Bất ổn chính trị phủ màu ảm đạm lên hai nửa Á-Âu

Chỉ trong vòng chưa đầy 24 tiếng, hai nền kinh tế lớn của châu Á và châu Âu đều rơi vào tình trạng bất ổn chính trị chưa từng có. Tại Hàn Quốc, Tổng thống đối diện nguy cơ luận tội sau lệnh thiết quân luật chớp nhoáng. Tại Pháp, chính phủ sụp đổ sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng. Diễn biến bất ổn của hai quốc gia có thể tác động trực diện tới kinh tế toàn cầu.

Khủng hoảng chính trị chưa từng có tại xứ Kim chi

Lệnh thiết quân luật được đưa ra bất ngờ trên truyền hình vào tối 3/12 của Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã đẩy nước này vào cuộc khủng hoảng chính trị lớn nhất trong nhiều thập kỷ. Theo Yonhap, ngày 5/12, cảnh sát Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra cáo buộc Tổng thống Yoon Suk-yeol phạm tội phản quốc khi ban bố thiết quân luật. Cùng ngày, đảng Dân chủ (DP) đối lập chính ở Hàn Quốc cho biết đang thúc đẩy việc bỏ phiếu luận tội Tổng thống.

Theo đó, DP và 5 đảng khác đã đệ trình việc luận tội Tổng thống Yoon Suk-yeol với lập luận rằng tuyên bố thiết quân luật của ông cấu thành hành vi vi phạm Hiến pháp và các luật khác. Đề xuất luận tội trên do 191 nhà lập pháp đối lập đưa ra. Phe đối lập đã báo cáo quốc hội trong phiên họp toàn thể sáng 5/12.

Theo luật, việc luận tội phải được đưa ra bỏ phiếu trong vòng 72 giờ sau khi được báo cáo và cần phải có đa số 2/3 nghị sĩ thông qua. Hiện nay, Quốc hội Hàn Quốc có 300 ghế, do đó để được thông qua cần có thêm ít nhất 8 nhà lập pháp của đảng Quyền lực Nhân dân (PPP) cầm quyền đồng ý luận tội.

Bất ổn chính trị phủ màu ảm đạm lên hai nửa Á-Âu -0
Quốc hội Pháp bỏ phiếu thông qua việc bãi nhiệm Thủ tướng Michel Barnier. Ảnh: Reuters

Đối diện những động thái mới từ phe đối lập, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol cho biết "không có hành vi sai trái" nào trong việc ban bố thiết quân luật, đồng thời nhấn mạnh rằng động thái này chỉ nhằm mục đích ngăn chặn những gì ông mô tả là "hành động luận tội liều lĩnh" của đảng đối lập. Về phía đảng PPP cầm quyền, ngày 5/12, lãnh đạo của đảng này Han Dong-hoon cam kết sẽ tập hợp các nỗ lực để ngăn chặn việc luận tội và bãi nhiệm Tổng thống đương nhiệm Yoon Suk-yeol. Tuy nhiên, chính đảng này cũng đang gặp mâu thuẫn về việc có nên để ông Yoon rời đảng.

Với những gì đang diễn ra, có thể thấy Tổng thống Yoon Suk-yeol đang đối mặt với áp lực rất lớn và phải đứng trước hai lựa chọn nghiệt ngã: Hoặc phải từ chức, hoặc đối mặt với luận tội và sau đó bị phế truất. Việc đối diện và xử trí với bài toán hóc búa này, trong bối cảnh một loạt trợ lý cấp cao và quan chức trong nội các từ chức, sẽ là thách thức lớn của ông Yoon.

Hệ lụy nhãn tiền của một chính phủ sụp đổ 

Tại châu Âu, tối 4/12 (giờ địa phương), các nghị sỹ Quốc hội Pháp đã tiến hành một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm, buộc Thủ tướng Michel Barnier phải từ chức và khiến chính phủ của ông sụp đổ. Với 331 nghị sỹ bỏ phiếu ủng hộ, ông Barnier sẽ mất chức Thủ tướng sau chỉ ba tháng cầm quyền, và cũng biến ông trở thành thủ tướng Pháp đầu tiên bị buộc phải từ chức bởi một cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm kể từ năm 1962.

