Các lãnh đạo thế giới đối mặt lựa chọn khó khăn khi Tổng thống Trump đang thua đối thủ về tỉ lệ tín nhiệm trong các cuộc thăm dò dư luận trước tổng tuyển cử Mỹ.
Cái khó của các lãnh đạo thế giới hiện nay là phải quyết định liệu nên chờ xem ông Trump có thất bại trước ông Biden hay không, hay là tìm cách đạt các thỏa thuận ngay bây giờ để tránh phải đàm phán với Tổng thống Trump khó khăn hơn ở nhiệm kỳ hai.
Tổng thống Donald Trump đang tạm thua đối thủ về tỉ lệ tín nhiệm của cử tri. Ảnh: Politico |
Bản thân ông Trump đã đề cập tới giải pháp cho tình thế "tiến thoái lưỡng nan" đó trong một thông điệp trên Twitter mừng tù nhân Mỹ Michael White được Iran phóng thích hồi đầu tháng 6 này. Lãnh đạo Nhà Trắng viết: "Đừng chờ cho đến sau bầu cử Mỹ để đạt thỏa thuận lớn. Tôi sẽ thắng cử. Các bạn hiện sẽ có thỏa thuận tốt hơn".
Một nguồn thạo tin chia sẻ với hãng thông tấn Bloomberg rằng, chính quyền Trump từng đưa ra những cảnh báo tương tự khi thúc ép Tổ chức Y tế thế giới (WHO) phải có các cải cách giữa đại dịch để khôi phục các nguồn tài trợ từ Mỹ. Cụ thể, Washington đòi WHO phải cam kết cải thiện sự minh bạch và chấm dứt thiên vị Trung Quốc, nếu tổ chức này không muốn thực hiện các nhượng bộ đau đớn hơn trong trường hợp ông Trump tái đắc cử.
Thủ tướng Đức Angela Merkel có thể đã nếm trải những rủi ro khi lạnh nhạt với Nhà Trắng. Vài ngày sau khi bà từ chối lời mời của Tổng thống Mỹ tới dự hội nghị thượng đỉnh G7 mà ông Trump muốn tổ chức ở bên ngoài thủ đô Washington trong tháng này, Washington đã công bố kế hoạch rút 1/4 quân đồn trú ở Đức.
Ông Trump cho hay, quyết định trên bắt nguồn từ việc Đức vẫn không thực hiện đúng cam kết với tư cách thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là dành 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) cho quốc phòng vào năm 2024. Trong khi đó, bà Merkel giải thích, bản thân từ chối đến Mỹ dự họp vì nhận thấy trong bối cảnh đại dịch hiện nay còn quá sớm cho hội nghị thượng đỉnh trực tiếp như ông Trump đề xuất.
Vào thời điểm hiện tại, các quốc gia dường như đang trì hoãn thỏa thuận với chính quyền Trump hoặc từ chối thay đổi kế hoạch hành động của họ, phòng trường hợp ông Biden sẽ thắng cử và làm dịu đi lập trường của Mỹ. Ví dụ, Hàn Quốc vẫn nhất quyết chống lại yêu cầu của Washington về việc phải trả thêm tiền để duy trì 28.000 lính Mỹ đồn trú trên bán đảo Triều Tiên. Một số nước châu Âu cũng tuyên bố sẽ tiếp tục kế hoạch đánh thuế các hãng công nghệ bất chấp đe dọa trả đũa bằng thuế quan của Mỹ.
Nút tạm dừng
John Chipman, Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế có trụ sở ở London, Anh nhận định, nhiều quốc gia ở châu Âu và châu Á sẽ "ẩn mình sau đại dịch và nhấn nút tạm dừng" trong quan hệ với Mỹ, viện dẫn lí do bối cảnh hiện tại quá khó để làm điều gì đó như bình thường. Trong khi, đại dịch hiện khó có khả năng thực sự suy yếu trước tháng 10, thời điểm cận kề ngày tổng tuyển cử quốc gia Mỹ.
Phản ứng của chính quyền Trump trước tình hình dịch bệnh trong nước, cũng như làn sóng biểu tình chống phân biệt chủng tộc lan rộng khắp toàn quốc gần đây có thể khiến các chính phủ nước ngoài chọn cách chờ đợi. Cả Bộ trưởng Quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân của ông Trump trong tháng này đều đưa ra các cam kết bảo vệ Hiến pháp Mỹ, ám chỉ việc họ không tán thành các ý tưởng của tổng thống về việc viện dẫn quyền kiểm soát liên bang để áp đặt trật tự bằng vũ lực.
Màn thể hiện hiếm hoi về sự bất đồng công khai giữa Tổng thống Mỹ với các lực lượng vũ trang trong nước càng đậm nét khi các cựu lãnh đạo quân đội, kể cả Jim Mattis, cựu Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên trong chính quyền Trump, lên án ông chủ Nhà Trắng trực tiếp hơn. Các phát biểu của ông Mattis đã gây tiếng vang đặc biệt ở nước ngoài. Cho đến tận khi từ chức năm 2019, ông Mattis đã đi khắp nơi để thuyết phục các đồng minh rằng các cơ quan Mỹ đã đủ mạnh để kháng cự Tổng thống Trump.
