Có cần tổ chức thi THPT quốc gia với mục tiêu chính là xét tốt nghiệp khi tỷ lệ đạt gần 100% là câu hỏi được nhiều chuyên gia thảo luận.
Kỳ thi THPT quốc gia áp dụng từ năm 2015 với hai mục tiêu xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh đại học, cao đẳng. Thay vì phải thi nhiều lần, ở nhiều địa điểm, thí sinh dự thi ở các cụm (năm 2015-2016) hoặc ngay tại địa phương (năm 2017-2018) và chỉ kéo dài tối đa ba ngày.
Kỳ thi năm 2018 khiến dư luận bất bình vì bê bối gian lận điểm thi tại Hà Giang, Sơn La. Nhiều địa phương cũng bị nghi ngờ với số điểm cao bất thường khiến Bộ Giáo dục và Đào tạo phải lập các tổ công tác đi xác minh.
Ngày 30/7, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đã chủ trì cuộc trao đổi với 26 chuyên gia, người quan tâm đến giáo dục để góp ý một số vấn đề, trọng tâm là kỳ thi THPT quốc gia. Các đại biểu đã đánh giá, tranh luận nhiều vấn đề của kỳ thi.
Có nên bỏ thi tốt nghiệp THPT?
Theo Bộ Giáo dục, tỷ lệ tốt nghiệp THPT toàn quốc năm 2018 đạt 97,57% (trên tổng số hơn 879.700 thí sinh dự thi lấy kết quả xét công nhận tốt nghiệp). Trong đó, giáo dục THPT đạt 98,36%, giáo dục thường xuyên đạt 88,37%.
Với kỳ thi THPT quốc gia chỉ để loại bỏ hơn 2% học sinh không đủ điều kiện tốt nghiệp, có ý kiến cho rằng nên bỏ thi tốt nghiệp, chỉ cần tổ chức một kỳ thi quốc gia để tuyển sinh đại học.
Thí sinh làm thủ tục dự thi tại điểm thi THCS Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình, TP HCM).
Ảnh: Quỳnh Trần
Ý kiến này vấp phải sự phản đối bởi dù điểm thi THPT quốc gia thấp hơn nhiều so với tỷ lệ tốt nghiệp, đây vẫn là căn cứ để đánh giá chất lượng dạy và học. Với tình trạng bệnh thành tích, cục bộ hiện nay, học sinh dù không cố gắng học vẫn có điểm, học bạ đẹp để tốt nghiệp.
Mặt khác, theo quy định tại Luật Giáo dục (Điều 31), học sinh phải thi THPT mới đủ điều kiện xét cấp bằng tốt nghiệp.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ tháng 7, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết khi xây dựng phương án thi, vấn đề bỏ thi tốt nghiệp THPT đã được đặt ra. Tuy nhiên, việc này không thực hiện được vì trái Luật Giáo dục. Hơn nữa, nếu bỏ thi thì học sinh sẽ không học, chất lượng giáo dục sẽ đi xuống, kết quả học tập của học sinh sẽ không được quốc tế công nhận.
Xét tốt nghiệp theo tiêu chí nào?
Theo quy định, điểm xét tốt nghiệp gồm: điểm các bài thi THPT quốc gia, điểm ưu tiên, khuyến khích (nếu có) và điểm trung bình cả năm lớp 12, cộng tất cả chia 2. Điểm thi THPT quốc gia chỉ có giá trị một nửa trong điểm xét tốt nghiệp. Thế nên dù điểm thi năm 2018 của thí sinh thấp, tỷ lệ tốt nghiệp vẫn trên 97%.
Trước nghịch lý này, có người đề xuất không nên duy trì tỷ lệ tốt nghiệp THPT cao hơn điểm thi quốc gia vì vừa ảnh hưởng tới tầm quan trọng, ý nghĩa kỳ thi (chưa thi đã biết đỗ), vừa ảnh hưởng tới định hướng phân luồng sau THCS.
Trái ngược với quan điểm trên, có đại biểu cho rằng không thể chỉ lấy điểm thi THPT quốc gia là tiêu chí chính để xét tốt nghiệp. Vì học là cả quá trình và trong quá trình học cũng có nhiều bài thi, kiểm tra.
Dung hòa hai luồng ý kiến trên, nhiều chuyên gia cho rằng kết quả thi THPT quốc gia hoàn toàn có thể là căn cứ chủ yếu để xét tốt nghiệp, vì nếu đề thi dễ tỷ lệ đạt tốt nghiệp sẽ cao và ngược lại. Tuy nhiên, vẫn cần có tỷ trọng xét điểm học bạ phù hợp để vừa hạn chế tình trạng điểm học bạ "thành tích, cục bộ", vừa hạn chế rủi ro "học tài thi phận".
Ai tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT?
Gọi kỳ thi hiện nay là “2 trong 1”, theo một đại biểu là không chính xác, dẫn tới méo mó. Thực tế đây là kỳ thi tốt nghiệp THPT với mục tiêu chính là đánh giá đạt chuẩn chứ không phải là xếp hạng, thi tuyển.
Do vậy, cần siết kỷ cương để địa phương thực hiện nghiêm, không nên để các trường đại học tham gia vì dễ dẫn tới hiểu lầm là kỳ thi tuyển sinh đại học. Các trường đại học cũng có thể vì thế mà đặt ra quá nhiều yêu cầu về tổ hợp và độ phân hóa điểm thi. Những sai phạm ở Hà Giang, Sơn La nằm ở khâu chấm thi, được thực hiện ở địa phương.
Để hạn chế sự lộng hành của những người trực tiếp tham gia quá trình chấm thi như ông Vũ Trọng Lương (Hà Giang), nhiều người đề xuất không giao địa phương mà Bộ phải chủ trì để đảm bảo khách quan, công bằng.
Chuyên gia khác góp ý Bộ Giáo dục không nên và không thể ôm đồm, giao địa phương chủ trì là hợp lý. Để phát huy hiệu quả, đại học phải tăng cường trách nhiệm giám sát; khâu chấm thi nên tập trung về Bộ, ít nhất là với bài thi trắc nghiệm.