Sau một thời gian tăng giá chóng mặt nhưng 2 lần bị “tấn công” bởi COVID-19, thị trường bất động sản Đà Nẵng rớt giá thê thảm và hiện đang nằm "đáy".
Thất nghiệp, nhiều nhân viên bất động sản phải chạy shipper, tìm nghề khác mưu sinh chờ ngày thị trường hồi sinh.
Nhân viên bất động sản làm shipper
Sau COVID-19 lần thứ 2, tại Đà Nẵng, tuy bất động sản (BĐS) rớt giá mạnh nhưng sức giao dịch vẫn rất yếu, hàng loạt nhân viên các sàn giao dịch “ngồi chơi xơi nước”, nhiều người chuyển sang làm shipper để kiếm thêm thu nhập.
Thời thị trường BĐS Đà Nẵng sôi sục (năm 2018 và đầu năm 2019), Hải (nhân viên một sàn bất động sản ở Đà Nẵng) luôn “cháy” điện thoại vì khách gọi giao dịch liên tục.
Thời sốt đất, các ki ốt bất động sản ở Đà Nẵng mọc lên như nấm sau mưa nhưng giờ vắng lặng. |
Công việc của Hải là nhận rao bán đất, dẫn khách đi xem đất, hỗ trợ giao dịch để hưởng hoa hồng. Trong năm 2018, Hải giao dịch được hơn 60 lô đất các loại ở nhiều vị trí đắc địa tại Đà Nẵng. Nửa đầu năm 2019, Hải tiếp tục giao dịch được 40 lô đất, với mức hoa hồng hàng chục triệu đồng/lô.
Vậy nhưng từ giữa năm 2019 trở đi, khi giá đất tại Đà Nẵng được coi là chạm đỉnh, Hải chỉ môi giới bán được 2 lô trong 6 tháng. Kể từ sau Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, 2 đợt dịch COVID-19 tại Đà Nẵng và nhiều tỉnh, thành phố khác khiến thị trường BĐS gần như đóng băng.
“Năm nay em sống bằng số tiền kiếm được của năm trước anh ạ. Đã 9 tháng qua em chưa một lần dẫn khách đi xem đất huống hồ là một cuộc giao dịch”, Hải buồn rầu.
Hải cho biết, thời “hoàng kim” của thị trường BĐS Đà Nẵng, chuyện giao dịch những lô đất tại 3-4 tỷ đồng là bình thường. Thế nhưng hiện tại, giá đất rớt mạnh nhưng không có người mua.
“Giá giảm mạnh nhưng sức mua gần như không có. Nhân viên giao dịch như bọn em giờ thất nghiệp, người chuyển sang bán hàng online, người tạm thời chạy ship hàng ăn kiếm sống như em”, Hải cho biết.
Nguyễn Minh Thảo, nhân viên một công ty bất động sản có tiếng ở Đà Nẵng giờ cũng đang thất nghiệp, phụ mẹ bán hàng ở chợ vì thị trường BĐS gần như không có giao dịch.
“4 năm theo nghề, chưa bao giờ em thấy cảnh bi đát của thị trường BĐS như bây giờ. Từ đầu năm đến giờ em không thực hiện được hợp đồng nào. Có vài người hỏi, xem đất rồi lại thôi. Em phụ mẹ dọn và bán hàng ở chợ, thỉnh thoảng đi giao hàng cho khách, chờ thị trường hoạt động trở lại”, Thảo cho biết.
Theo ghi nhận, tại các dự án BĐS một thời được quảng cáo với những tiện ích như “thiên đường”, giờ đang trong tình trạng ảm đạm chưa từng có. Các ki ốt đóng cửa then cài suốt nhiều tháng nay vẫn chưa mở cửa hoạt động trở lại.
Nhiều chuyên gia cho rằng, cơn sốt đất trước đây khiến giá đất tăng gấp đôi, thậm chí nhiều hơn do cơ chế đầu tư lướt sóng. Giá đất đã chạm ngưỡng cũng như bong bóng căng hết mức, ép quá sẽ vỡ. Cùng với sự xuất hiện của COVID-19, đất tại Đà Nẵng rớt giá là điều tất yếu.
Thị trường bất động sản ở Đà Nẵng đang gần như chạm đáy. |
Theo ông Nguyễn Đức Lập, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Đào tạo BĐS - Hội Môi giới BĐS Việt Nam, kể từ thời điểm lập đỉnh vào tháng 3/2019, thị trường BĐS nhanh chóng giảm mạnh.
Đến thời dịch COVID-19 lần 1, loại hình đất nền dự án là sản phẩm điển hình và chiếm tỷ trọng gần như tuyệt đối trên thị trường đã giảm 30-60% tùy từng khu vực. Các sàn giao dịch BĐS phải sa thải nhân viên hàng loạt hoặc hoạt động cầm chừng để duy trì sự tồn tại. Nhưng đến đợt dịch thứ 2, thị trường hầu như bất động.
Khi nào bất động sản hết bất động?
Giám đốc Kinh doanh Công ty Cổ phần Bất động sản Eco Real, ông Phạm Văn Sung nhận định, những khu đất rớt giá trong năm qua hầu hết là đất dự án ở ngoại ô Đà Nẵng từng bị thổi giá quá đà. Khi giá đất bão hòa và “dính” 2 đợt dịch COVID-19 thì giá rớt thê thảm là tất yếu.
Tuy nhiên, ông Sung cho rằng, thị trường BĐS Đà Nẵng có khả năng hồi phục cao, nhưng sớm nhất cũng phải hết năm 2020 này. Bởi đợt dịch COVID-19 lần thứ nhất lãi suất ngân hàng chưa giảm mạnh nên người dân có xu hướng gửi tiền trong ngân hàng. Hiện nay, lãi suất đã giảm nên có thể người dân chuyển hướng đầu tư.
“Hiện nay lãi suất đã giảm, việc đầu tư chứng khoán hay vàng đều có những rủi ro nhất định bởi sự biến động khó lường theo thị trường thế giới. Do đó tiền nhàn rỗi phải chọn kênh an toàn để đầu tư, trong đó bất động sản là sự lựa chọn hợp lý”, ông Sung nhìn nhận.
Các chuyên gia dự báo thị trường bất động sản Đà Nẵng sẽ phục hồi sớm. |
Chung đánh giá, ông Nguyễn Đức Lập cho rằng, đối với Đà Nẵng, sau khi dịch COVID-19 được khống chế, BĐS sẽ là thị trường phục hồi sớm nhất.
“Quỹ đất Đà Nẵng khan hiếm, hầu như không còn nhiều để làm đô thị, hơn 86% quỹ đất đô thị đã được khai thác và phân chia, chỉ còn lại các khu vực xa trung tâm, cần đầu tư hạ tầng lớn. Chu kỳ suy giảm và đóng băng đã kéo dài gần 1,5 năm, kéo theo giá cả về vùng giá trị thật.
Đà Nẵng sắp được Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể và kéo theo là đầu tư và phát triển hạ tầng mạnh mẽ nên thị trường BĐS sẽ hồi phục”, ông Lập lý giải.
Nhiều căn hộ Hà Nội tiếp tục rao bán cắt lỗ hàng trăm triệu đồng |
Bất động sản phía Tây Hà Nội tăng giá nhờ hạ tầng |