Theo các quan chức đương nhiệm và cả những người từng tham gia chính quyền Trump, Trung Quốc có thể cũng đang áp dụng chiến lược "chờ xem". Giới lãnh đạo Bắc Kinh được tin đã tính toán rằng, nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump sẽ có lợi cho Trung Quốc, chủ yếu vì những tổn hại ông gây ra cho các liên minh của Mỹ với những nước phương Tây khác.
Ngoài ra, ông Trump cũng không che giấu mong muốn tìm kiếm sự ủng hộ chính trị từ bên ngoài, theo cuốn hồi ký sắp xuất bản của cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton. Ông Bolton viết rằng, Tổng thống Trump hồi năm ngoái đã yêu cầu Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình mua thêm nông sản Mỹ để giúp ông giành được phiếu bầu của cử tri tại những bang chiến địa trong cuộc đua tái cử năm nay.
Các chính phủ phương Tây đã bày tỏ lo ngại về việc ông Trump ưu tiên cho các liên minh kiểu giao dịch đánh đổi thay vì dựa vào các giá trị. Ví dụ, Anh và Canada tìm cách ngăn cản ông Trump triển khai kế hoạch mời Tổng thống Nga Vladimir Putin tới dự họp thượng đỉnh G7. Nhóm các nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới này đã trục xuất Nga năm 2014 để phản đối việc Moscow sáp nhập Crưm.
Thế kẹt
Brett McGurk, cựu đặc phái viên Mỹ tại liên minh chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng cho rằng, dưới thời Tổng thống Trump "những cái bắt tay của Mỹ đã bị hạ thấp giá trị" trong khi các giá trị Mỹ cũng bị hủy hoại, dẫn đến sự cạn kiệt dần dần "quyền lực mềm" của Washington trước mắt thế giới.
Trong vài tháng trở lại, các quan chức trong chính quyền Trump bị cáo buộc đang theo đuổi chính sách Iran theo hướng gây khó khăn hơn cho mọi bên tham gia ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 có thể hồi sinh thỏa thuận này trong trường hợp ông Biden đắc cử ghế lãnh đạo Nhà Trắng.
Trong khi đó, ông Trump tìm cách củng cố quan hệ với những nước tỏ ra hoài nghi về Liên minh châu Âu (EU) như Chính phủ của Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda, người đã đến thăm Washington trong tuần này. Richard Grenell, đặc phái viên Mỹ về vùng Balkan cũng dàn xếp một cuộc họp của các lãnh đạo Serbia và Kosovo ở Washington, gạt ra bên lề EU dù liên minh lâu nay vẫn nỗ lực làm trung gian hòa giải cho hai bên.
Tuy nhiên, không phải mọi đối tác của Mỹ đều do dự trong việc hợp tác với chính quyền Trump. Australia đã nhanh chóng chấp nhập lời mời của ông Trump tham dự hội nghị thượng đỉnh G7. Canberra cùng Chính phủ Nhật đã lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ quan điểm của ông Trump về việc kiềm chế Trung Quốc, các trọng tâm chương trình nghị sự của ông tại sự kiện cũng như việc ông muốn mời Nga dự họp.
Theo một nhà ngoại giao châu Âu ở Washington, Chính phủ Mỹ trong bất kỳ trường hợp nào cũng quá mạnh và không thể phớt lờ hoàn toàn. Nhiều chính phủ đã có được bài học xương máu khi đánh cược vào cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton - đối thủ của ông Trump trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng năm 2016 khi cho rằng bà sẽ chiến thắng, dựa vào thăm dò dư luận trước bỏ phiếu.
Các chính phủ hiện có thể đi tới kết luận rằng, chính sách của Mỹ không ngừng xoay chuyển và các đồng minh cần giảm phụ thuộc vào Washington dù ứng cử viên nào chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử vào tháng 11 tới đây.
Sự khó đoán định trong chính sách của Mỹ được phơi bày đầy đủ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 toàn cầu. Mỹ đã không cảnh báo các nước khác về quyết định cắt tài trợ cho WHO. Ông Trump cũng không báo trước cho Anh khi quyết định tước bỏ một số đặc quyền thương mại của Hong Kong. Đây chỉ là các sự cố mới nhất trong hàng loạt động thái kể từ khi ông Trump lên nắm quyền nhằm từ bỏ hoặc chấm dứt việc Mỹ tham gia vào các tổ chức hoặc hiệp ước quốc tế.
Theo Mira Rapp-Hooper, một nhà nghiên cứu châu Á tại Hội đồng Đối ngoại (CFR) ở New York và là tác giả cuốn "Các lá chắn của nền Cộng hòa: Những thắng lợi và hiểm họa đối với Liên minh của Mỹ", mạng lưới đồng minh của Mỹ, vốn dựa trên nền tảng cam kết quốc phòng với 34 nước, chưa thể sụp đổ. Tuy nhiên, sự lạc quan đó có thể dần biến mất trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump. Rapp-Hooper cũng hoài nghi việc Mỹ khi đó có thể thay thế các liên minh thời hậu chiến bằng một mạng lưới quan hệ quốc tế mới, cùng chung mục đích và lợi ích hơn.