Sau vụ hơn 30 bác sĩ ngừng việc vì bị nợ lương và chế độ liên quan, Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng lại bị các đơn vị cung ứng thuốc và vật tư y tế "đòi nợ" với số tiền lên đến hàng chục tỉ đồng.
Vụ việc hơn 30 y, bác sĩ đồng loạt ngừng việc do Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng nợ lương, nợ BHXH và phụ cấp khác vừa được tạm giải quyết thì ngày 24.6, nhiều nhà thầu cung ứng vật tư thiết bị y tế, tân dược… đã kéo đến đơn vị này “đòi nợ”.
Cụ thể trong ngày 24.6, các đơn vị cung ứng thuốc kéo đến Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng để giải quyết công nợ hiện có. Qua làm việc, một số đơn vị đồng ý cho bệnh viện này gia hạn nợ đến 10.7. Tuy nhiên, nhiều đơn vị không chấp nhận điều đình từ phía bệnh viện, lấy lại số thuốc đã cung cấp hiện còn trong kho.
Đại diện một đơn vị cung ứng dược cho biết: "Bệnh viện khó khăn, không có tiền chi trả nhưng tháng 5.2020 vẫn tiếp tục gọi công ty giao hàng. Trong khi đó, số nợ từ tháng 5.2019 đến nay vẫn chưa quyết toán. Chúng tôi buộc phải lấy hết số hàng còn lại về".
Trao đổi với PV, ông Bùi Hữu Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng cho biết, qua trao đổi với các nhà cung ứng, hầu hết nhà cung ứng đồng ý để thuốc lại bệnh viện để bệnh viện tiếp tục công tác khám chữa bệnh cho bệnh nhân, cũng là một giải pháp để tăng thêm nguồn thu, hoàn trả số tiền còn thiếu cho họ. Bệnh viện đã có giải pháp căn cứ vào số tiền thanh toán với bảo hiểm để tạm ứng cho nhà thầu vào ngày 10.7.
Một đơn vị do bức xúc nên mang một số thuốc về. Nhưng đó là những hàng hóa không thiết yếu, bệnh viện sẽ nhập lại trong nay mai.
Một số đơn vị cung ứng do bức xúc vì bị nợ kéo dài đã mang một số thuốc trong kho về. Ảnh ĐH |
Theo nguồn tin của phóng viên, Bệnh viện Giao thông Vận tải Hải Phòng hiện còn nợ đọng tiền thuốc và vật tư y tế của hơn 30 nhà cung ứng với số tiền hàng chục tỉ đồng. Các đơn vị này đã lần lượt có văn bản "đòi nợ" bệnh viện. Trong đó, một số đơn vị với số nợ lớn hơn 1 tỉ đồng như Công ty H.O, Công ty Cổ phần thiết bị vật tư y tế T.H.... Công nợ cho đến cuối năm 2019 được chốt lên đến gần 12 tỉ đồng.
Ngoài việc nợ tiền thuốc, vật tư, theo ghi nhận của PV, Bệnh viện này vẫn tiếp tục điều trị chạy thận cho hàng chục bệnh nhân trong khi máy chạy thận nhân tạo được khuyến cáo về chất lượng. Cụ thể, 13 máy chạy thận nhân tạo đang sử dụng được mua từ năm 2009, thường xuyên xảy ra hỏng hóc, không được bảo dưỡng theo đúng quy định.
Ngày 22.6, Sở Y tế Hải Phòng đã có công văn yêu cầu Bệnh viện GTVT Hải Phòng trong thời gian kiểm tra lại máy chạy thận nhân tạo, bệnh viện tạm dừng việc chạy thận nhân tạo và chuyển ngay bệnh nhân về hai Bệnh viện Việt Tiệp và đa khoa quốc tế.
Trước đó, như Lao Động đưa tin, hơn 30 y bác sĩ, cán bộ, nhân viên bệnh viện GTVT đồng loạt nghỉ việc do bị nợ lương, phụ cấp kéo dài. Sự việc được Cục Y tế Bộ GTVT và phía bệnh viện họp bàn, giải quyết. Phía bệnh viện cam kết sẽ thanh toán lương cho người lao động vào đầu tháng 7. Ngày 23.6, hơn 30 y bác sĩ, cán bộ, nhân viên bệnh viện này đã quay trở lại làm việc.