- Khối Tây Phi ấn định ngày can thiệp quân sự vào Niger
- Phương Tây xét lại cách tiếp cận khu vực Sahel sau binh biến ở Niger
- Vì sao người Niger ủng hộ đảo chính?
Mới đây, cuộc hội đàm đầu tiên tại Thủ đô Niamey (Niger) giữa phái đoàn Cộng đồng Kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOW_AS) và chính quyền quân sự Niger, đã kết thúc mà không đạt được bất kỳ tiến triển nào.
Trước đó, cuộc gặp này được dư luận quốc tế và giới quan sát đánh giá là nỗ lực ngoại giao đáng mong đợi nhất kể từ khi Niger xảy ra binh biến. Hiện tại, việc mỗi bên đều từ chối đáp ứng yêu cầu của bên còn lại đã khiến đàm phán rơi vào bế tắc, làm gia tăng nguy cơ nổ ra xung đột vũ trang tại quốc gia Tây Phi này.
APngày 21/8 dẫn thông báo của ECOWAS cho hay: “Phái đoàn ECOWAS do cựu Tổng thống Nigeria Abdulsalami Abubakar làm trưởng đoàn, đã rời Niamey về Abuja (Nigeria) hôm 20/8 (giờ địa phương), sau khi không đạt thỏa thuận trong cuộc đàm phán đầu tiên với hội đồng quân sự Niger. Hội đồng này bác bỏ yêu cầu của phía ECOWAS về việc trả tự do ngay lập tức và khôi phục đầy đủ quyền lực cho Tổng thống bị lật đổ Mohamed Bazoum”.
Trong cuộc gặp kéo dài 2 giờ, theo AP, phía chính quyền quân sự Niger cũng yêu cầu các nước Tây Phi công nhận Hội đồng Quốc gia bảo vệ Tổ quốc và chính phủ mới mà phe đảo chính lập ra, đồng thời dỡ bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt áp đặt nhằm vào Niger liên quan đến cuộc khủng hoảng hiện nay. Nhưng phía ECOWAS cũng từ chối đáp ứng yêu cầu trên. Không những vậy, ECOWAS còn thẳng thừng bác bỏ khung thời gian 3 năm để đưa quốc gia này quay lại chế độ dân sự mà người đứng đầu chính quyền quân sự Niger Abdourahamane Tchiani đưa ra.
Được biết, phía ECOWAS đã gặp Tổng thống Niger bị phế truất Mohamed Bazoum sau cuộc đàm phán. Giới quan sát nhận định, cuộc tiếp xúc đầu tiên giữa ECOWAS và phe đảo chính quân sự tại Niger thất bại đã phủ bóng đen lên tình hình căng thẳng tại Niger, khiến cộng đồng quốc tế lo ngại về nguy cơ can thiệp quân sự của khối ECOWAS vào nước này trong tương lai gần.
Ngay sau cuộc gặp tại Niamey, tướng Abdourahamane Tchianira tuyên bố cho biết, lập trường của phe đảo chính không phải là nắm quyền và sẵn sàng tham gia vào các cuộc đối thoại miễn là có lợi cho người dân Niger, nhưng sẽ tự bảo vệ mình trước bất cứ sự can thiệp nào của nước ngoài. Hiện, chính quyền quân sự ở Niger vẫn giam giữ Tổng thống Bazoum và dự định truy tố ông vì tội “phản quốc”.
Trước đó, tại cuộc họp của giới tướng lĩnh ECOWAS hôm 18/8, ông Abdel-Fatau Musah, Ủy viên phụ trách các vấn đề chính trị, hòa bình và an ninh ECOWAS cho hay, thời điểm can thiệp quân sự vào Niger đã được thông qua. Ông Abdel_Fatau Musah khẳng định: “Chúng tôi đã thống nhất và điều chỉnh những gì cần thiết cho việc can thiệp như năng lực, mục tiêu, thiết bị cần thiết. Tất cả các quốc gia thành viên của ECOWAS có mặt tại cuộc họp đều cam kết đồng lòng. Vì vậy, tôi có thể khẳng định, chúng tôi sẵn sàng hành động, bất cứ khi nào có lệnh”.
Tuy nhiên, quan chức này cũng nhấn mạnh, các phái đoàn hòa giải vẫn sẵn sàng, cánh cửa cho hòa bình dù chông gai nhưng vẫn chưa bị đóng lại và giải pháp quân sự sẽ là lựa chọn cuối cùng của khối. Theo các chuyên gia quân sự, trong bối cảnh hiện nay, bất cứ động thái mất kiểm soát nào giữa các bên cũng sẽ dẫn đến hậu quả khó lường. Việc sử dụng vũ lực sẽ gây bất ổn hơn nữa cho khu vực Sahel nghèo khó của Tây Phi, nơi cuộc chiến kéo dài với các nhóm vũ trang có liên kết với khủng bố Al Qaeda và Tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người trong những năm qua. Hiện tại, Liên hợp quốc và cộng đồng quốc tế đều kêu gọi các bên kiềm chế để hướng tới các cuộc đàm phán tiếp theo.
Nhà nghiên cứu Andrew Lebovich tại Viện Clingendael (Hà Lan) đánh giá: “Các nhóm phiến quân sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ việc quân đội bị suy yếu do cuộc đảo chính. Niger phải tiếp tục là một quốc gia dân chủ, bởi nước này đóng vai trò quan trọng đối với an ninh của toàn châu Phi và thế giới. Vì lẽ đó, ECOWAS có rất ít lựa chọn tối ưu, đặc biệt khi chính quyền quân sự của Niger dường như không sẵn sàng nhượng bộ trước áp lực bên ngoài vào thời điểm hiện nay”.
Theo ông Lebovich, can thiệp quân sự có thể phản tác dụng và gây tổn hại cho ECOWAS theo nhiều cách, trong khi việc không đạt được nhượng bộ lớn từ chính quyền quân sự Niger có thể làm suy yếu ECOWAS về mặt chính trị. Trước đó, quyền Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cũng đã tới Niger để đàm phán với tướng tướng Moussa Salaou Barmou - một trong những lãnh đạo chính quyền quân sự tại Niger. Tuy nhiên, tình hình không có dấu hiệu tiến triển khi bà thừa nhận rằng các cuộc thương lượng này “vô cùng khó khăn”.
Trong một diễn biến có liên quan, Bộ Ngoại giao Mỹ mới đây thông báo, bà Kathleen FitzGibbon - đại sứ mới của Mỹ tại Niger sẽ tới Niamey và bắt đầu làm việc trong tuần này, chấm dứt hơn 1,5 năm Washington bỏ trống vị trí nêu trên.
Theo Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Vedant Patel, bà Kathleen FitzGibbon không có kế hoạch trình thư ủy nhiệm lên chính quyền quân sự tại Niger. Ông Vedant Patel nhấn mạnh, tân Đại sứ Kathleen FitzGibbon “sẽ đến đó để chỉ đạo công tác trong một thời điểm quan trọng, đồng thời hỗ trợ cộng đồng người Mỹ và phối hợp các nỗ lực của chính phủ Mỹ”.
Người Phát ngôn nêu rõ, sự xuất hiện của bà FitzGibbon không phản ánh sự thay đổi trong lập trường của Mỹ với tình hình tại Niger, đồng thời khẳng định Washington duy trì ủng hộ giải pháp ngoại giao tôn trọng trật tự hiến pháp ở quốc gia châu Phi này.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/be-tac-no-luc-ngoai-giao-giai-quyet-van-de-niger-i704547/