Chỉ trong 3 ngày, số ca nhiễm tại Công ty Hosiden, Bắc Giang, từ 12 tăng lên 158, chiếm 38% tổng số mẫu xét nghiệm. Các chuyên gia đánh giá tốc độ lây nhanh do công nhân làm việc trong môi trường kín.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long trong cuộc họp Ban Chỉ đạo chống dịch Quốc gia hôm 10/5, nhận định "biến chủng Ấn Độ lây rất nhanh trong không khí, đặc biệt ở môi trường kín, song không khiến bệnh cảnh nặng hơn". Kết quả giải trình tự gene virus mẫu bệnh nhân đợt dịch lần này phần lớn là nhiễm biến chủng nCoV Ấn Độ.
Theo Bộ trưởng Long, biến chủng virus từ Anh lây lan nhanh gấp 170% (1,7 lần), nhưng biến chủng của Ấn Độ còn nhanh hơn. Thực tế cho thấy trong đợt dịch này, những trường hợp tiếp xúc trong không khí, đặc biệt môi trường kín, lây nhiễm rất nhanh. Cụm dịch ở Công ty Hosiden tại khu công nghiệp Quang Châu, Bắc Giang, là một ví dụ. Cụm dịch ở Công ty Cổ phần Dịch vụ Trường Minh tại khu công nghiệp An Đồn, Đà Nẵng, 33 nhân viên trực tổng đài mắc Covid-19, Ban chỉ đạo Phòng chống dịch Đà Nẵng cho rằng tốc độ lây nhanh do đặc điểm công việc trực tổng đài, làm việc trong phòng kín, máy lạnh.
Cách thức lây truyền nCoV
Phân tích cách thức lây truyền của nCoV, bác sĩ Nguyễn Hồng Hà, Phó Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam, cho biết virus lây truyền thông qua giọt bắn, tức là mầm bệnh nằm trong các giọt bắn từ đường hô hấp tiết ra. Đây là phương thức lây truyền được khuyến cáo từ khi khởi phát đại dịch vào đầu năm 2020.
Kích thước mỗi giọt bắn thông thường là trên 5 micromet. Người tiếp xúc gần (trong vòng khoảng cách một mét) với người mang virus có thể mắc Covid-19 khi các giọt bắn này thâm nhập vào miệng, mũi hoặc mắt. Ở khoảng cách tiếp xúc tối thiểu hai mét, giọt bắn càng lớn thì tốc độ rơi xuống đất càng nhanh, số lượng giọt bắn sẽ rơi bớt đi khi tiếp xúc, khả năng lây truyền mầm bệnh ít hơn. Ngược lại, hạt càng nhẹ thì rơi lâu, khả năng lây truyền nhanh hơn.
nCoV còn lây truyền gián tiếp qua các vật dụng hoặc bề mặt bị nhiễm mầm bệnh. Những giọt bắn khi rơi sẽ không hoàn toàn xuống đất và biến mất, chúng có thể bám vào các bề mặt như quần áo, đồ vật... Con người chạm tay vào các bề mặt đó, vô tình đưa tay lên mũi, miệng, mắt thì virus xâm nhập vào cơ thể.
nCoV còn có khả năng lây truyền qua không khí. Đây là phương thức lây truyền mới được khẳng định từ đầu năm nay. Chuyên gia phân tích, những giọt bắn nhỏ hơn 5 micromet (gọi là aerosol hay hạt khí dung) sẽ treo lơ lửng trong không khí. Các hạt này bản chất là dạng vật chất, dạng rắn hoặc dạng lỏng, tồn tại ở cấu trúc rất nhỏ. Về nguyên lý, khi trọng lượng nhỏ, những hạt này nằm lại trong không khí lâu, phát tán xa hơn, và những người ở xa có thể hít phải các hạt đó rồi nhiễm bệnh.
Trong môi trường lưu thông không khí kém như phòng kín, khoang máy bay, ôtô, phòng tại bệnh viện, hội trường, quán bar, karaoke..., những hạt nhỏ này bay lơ lửng trong không khí, không có lối thoát. Chúng có thể tích tụ nhanh chóng, tương tự khói thuốc lá, thành nồng độ đặc dần, hệ quả là người trong môi trường đó có khả năng nhiễm bệnh rất cao.
Theo nghiên cứu của Đại học Cambridge, đăng tải trên tạp chí Proceedings of the Royal Society A, nCoV có thể lây lan ngay khi người bệnh chỉ nói chuyện mà không ho, hắt hơi. Trong không gian nhỏ, tổng lượng khí dung chứa virus lơ lửng trong một giờ (sau khi người bệnh nói chuyện khoảng 30 giây) có thể nhiều hơn một lần ho.
Các nghiên cứu trên thế giới cũng chỉ ra rằng nCoV ở nhiệt độ 4oC sẽ còn nguyên trong 14 ngày, lưu trên giấy là 3 giờ; tồn tại trên gỗ hay quần áo là 2 ngày; ở thủy tinh và tiền là 4 ngày; với thép, inox hay nhựa là 7 ngày; khi nhiệt độ ở 70 độ C thì sau 5 phút sẽ chết. Đáng lo ngại, những giọt khí dung nhỏ nhất có thể tồn tại trong không khí hàng giờ liền, và còn có thể lâu hơn nếu nồng độ trong không khí dày đặc do môi trường khép kín, thông gió kém.