Việc ông Barnier mất ghế xuất phát từ nỗ lực "vượt mặt" quốc hội trong việc thông qua dự luật ngân sách chính phủ năm 2025, dẫn đến sự không đồng thuận của đông đảo nghị sĩ. Sự ra đi của ông Barnier và sự tan rã của nội các khiến chính phủ Pháp lâm vào thế bế tắc, khi mọi hoạt động lập pháp phải tạm dừng cho đến khi Tổng thống Macron bổ nhiệm được một thủ tướng mới. Tình hình rối ren hiện tại khiến Pháp đối mặt nguy cơ kết thúc năm 2024 mà không có một chính phủ ổn định hay ngân sách cho năm 2025, mặc dù hiến pháp cho phép áp dụng các biện pháp đặc biệt để tránh tình trạng chính phủ đóng cửa như ở Mỹ.

Hơn nữa, cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm của Pháp đã hằn sâu thêm khủng khoảng và những khó khăn về tài chính mà nước này phải đối mặt, trong đó bao gồm việc đồng euro lao dốc. Chuyên gia nhận định thị trường đang bước vào một giai đoạn bất ổn kéo dài liên quan đến chính trị Pháp. Điều này có thể được coi là một trở ngại đối với đồng euro. Mặc dù kết quả cuộc bỏ phiếu đã được dự đoán trước, nhưng nó đã đặt nước Pháp vào thế khó và cản trở những nỗ lực kiềm chế thâm hụt ngân sách.

Quan trọng hơn, khủng hoảng chính trị của Pháp có khả năng góp phần làm suy yếu EU vốn đã lao đao bởi sự tan rã của chính phủ liên minh ở Đức. Điều này cũng đe dọa gây áp lực lên đồng tiền chung châu Âu ngay khi thị trường dự đoán sẽ có đợt nới lỏng tiền tệ hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế của khối. Là một trong những nền kinh tế lớn nhất Liên minh châu Âu (EU), sự sụp đổ của chính phủ Pháp có thể ảnh hưởng đến sự ổn định kinh tế và chính trị của toàn khu vực. 

Trong khi đó, tại Hàn Quốc, nhiều đại sứ quán các nước tại Seoul hôm qua đã ban hành khuyến cáo với công dân thực hiện các biện pháp phòng ngừa an toàn cần thiết và những hậu quả có thể xảy ra từ các sự cố. Trước thực tế trên Bộ Ngoại giao Hàn Quốc đã ngay lập tức có thông báo gửi tới các phái đoàn ngoại giao tại Seoul, nêu rõ Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhận thức được những lo ngại hiện có liên quan đến những diễn biến gần đây, tuy nhiên tiến trình dân chủ được quy định theo Hiến pháp Hàn Quốc vẫn được đảm bảo. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc mong muốn các phái đoàn ngoại giao thông tin về trong nước, tránh áp dụng những biện pháp quá mức tác động đến hoạt động khác.

Trong động thái mới nhất, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đã xin lỗi người dân về lệnh thiết quân luật được ban bố đêm 3/12. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Jeon Ha-gyu cho biết, quân đội xin lỗi vì đã gây ra lo ngại cho người dân với lệnh thiết quân luật khẩn cấp. Quân đội luôn duy trì tư thế phòng thủ vững chắc, sẽ tập trung vào nhiệm vụ chính của mình là bảo vệ an ninh quốc gia và tính mạng của người dân. Mặc dù vậy, sự lo ngại vẫn còn đó, khi bất ổn chính trị bắt đầu từ chính những người đứng đầu nội các Hàn Quốc và Pháp - hai nền kinh tế hàng đầu của châu Á và châu Âu. Quốc tế sẽ đặc biệt theo dõi những diễn tiến sắp tới để kiểm soát tác động không lan rộng hơn.

https://cand.com.vn/the-gioi-24h/bat-on-chinh-tri-phu-mau-am-dam-len-hai-nua-a-au-i752441/

Bảo Hân / CAND