Trong giải trình GS Tồn phản bác và đưa ra nhiều chứng cứ chứng minh ông không đạo văn của bất cứ ai.
GS Nguyễn Đức Tồn đưa ra nhiều bằng chứng khẳng định ông không đạo văn. Ảnh: HP
Hội đồng Chức danh giáo sư ngành ngôn ngữ và đại diện Thanh tra Bộ GD&ĐT vừa tổ chức họp bàn về nghi vấn đạo văn của GS Nguyễn Đức Tồn. Tuy nhiên, cuộc họp chưa đưa ra kết luận về sự việc. Đồng thời, hội đồng cảm thấy sự việc phức tạp, cần được đưa lên các cấp cao hơn để giải quyết, có thể cần sự can thiệp của bên tòa án, sở hữu trí tuệ để xác minh…
Ngay sau cuộc họp, GS Nguyễn Đức Tồn đã liên hệ với PV báo Pháp Luật TP.HCM để cung cấp những giải trình mà ông đã trình bày trước cuộc họp, đồng thời cho biết sẽ gửi giải trình này đến Thanh tra Bộ GD&ĐT để làm rõ.
Khẳng định mình không đạo văn
Mở đầu bản giải trình, GS Tồn nêu lại ba nội dung mà ông bị tố cáo bao gồm: Cuốn Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy ở người Việt bị tố đã “đạo văn” của học trò; bị tố cáo lấy bài viết của Nguyễn Thị Thanh Hà đăng trên tạp chí Ngôn Ngữ số 2/2001 để đưa vào cuốn sách tuyển tập bài có tên Những vấn đề dạy và học tiếng Việt trong nhà trường - Phương pháp dạy và học tiếng Việt ở bậc THCS (NXB ĐHQG, H., 2001); cuốn sách Đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy bị tố đã “đạo chích” khái niệm văn hóa và bốn đặc trưng của văn hóa trong sách Tìm về bản sắc văn hóa Việt Nam của Trần Ngọc Thêm.
Giải trình cụ thể về những tố cáo trên, ông Tồn cho rằng về cuốn sách chuyên khảo có nhan đề Tìm hiểu đặc trưng văn hóa - dân tộc của ngôn ngữ và tư duy của người Việt, ông thực hiện trên cơ sở luận án nghiên cứu sinh (NCS) bằng tiếng Nga với tên đề tài là “Đặc điểm trường từ vựng - ngữ nghĩa tên gọi bộ phận cơ thể người” (trên tư liệu tiếng Nga và tiếng Việt), bảo vệ tháng 6-1988 tại Nga. Cả cơ sở lý luận lẫn phương pháp nghiên cứu trong luận án của ông đều đi theo hướng đặc trưng văn hóa-dân tộc của ngôn ngữ và tư duy một hướng nghiên cứu cho đến nay vẫn còn là mới mẻ đối với Việt Nam.
“Tôi sẵn sàng cung cấp bản thảo chương lý luận, tài liệu và phương pháp nghiên cứu của luận án của tôi được viết tay, có bút tích của thầy hướng dẫn của tôi ở Liên Xô đã sửa chữa văn phong cho tôi. Tôi cung cấp các phiếu trích dẫn tài liệu tham khảo tiếng Nga, toàn văn luận án bằng tiếng Nga và hồ sơ bảo vệ luận án của tôi tại Liên Xô. Những kết quả nghiên cứu trong luận án của tôi cũng đã được công bố rất sớm trong các bài viết, thể hiện rất rõ tư tưởng khoa học, đường hướng lý thuyết và phương pháp nghiên cứu trong luận án” - ông Tồn cho hay.
Về sự cộng tác với Nguyễn Thúy Khanh, theo GS Tồn, chị Nguyễn Thúy Khanh là cán bộ nghiên cứu của phòng Từ điển tiếng Việt, khi đó ông Tồn là phó phòng. Chị Khanh đã theo học nhiều năm, đã sang khóa NCS thứ hai ở trong nước nhưng chưa ra được luận án.
GS Tồn nói: “Chị Khanh đã đề nghị tôi hướng dẫn viết luận án để bảo vệ theo chế độ NCS ngắn hạn (NCS một năm)”. Đề tài ông gợi ý cho Nguyễn Thúy Khanh là “Đặc điểm trường từ vựng-ngữ nghĩa tên gọi động vật”. Để hướng dẫn chị Khanh làm luận án, chính ông đã trực tiếp vạch định đề cương nghiên cứu, trong đó chỉ rõ cách thức triển khai kèm theo những câu hỏi cụ thể giúp chị Khanh nghiên cứu trả lời.