"Các vũ trường, quán karaoke, các phương tiện ôtô, khoang máy bay, phòng bệnh, khu công nghiệp... là môi trường kín, tạo điều kiện thuận lợi tạo hạt khí dung tích tụ, dễ lây bệnh nhanh, đúng như bối cảnh dịch hiện nay", chuyên gia nói.
Đặc biệt, nhân viên y tế thực hiện các can thiệp y khoa cho bệnh nhân Covid-19 như nội soi phế quản, ép tim ngoài lồng ngực, hay hút đờm, đặt nội khí quản... có khả năng nhiễm nCoV cao.
Hình ảnh nCoV được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm, Ảnh: AFP |
Tốc độ lây lan
Mỗi biến chủng nCoV có tốc độ lây lan khác nhau. Ông Hà phân tích, một mầm bệnh lây nhanh hay không, phụ thuộc vào ngưỡng nhiễm. Ngưỡng nhiễm là lượng cơ thể hít phải các mầm bệnh nhiều hay ít thì sẽ phát bệnh. Nếu virus nào ngưỡng nhiễm thấp, có nghĩa rằng chỉ số lượng rất ít cũng có thể gây bệnh, thì khả năng lây lan sẽ rất cao.
Ông Hà ví dụ đợt dịch SARS năm 2003 tại Việt Nam, rất nhiều người trong gia đình, thậm chí ngoài cộng đồng tiếp xúc với người bệnh bị SARS nhưng chỉ số ít, thậm chí không ai bị lây nhiễm. Hầu hết chỉ lây trong bệnh viện do thông khí kém. Điều này khác biệt hoàn toàn so với tốc độ lây nhiễm của nCoV. Vậy suy ra, với nCoV, ngưỡng nhiễm rất thấp.
Ông giả sử: "Nói dễ hiểu, với SARS, cơ thể phải nhiễm trên 1.000 con virus thì hệ thống bảo vệ mới không ngăn chặn được, còn nCoV chỉ cần 10 con virus xâm nhập vào cũng có khả năng nhiễm bệnh và lây lan. Như vậy ngưỡng nhiễm của nCoV rất thấp".
Với từng biến chủng nCoV cũng như vậy. Khả năng bắt rễ vào tế bào vật chủ niêm mạc đường hô hấp rất dễ dàng đối với các chủng mới, nói cách khác, khả năng gắn kết của nCoV với tế bào vật chủ dễ dàng. nCoV dễ dàng chui qua hệ thống nào có nhiều điểm tiếp nhận. Chính vì vậy, chúng làm tăng khả năng lây nhiễm. Điều này có thể lý giải tốc độ lây lan của biến chủng Ấn Độ nhanh hơn nhiều so với các biến chủng khác như biến chủng Anh, biến chủng Nam Phi... Có những chuỗi, một người lây cho mười mấy người, thậm chí nhiều hơn thế. Khi ở trong môi trường kín, biến chủng Ấn Độ càng có tốc độ lây lan nhanh hơn.
Phòng ngừa lây nhiễm biến chủng
Ông Hà phân tích, biến chủng mới lan nhanh khiến lượng người nhiễm nhiều lên, lan rộng ra nhiều đối tượng, y tế quá tải, chắc chắn sẽ không tránh khỏi số người bị nặng nhiều lên, số người chết tăng lên...
"Bệnh nhân Covid-19 nặng hay nhẹ còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có điều kiện điều trị, đối tượng mắc bệnh... Không có bằng chứng chứng minh biến chủng mới làm các bệnh nhân Covid-19 diễn tiến nặng lên", ông Hà nói.
Hiện công suất xét nghiệm của Việt Nam đã đạt cấp độ nhanh, tăng 1,7 lần so với thời kỳ cao điểm của đợt dịch Đà Nẵng (tháng 7/2020). Song, theo bác sĩ Hà, ngoài việc đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm, các biện pháp lưu thông khí rất quan trọng, và đó là biện pháp ngăn chặn nCoV lâu dài.
Tại bệnh viện, tất cả phòng khám ngoại trú, buồng bệnh đều phải mở toang cửa sổ, cửa chính, lắp quạt máy xoay... Ở các siêu thị, shop bán hàng, quán cà phê, quán ăn, lớp học cũng vậy. Đối với các khu săn sóc đặc biệt, phòng cấp cứu cần làm thông gió. Đóng cửa các dịch vụ trong phòng kín như karaoke, quán bar, rạp chiếu phim... Taxi, xe buýt, xe khách... không được đóng kín cửa và phải dùng quạt.
Chuyên gia cũng cho rằng đợt dịch này phức tạp hơn các đợt dịch trước, song với các biện pháp khoanh vùng, truy vết hiện tại, Việt Nam sẽ sớm khống chế được dịch bệnh.
Thúy Quỳnh
Biến chủng Ấn Độ thách thức kế hoạch mở cửa của Anh |
Biến chủng nCoV Ấn Độ xuất hiện ở ít nhất 40 quốc gia |