Có nhiều ứng cử viên tham gia, mỗi người lại có cách vận động tranh cử riêng và thậm chí có cả những đối thủ sẵn sàng hạ bệ nhau bằng mọi cách, thế nên, có chuyên gia đã chia sẻ rằng, hiếm có kỳ Đại hội VFF nào lại “kịch tính mà... bi hài” như vậy.
Cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng bị lực lượng công an yêu cầu gỡ băngrôn phản đối ông Trần Quốc Tuấn. Ảnh: Đ.H
Người phù hợp, người xứng đáng
Đại hội VFF khoá VIII sẽ diễn ra vào tháng 4, thay vì cuối tháng 3 như dự kiến ban đầu. Vấn đề nhân sự đang “nóng” hơn bao giờ hết, đặc biệt ở chức danh Chủ tịch. Bởi, so với các kỳ đại hội trước đây thì lần này, vị trí người đứng đầu VFF là cuộc chạy đua giữa 4 ứng viên gồm ông Trần Quốc Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực VFF đương nhiệm - ông Cấn Văn Nghĩa - Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia - ông Lê Quý Phượng - Giám đốc Trung tâm TDTT 2 TPHCM - và nhà báo Nguyễn Công Khế - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn truyền thông Thanh Niên.
Trong 4 ứng viên này thì ông Trần Quốc Tuấn là người nhận được nhiều đề cử nhất cho Chức danh Chủ tịch VFF từ các thành viên, với 22 đề cử đến từ các thành viên VFF. Tuy mới chỉ là được đề cử và ứng cử, ông Tuấn vẫn được xem như ứng viên nặng ký cho “cuộc đua” này.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia trong làng bóng đá Việt Nam, vị trí Chủ tịch VFF cần tìm ra 1 người xứng đáng, tức là có cả tâm lẫn tài. Tuy nhiên, trong số những ứng viên góp mặt thì chưa có gương mặt nào thực sự đáp ứng hết mọi tiêu chí để trở thành người xứng đáng, thuyết phục và có lẽ chỉ có thể tìm được người phù hợp.
Vậy, ai là người xứng đáng? Đây là câu hỏi mà phóng viên luôn đặt ra mỗi khi hỏi các chuyên gia về việc tiến cử người ngồi vào chiếc ghế nóng của VFF. Tuy nhiên, đa phần bỏ ngỏ câu trả lời, còn nhiều người cũng chỉ tiến cử được “người phù hợp”. Thực tế, thông tin từ hậu trường cho hay, những lãnh đạo cấp cao cũng đã đưa ra những cái tên xứng đáng và mời họ ngồi vào vị trí Chủ tịch VFF nhưng hầu hết đều từ chối. Thế nên, cuộc đua vào ghế Chủ tịch VFF chỉ còn lại những “gương mặt thân quen”. Và có lẽ, bóng đá Việt Nam ở thời điểm hiện tại cần 1 người phù hợp.
Và để tham gia vào cuộc đua tìm ra “người phù hợp ấy”, tất cả dường như đang vận động cho mình theo những cách khác nhau. Thậm chí, chuyện hạ bệ nhau trước thềm Đại hội cũng là điều không khiến dư luận bất ngờ…
Cần cạnh tranh sòng phẳng
Rốt cuộc, có hay không chuyện các ứng viên “chơi bẩn” để giảm uy tín của đối thủ trước thềm Đại hội VFF khoá VIII? Đây là câu hỏi mà nhiều người đã đặt ra trước hàng loạt sự việc liên quan đến những vấn đề được cho là thiếu tích cực ở thượng tầng VFF. Đó là chuyện về việc mất đoàn kết trong nội bộ VFF được bàn tán, chuyện nghi vấn lãnh đạo VFF nhận hối lộ được xới lên, chuyện xe “biển xanh” được báo chí phản ánh hay là các thất bại từ ĐTQG đến U23 ở các giải khu vực… Tất cả đều được tung ra vào thời điểm “nhạy cảm” trước thềm Đại hội khoá VIII.
Thực tế thì những sự việc bị phản ánh, xuất hiện trên các kênh truyền thồng có đúng, có sai và có cả những thôn tin chưa được kiểm chứng. Tuy nhiên, điều đó có tác động và chi phối lớn đối với hình ảnh cá nhân trước dư luận. Thế nên, bất luận thế nào thì những người trong cuộc, những người sẽ cầm lá phiếu bầu, cần nhìn những sự việc một cách công tâm nhất trước khi đưa ra đánh giá, phán xét và quyết định. Và trên hết, những ứng viên cho chiếc ghế Chủ tịch VFF phải chơi đẹp, vận động tranh cử sòng phẳng.
Hôm qua (1.3), cựu trọng tài Dương Mạnh Hùng đã căng 1 tấm băngrôn lớn trước cổng Tổng cục TDTT với nội dung phản đối Phó Chủ tịch VFF Trần Quốc Tuấn làm Chủ tịch VFF khoá VIII kèm 4 lý do. Cơ quan chức năng đã yêu cầu ông Hùng gỡ băngrôn xuống.
Điều gì đã khiến ông Hùng từ TPHCM lặn lội ra Hà Nội để phản đối 1 quan chức đang làm PCT VFF và cũng là ứng viên trong cuộc đua đang diễn ra, ngoài vấn đề cá nhân?
Ông Hùng cho biết: “Tôi hứa bằng danh dự bản thân, tôi làm việc này vì tình yêu bóng đá chứ không vì bất cứ ai”. Khi được hỏi, ông có tiến cử ai cho Chức danh Chủ tịch VFF, ông Hùng cũng không đưa ra một cái tên nào mà chỉ một mực cho rằng, Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn không phải người xứng đáng cho chức danh này.
Trước đó, ông Hùng từng mang tấm băngrôn này đến treo trước trụ sở Bộ VHTTDL và VFF. Nếu việc làm của ông Hùng - một người rất tâm huyết và ít nhiều nhận được sự tôn trọng khi còn làm nghề chỉ đơn thuần vì mục đích “vì bóng đá Việt Nam” - thì ở một góc độ nào đó, cần được nhìn nhận để cùng suy ngẫm, mặc dù những nội dung ông đưa ra cũng có nhiều điều chưa được kiểm chứng hết. Tuy nhiên, nếu có một ai đó đứng đằng sau chuyện này, có động cơ không trong sáng và xây dựng, trong bối cảnh ngày diễn ra đại hội đang đến dần, đó là điều đáng trách và đáng tiếc.
Nhiều người muốn làm vì bóng đá, điều này là rất tốt trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang cần những người có tâm, có tầm để xây dựng, phát triển. Sau hiệu ứng U23 Việt Nam tạo ra, rõ ràng, bóng đá đã chứng minh được giá trị, vị thế trong xã hội. Nhưng nếu một ai được trao trọng trách đầu tàu của cả nền bóng đá dựa vào việc hạ bệ đối phương bằng những chiêu trò không đẹp thì đó là bi kịch của cả nền bóng đá.
Cuộc đua đến chiếc ghế Chủ tịch VFF: Khi bóng đá “lên hương”
Thành công và những gì làm được cùng sức lan tỏa sâu rộng với đời sống xã hội của U.23 Việt Nam ở VCK U.23 ... |
Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá - ông là ai?
Bóng đá Việt Nam sau thành công vang dội của tuyển U.23 lại đang chờ một vị Chủ tịch mới. Đại hội Liên đoàn Bóng ... |