Bản đề cương chi tiết này được xây dựng dựa theo hướng nghiên cứu của luận án của ông năm 1988 ở Liên Xô và đề cương đề tài cấp viện do ông làm chủ nhiệm được khởi thảo từ đầu năm 1994. Chị Khanh đã triển khai toàn bộ luận án của mình theo bản đề cương ấy. Điểm khác của luận án phó tiến sĩ của Nguyễn Thúy Khanh, cũng là kết quả nghiên cứu của riêng chị, chính là phần dữ liệu khảo sát và những nhận xét về riêng trường từ vựng-ngữ nghĩa tên gọi động vật.
“Vào thời điểm thầy trò chúng tôi cộng tác thực hiện đề tài và luận văn, luận án (những năm 1995-1996), nước ta chưa có Luật Sở hữu trí tuệ. Văn bản hướng dẫn tiến sĩ và học viên cao học, sinh viên đại học cũng không có quy định cụ thể và quan niệm về yêu cầu đối với một luận án tiến sĩ cũng khác bây giờ. Lại nữa, lần đầu hướng dẫn NCS, vì chưa có kinh nghiệm nên nhận thức của tôi về trách nhiệm của thầy hướng dẫn cũng như trách nhiệm của NCS còn hạn chế, do vậy tôi đã làm những việc cho trò quá mức cần thiết như đã nêu trên” - ông Tồn giải thích.
Mọi tố cáo đều không có cơ sở (!?)
Về việc bị tố lấy bài viết của Nguyễn Thị Thanh Hà đăng trên tạp chí Ngôn Ngữ, ông Tồn cũng đưa ra rất nhiều chứng cứ. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà là NCS do ông hướng dẫn và đã từng đứng tên chung với GS Tồn trên nhiều bài báo.
Đặc biệt, khi vào hội đồng ngành, nhóm thẩm định do GS Trần Ngọc Thêm làm trưởng nhóm đã xem xét các đơn thư nặc danh tiếp tục lặp lại hành động tố cáo GS Tồn đạo văn. Sau khi nghiên cứu, đối chứng các tài liệu, chứng từ, hồ sơ nghiên cứu của mình và các học sinh được chính GS Tồn hướng dẫn, nhóm thẩm định đã có bản báo cáo do GS Trần Ngọc Thêm đại diện ký tên, trong đó có những nhận định và kết luận:
“Đạo văn không phải, nhưng sử dụng có chú dẫn theo lối thông thường cũng không đúng, vậy nên kết luận về trường hợp này như thế nào? Chúng tôi cho rằng, về tư tưởng và đạo đức, tác giả Nguyễn Đức Tồn hoàn toàn trong sáng và không có tà ý “đạo văn” khi viết, song về phương pháp, ông (vào thời điểm ấy) đã hiểu sai về cách thức sử dụng tư liệu của học trò nên đã đưa nguyên khối nhiều trang luận án của học trò vào sách của mình”.
“Do vậy, hoàn toàn không có cơ sở để tố cáo tôi lấy cắp bài viết của Nguyễn Thị Thanh Hà để đưa vào sách của mình” - GS Tồn nói.
Còn về việc ông Trần Ngọc Thêm khi trả lời phỏng vấn trên báo chí đã quy kết GS Tồn “đạo chích khái niệm văn hóa và bốn đặc trưng của văn hóa” trong sách của ông Thêm, ông Tồn khẳng định: “Chúng tôi đã nêu rõ nguồn tham khảo nên việc ông Thêm quy kết tôi đạo chích khái niệm văn hóa trong sách của ông ấy là hoàn toàn không có cơ sở”.
Không phải là sao chép như tố cáo
“Có thể kết luận rằng phần “tư liệu và phương pháp nghiên cứu” trong sách của Nguyễn Đức Tồn, của Nguyễn Thúy Khanh tuy giống nhau nhưng thực ra chúng không hề có liên hệ trực tiếp với nhau theo kiểu sao chép như thư tố cáo đã nêu” - nhóm thẩm định do GS Trần Ngọc Thêm ký tên.
Nghi vấn GS Nguyễn Đức Tồn đạo văn: \'Cần tòa án can thiệp, xác minh\'
Một thành viên trong Hội đồng Chức danh Giáo sư ngành Ngôn ngữ học cho biết, muốn giải quyết nghi vấn GS Nguyễn Đức Tồn ... |
Thông tin mới về vụ GS Nguyễn Đức Tồn bị tố đạo văn học trò
Hội đồng Chức danh giáo sư ngành Ngôn ngữ học đã có văn bản báo cáo Thường trực Hội đồng Chức danh giáo sư Nhà ... |
Đạo văn, cho qua, và không ai xấu hổ (kỳ 1)
Từ lâu, đạo văn trở thành một vấn nạn và đáng lo ngại, không chỉ trong các công trình nghiên cứu khoa học mà còn ... |