt thự 138B Giảng Võ Grandeur Palace do chủ đầu tư Công ty TNHH MTV Đầu tư Văn Phú – Giảng Võ thực hiện. |
Hàn Quốc chuyển vật liệu xây dựng đến địa điểm triển khai THAAD
Quân đội Hàn Quốc bắt đầu cải tạo cơ sở hạ tầng tại địa điểm triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ. |
Eurowindow “tăng hạng” trong Top 10 công ty Vật liệu xây dựng uy tín năm 2018
Công ty cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) vừa tổ chức lễ công bố chính thức Top 10 công ty vật ... |
Thành phố… nổi trên biển
Thành phố nổi trên biển đầu tiên trên thế giới dự kiến được xây dựng ở vùng biển ngoài khơi đảo Tahiti thuộc lãnh thổ ... |