Giới chức Anh không loại trừ khả năng tái áp đặt biện pháp hạn chế kinh tế và xã hội, do lo ngại đợt bùng phát của biến chủng Ấn Độ.
Cơ quan Y tế Công cộng Anh (PHE) tính đến ngày 13/5 ghi nhận hơn 1.300 trường hợp nhiễm biến chủng nCoV Ấn Độ. Chỉ trong vòng một tuần, số ca nhiễm biến chủng B.1.617.2 đã tăng gấp hơn hai lần, khi trước đó PHE mới báo cáo 520 trường hợp vào ngày 5/5.
Bộ Y tế và Chăm sóc Xã hội (DHSC) nói "chưa có bằng chứng xác thực cho thấy biến chủng này có tác động lớn hơn tới mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh hoặc có thể né vaccine". Tuy nhiên, giới chức cho biết chính phủ Anh "không thể loại trừ khả năng tái áp đặt các biện pháp hạn chế kinh tế - xã hội ở cấp độ khu vực và địa phương, nếu có bằng chứng cho thấy chúng cần thiết để ngăn chặn một biến thể có khả năng tránh né vaccine".
Bộ trưởng Y tế Matt Hancock nói chính phủ đang hỗ trợ các khu vực ghi nhận số ca nhiễm tăng và kêu gọi người dân tiếp tục cảnh giác".
"Chúng tôi đang theo dõi tình hình rất cẩn thận và sẽ không ngần ngại hành động thêm nếu cần thiết", ông nói.
Một quán bar ngoài trời đông khách sau khi các biện pháp hạn chế Covid-19 được nới lỏng ở London tháng trước. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, Thủ tướng Boris Johnson cũng không loại trừ khả năng áp đặt lại các biện pháp hạn chế cấp khu vực. "Đó là một biến thể đáng lo ngại. Chúng tôi rất lo lắng về nó", ông nói.
Nhưng ông Johnson cũng thêm rằng chưa có bằng chứng cho thấy kế hoạch nới phong tỏa của Anh không thể tiếp tục. Bước tiếp theo của kế hoạch dự kiến bắt đầu vào ngày 17/5 tới.
Ngày 13/5, Anh báo cáo 11 ca tử vong và 2.657 ca nhiễm, nâng tổng số ca ở nước này lên lần lượt hơn 127.600 và hơn 4,4 triệu.
Gần 36 triệu người Anh đã được tiêm ít nhất một liều, trong đó hơn 18,4 triệu người đã hoàn thành chương trình tiêm chủng. PHE cho biết vaccine đã cứu sống 11.700 người và ngăn nguy cơ 33.000 người mắc triệu chứng bệnh nặng vì Covid-19 ở Anh.
Anh đang tăng cường xét nghiệm ở 15 khu vực trên cả nước, để nhanh chóng phát hiện ca nhiễm và tăng cường truy vết tiếp xúc để ngăn chặn dịch lây lan.
DHSC cho biết một số biện pháp bổ sung sẽ bao gồm tăng giải mã trình tự gene của các ca nhiễm, thúc giục cộng đồng tham gia chống dịch và khuyến khích người dân tiêm vaccine.
Cơ quan này thêm rằng giới chức Anh đang cân nhắc thúc đẩy tiêm chủng liều thứ hai cho những người đủ điều kiện.
Biến chủng Ấn Độ này được đánh giá có khả năng lây nhiễm nhanh, làm dấy lên nhiều lo ngại. Dù con số hiện tại tương đối thấp, số ca nhiễm đang tăng nhanh và kế hoạch mở cửa của Anh có thể tạo điều kiện cho dịch lây lan, giữa lúc chiến dịch tiêm chủng chưa hòa thành, theo Hazel Shearing và Doug Faulkner, hai biên tập viên của BBC.
"Điều đáng lo ngại là vẫn có khả năng số ca nhiễm tăng do vaccine không thực sự hiệu quả, kéo theo số ca nhập viện tăng", Shearing và Faulkner viết.
Một vấn đề khác là số ca nhiễm được xác nhận phản ánh tình hình của khoảng 1-2 tuần trước, thay vì thời điểm hiện tại. Bởi người nhiễm cần thời gian trước khi xuất hiện các triệu chứng và sau đó được xét nghiệm xác nhận nhiễm biến chủng Ấn Độ.
