Bệnh tay chân miệng và những điều cần biết

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra, thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi và có hai mùa dịch là tháng 3-5 và 9-12.

Bác sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết từ đầu năm 2018 đến nay có hơn 100 bệnh nhi tay chân miệng điều trị tại khoa. Trung bình ngày nào cũng có bệnh nhân nhập viện. Bố mẹ nên nhận biết các dấu hiệu bệnh thật sớm để đưa trẻ đến cơ sở y tế, cũng như cách chăm sóc và phòng bệnh cho bé.

Nguyên nhân

Tác nhân gây bệnh là virus Coxsackie. Virus này có khả năng lây lan rất nhanh qua đường miệng hoặc các chất tiết từ mũi miệng hay phân của trẻ bệnh. Các đường lây truyền bệnh chủ yếu:

- Trẻ lành tiếp xúc trực tiếp với trẻ bệnh; bị nhiễm bệnh do hít phải nước bọt của trẻ bệnh văng ra trong lúc ho hay hắt hơi.

- Do trẻ lành cầm nắm đồ chơi hay chạm vào sàn nhà có dính nước bọt, chất tiết mũi họng của trẻ bệnh.

- Lây qua bàn tay của người chăm sóc trẻ.

Virus xâm nhập vào cơ thể qua niêm mạc miệng hay ruột vào hệ thống hạch bạch huyết, từ đó phát triển rất nhanh gây ra các tổn thương da và niêm mạc.

benh tay chan mieng va nhung dieu can biet
Nổi bóng nước lòng bàn tay bàn chân là triệu chứng điển hình của bệnh tay chân miệng. Ảnh: L.P.

Triệu chứng

- Sốt là triệu chứng thấy rõ nhất ở bệnh tay chân miệng. Thường trẻ sốt nhẹ ở 37,5-38oC hoặc sốt cao 38-39oC.

- Loét miệng do các bóng nước đường kính 2-3 mm trên niêm mạc miệng vỡ ra tạo thành những vết loét, làm cho trẻ rất đau khi ăn và tăng tiết nước bọt.

- Bóng nước xuất hiện trên lòng bàn tay, lòng bàn chân, niêm mạc miệng, đầu gối, mông, ấn vào không đau.

- Một số trường hợp bóng nước xuất hiện rất ít xen kẽ với những hồng ban; hoặc không có bóng nước mà chỉ hồng ban đơn thuần, hay chỉ loét miệng đơn thuần.

- Triệu chứng báo hiệu bệnh nặng: Sốt cao không giảm, nôn ói nhiều, tay chân run, dáng đi loạng choạng, thở nhanh, khi ngủ hay bị giật mình.

Bố mẹ nên nhận biết các dấu hiệu trên ở trẻ để cho nhập viện ngay.

Dinh dưỡng

Trẻ mắc bệnh tay chân miệng thường rất biếng ăn, hay không ăn uống được do các vết loét bên trong niêm mạc miệng gây rất đau đớn. Ngoài ra bé còn bị sốt cao, nôn ói… nên rất mệt mỏi và khó chịu, quấy khóc. Bố mẹ nên cho trẻ ăn những món kích thích ngon miệng như rau có tính mát, chứa nhiều vitamin, chẳng hạn rau dền đỏ, mồng tơi… Thức ăn nên được xay thật nhỏ, mềm và chia nhiều bữa nhỏ trong ngày để dễ hấp thu.

Cho trẻ ăn thực phẩm giàu kẽm để tăng sự ngon miệng, tăng sức đề kháng, mau lành các vết loét trong miệng, bảo vệ vị giác... Các món thích hợp gồm sò, củ cải, đậu hà lan, đậu nành, lòng đỏ trứng gà, thịt cừu, thịt heo nạc....

Cho trẻ dùng thực phẩm nhiều nước, mát và vitamin C như nước ép cam, quýt, cà chua, ổi, bưởi… Uống bổ sung vitamin và khoáng chất theo hướng dẫn của bác sĩ.

Tránh thức ăn cay, nóng, cứng. Tránh dùng các loại thìa muỗng cứng, sắc cạnh đút thức ăn cho trẻ vì sẽ đụng đến các vết loét trong miệng, khiến trẻ đau, sợ hãi, bỏ ăn uống.

Đối với bé còn bú mẹ thì cho bú như bình thường, có thể tăng số lần lên vì mỗi lần trẻ bú không được nhiều như lúc còn khỏe. Khi trẻ giảm bệnh (khoảng 4-5 ngày sau khi phát bệnh) và hết các vết loét trong miệng thì cần khuyến khích, động viên bé ăn uống bình thường trở lại, không kiêng khem để phòng tránh suy dinh dưỡng. Ăn xong nên cho bé súc miệng thật sạch và nhịn hoàn toàn trong 3-4 giờ sau mới cho ăn uống trở lại.

Phòng bệnh

Hiện nay chưa có văcxin để phòng bệnh tay chân miệng. Vì vậy cha mẹ nên lưu ý những điều sau để tránh cho trẻ khỏi mắc bệnh:

- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng dưới vòi nước chảy, nhất là trước và sau khi nấu ăn, trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Rửa tay sau mỗi lần vệ sinh cho trẻ.

- Rửa sạch các dụng cụ, vật dụng, đồ chơi, sàn nhà bằng nước và xà phòng rồi khử trùng bằng Chloramin B 5%.

- Hạn chế thói quen trẻ ngậm mút tay. Không cho trẻ nhỏ ngậm vú giả. Luôn cắt móng tay và móng chân cho trẻ sạch sẽ, kể cả người lớn.

Bác sĩ Ngô Văn Tuấn

benh tay chan mieng va nhung dieu can biet Tại sao bệnh tay chân miệng tăng cao mùa tựu trường?

Theo các chuyên gia y tế, trong môi trường sinh hoạt ở trường học, chỉ cần một trẻ bị bệnh tay chân miệng, những trẻ ...

benh tay chan mieng va nhung dieu can biet Bệnh tay chân miệng vào mùa, đe dọa trẻ em!

Tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm do virus đường ruột gây ra và thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi ( rất ít thấy ...

/ VnExpress