Nếu làm hết cách, chi vẫn vượt thu, người dân sẽ vui vẻ đóng góp thêm phí bảo hiểm cho việc chữa bệnh của bản thân hoặc chữa bệnh cho những người khác kém may mắn hơn mình.
Mới tháng 10/2017, 56 địa phương đã chi hết nguồn bảo hiểm y tế. Nguy cơ cao là các bệnh viện sẽ nợ nếu tiếp tục công việc khám chữa bệnh. Về lâu dài, có thể dẫn đến vỡ quỹ.
Một loạt nguyên nhân được chỉ ra: Giá dịch vụ y tế mới được điều chỉnh tăng; chi phí tiền lương của y, bác sĩ được tính vào chi phí điều trị; quá nhiều các loại xét nghiệm trùng lặp được tiến hành; bệnh nhân được kê đơn thuốc không đúng bệnh; bệnh nhân nhẹ cũng được chỉ định nằm viện... Cuối cùng, kết luận bệnh nhân đang được hưởng nhiều hơn mức họ đóng và giải pháp là tăng phí bảo hiểm.
Đóng tiền ít nhưng được hưởng nhiều. Cái lý được đưa ra bởi toàn các nhà quản lý chuyên ngành, kinh nghiệm đầy mình, số liệu trong tay. Lỗi lại là của người dân đóng ít, hưởng nhiều. Khổ nỗi, việc phải đóng thêm phí bảo hiểm sẽ ảnh hưởng tới toàn dân, ngân sách hỗ trợ cho các đối tượng chính sách mà ngân sách thì cũng từ thuế của dân… cho nên, cần phải cân nhắc thận trọng hơn. Nguyên nhân chưa chắc là như vậy, phải “bắt” được bệnh thì mới “điều trị” được. Nhẹ thì cho uống thuốc, nặng thì phải cắt đi, di căn rồi thì cũng nên chấp nhận “hy sinh”.
Với cách làm hiện nay, ngay khi mua bảo hiểm y tế, mọi người đã phải đăng ký (hoặc bị buộc đăng ký) tuyến khám chữa bệnh ban đầu. Mặc nhiên, với cách làm này, bảo hiểm y tế đã phân bổ cho các đơn vị y tế một lượng khách hàng để “khai thác”. Đủ các cách tinh vi được đưa ra để rút ruột bảo hiểm.
Hình minh họa.
Muốn không phải xếp hàng dài cổ, muốn được cấp thuốc đúng bệnh nên đưa thẻ bảo hiểm y tế cho nhân viên y tế quản lý hộ. Thị trường thiếu thuốc gì thì tự nhiên sẽ có nhiều người bị bệnh ấy. Bệnh viện vắng “khách”, bệnh nhẹ cũng nằm viện. Cứ đi khám là xét nghiệm, chiếu chụp các kiểu. Chuyển viện lại xét nghiệm, chiếu chụp lại. Chuyển nhiều lần, xét nghiệm, chiếu chụp nhiều lần.
Câu hỏi đặt ra, với tất cả những nguyên nhân được đưa ra, ai được lợi? Người bệnh ư? Chắc chắn là không rồi. Họ mất thời gian nằm viện, họ mất máu, chịu ảnh hưởng xấu do chiếu, chụp, họ mất tiền (vì bảo hiểm có chi trả toàn bộ đâu).
Nên chăng, bảo hiểm y tế hãy đứng ở địa vị “khách hàng” để tổ chức “đấu thầu” lựa chọn ra mạng lưới cơ sở y tế, những nơi có đội ngũ y, bác sĩ lành nghề; cơ sở hạ tầng và máy móc đạt tiêu chuẩn chung (có thể liên thông kết quả xét nghiệm, chiếu, chụp…) để phục vụ bệnh nhân.
Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu và đường truyền để lập hồ sơ bệnh nhân và đặc biệt là để tổ chức giám định kết quả khám chữa bệnh của các bệnh viện, y, bác sĩ. Quy trách nhiệm cụ thể đối với bác sĩ, bệnh viện nếu có các dấu hiệu sai sót hoặc có ý định trục lợi từ bảo hiểm y tế. Nhẹ thì phê bình, cảnh cáo, buộc bồi hoàn tiền chiếm dụng, lưu hồ sơ. Nặng thì cắt không cho tiếp tục phục vụ bảo hiểm y tế. Bệnh viện nào phục vụ tốt, bệnh nhân sẽ đến nhiều, đồng nghĩa với nguồn thu nhiều, bệnh viện đó sẽ khá giả.
Cũng nên tổ chức tuyên truyền rộng rãi, minh bạch để người dân hiểu rõ hơn về bảo hiểm y tế, về những việc làm dẫn đến bội chi để họ tránh và giám sát hộ bảo hiểm y tế, về những biện pháp bảo hiểm y tế đã làm nhằm giảm thiểu mức chi. Làm hết cách, chi vẫn vượt thu, người dân sẽ vui vẻ đóng góp thêm cho việc chữa bệnh của bản thân hoặc chữa bệnh cho những người khác kém may mắn hơn mình.
Vẫn phải tìm ra “bệnh” và làm hết cách trước đã.
Quỹ bảo hiểm y tế dự kiến bội chi 10.000 tỷ đồng năm 2017
Điều chỉnh giá dịch vụ y tế là nguyên nhân hàng đầu khiến nhiều địa phương bội chi quỹ khám chữa bệnh bảo hiểm y ... |
Nhiều người hiểu sai việc nhà trường thu phí BHYT
Đầu năm học, các trường bắt đầu thu các loại phí đầu năm, trong đó có bảo hiểm y tế BHYT. Tuy nhiên, gần đây, ... |
http://www.nguoiduatin.vn/-bat-benh-boi-chi-bao-hiem-de-tim-huong-dieu-tri--a342366.html