Giới phân tích nhận định biến chủng luôn là một trong những thách thức hàng đầu đối với lộ trình thoát phong tỏa. Câu hỏi chính đặt ra là liệu cách tiếp cận của địa phương nơi biến thể xuất hiện, như tăng xét nghiệm và tiêm chủng, có đủ hay kế hoạch mở cửa chung có cần phải thay đổi.
Biến chủng Ấn Độ hiện tập trung ở các địa điểm như London, Bolton, Tyneside và Nottingham. PHE cho biết các đơn vị xét nghiệm lưu động đã được thiết lập ở Bolton và xét nghiệm tại nhà cũng được cung cấp cho 22.000 cư dân.
Một xe buýt tiêm chủng cũng đã hoạt động tại thị trấn để tăng tỷ lệ tiêm chủng cho những người đủ điều kiện. Một nhóm phản ứng nhanh gồm 100 y tá, tư vấn viên y tế cộng đồng và nhân viên y tế cũng được huy động. Các phòng khám bổ sung sẽ được mở ở Blackburn và Darwen của hạt Lancashire từ tuần tới để tiêm chủng vaccine cho người dân.
Giới chức cũng tăng khả năng xét nghiệm tất cả người trên 16 tuổi tại làng Sefton, hạt Merseyside sau khi biến chủng Ấn Độ được báo cáo tại khu vực Formby.
B.1.617.2 là một trong 4 biến chủng nCoV được Anh liệt vào nhóm "đáng lo ngại", cùng ba loại khác được phát hiện ở hạt Kent nước này, Nam Phi và Brazil.
Chuyên gia tin rằng biến chủng Ấn Độ có những đột biến khiến chúng dễ lây truyền hơn, nhưng chưa biết liệu nó có thể gây nguy hiểm hơn cho người nhiễm hoặc có khiến vaccine kém hiệu quả hơn hay không.
Giáo sư Robert Dingwall, nhà khoa học thuộc nhóm cố vấn về mối đe dọa của virus gây bệnh hô hấp mới nổi (Nervtag) của chính phủ, nói dường như những người đã tiêm vaccine có nguy cơ nhiễm biến chủng khá thấp và người nhiễm cũng chỉ có triệu chứng nhẹ.
Một điểm tiêm vaccine ngừa Covid-19 tại London, Anh hôm 28/3. Ảnh: Reuters. |
Nhiều nguồn tin tiết lộ rằng tại một số khu vực phát hiện biến chủng Ấn Độ, biện pháp tăng cường xét nghiệm không hiệu quả khi chiến lược hiện tại chỉ xác định ca nhiễm nhưng không có biện pháp ngăn chặn. Các nguồn tin thêm rằng nhiều trường hợp nhiễm biến chủng được phát hiện ở nhiều nơi không có yếu tố du lịch và số ca nhiễm chưa được thống kê đầy đủ.
Thị trưởng Greater Manchester Andy Burnham nói ông sẽ "rất lo ngại" về khả năng áp đặt các biện pháp hạn chế địa phương ở khu vực này, trong khi phần còn lại của đất nước đang dần mở cửa.
Phát biểu sau những bình luận của Thủ tướng Johnson trước đó, ông Burnham nói muốn tiêm vaccine cho những nhóm tuổi trẻ hơn trong các khu vực bị ảnh hưởng, bao gồm việc mở rộng phạm vi cho người từ 16-18 tuổi.
Nhiều câu hỏi đang được đặt ra về khả năng trì hoãn giai đoạn mở cửa thứ 4 trong lộ trình của Anh, dự kiến bắt đầu ngày 21/6, thời điểm chính phủ đặt mục tiêu bỏ hoàn toàn các hạn chế xã hội.
Tory Steve Baker, phó chủ tịch nhóm phụ trách phục hồi Covid-19 của quốc hội Anh, cảnh báo chống lại bất kỳ biện pháp phong tỏa thêm. "Không đời nào chúng ta lại phong tỏa khi vaccine tiếp tục giúp cắt chuỗi gia tăng ca nhiễm, nhập viện và tử vong", Baker nói.
Thanh Tâm (Theo BBC)
84 cảnh sát Campuchia mắc COVID-19, biến chủng Ấn Độ xuất hiện tại Philippines |
Biến chủng nCoV Ấn Độ xuất hiện ở ít nhất 40 quốc gia |
nCoV liên quan viện Nhiệt đới là biến chủng Ấn Độ |