Bão, lũ dồn dập: “Giật mình” trước nguy cơ vỡ đê không còn là chuyện xa vời

Những năm gần đây, thiên tai cực đoan hơn có xu hướng xảy ra với mức độ ngày càng gia tăng về cường độ, tần suất, không theo quy luật, khó lường, gây ra những thiệt hại nghiêm trọng cả về người và tài sản.

Đoạn kè đê tại xã Vũ Bình (Thái Bình) bị xuống cấp. Ảnh: PV

Đặc biệt, đợt lũ lịch sử từ 9 - 12.10.2017 đã khiến hàng trăm sự cố đê điều xảy ra. Rồi cơn bão số 12 đe dọa bục vỡ các hồ chứa, trong đó có các hồ chứa nhỏ. Hệ thống đê điều và hồ chứa vừa già nua vừa xuống cấp, lạc hậu đã không thể chống chọi được với những rủi ro thiên tai trong điều kiện khí hậu cực đoan hiện nay. Một lãnh đạo phòng chống thiên tai đã đưa ra lời cảnh báo: Nguy cơ vỡ đê gây thảm họa có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ngay cả tại các tuyến đê do Trung ương quản lý.

Hệ thống hồ chứa xuống cấp, chắp vá, lạc hậu

Theo Tổng cục Thủy lợi, cả nước hiện có gần 7.000 hồ chứa, trong đó có 6.648 hồ chứa thủy lợi, 266 hồ chứa thủy điện đã và đang vận hành khai thác, sử dụng. Kết quả kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình của 45 tỉnh, thành phố có hồ chứa, cho thấy: Hiện cả nước còn khoảng 1.150 hồ chứa cần phải sửa chữa, nâng cấp. Trong đó có 320 hồ chứa bị hư hỏng không đảm bảo an toàn trong mùa mưa lũ, tập trung chủ yếu là các hồ chứa có dung tích nhỏ dưới 1 triệu m3. Hầu hết các công trình này được xây dựng cách đây 30 - 40 năm nên đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Theo Tổng cục Thủy lợi (Bộ NNPTNT), hiện tại khu vực Bắc Bộ có 2.984 hồ, trong đó có 286 hồ chứa lớn, 2.698 hồ chứa nhỏ; có 138 hồ chứa xung yếu. Một số tỉnh có nhiều hồ chứa xung yếu như: Yên Bái 10 hồ, Tuyên Quang 9 hồ, Bắc Giang 12 hồ... Các hồ đặc biệt cần quan tâm, khi có mưa lớn gồm: Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên); Lái Bay, Noong Đúc (Sơn La); Bản Viết, Nà Tậu (Cao Bằng); Kai Hiển (Lạng Sơn); Cửa Cốc, Chùa Ông, Khe Ráy, Khe Cát (Bắc Giang); Yên Lập, Khe Táu, Khe Chè, Chúc Bài Sơn (Quảng Ninh); Khang Mời, Cành, Đại Thắng (Hòa Bình)...

Khu vực Bắc Trung Bộ có 1.920 hồ (132 hồ chứa lớn, 1.788 hồ chứa nhỏ). Tại Nam Trung Bộ có 501 hồ (132 hồ chứa lớn, 369 hồ chứa nhỏ). Tại khu vực Tây Nguyên, tổng số 1.130 hồ (124 hồ chứa lớn, 1.006 hồ chứa nhỏ). Có 83 hồ chứa xung yếu (15 hồ lớn, 68 hồ nhỏ). Các tỉnh có nhiều hồ xung yếu như: Thanh Hóa 20 hồ, Nghệ An 19 hồ, Hà Tĩnh 16 hồ... Các hồ đặc biệt cần quan tâm, khi có mưa lớn gồm: Hồ Làng Mọ, Kim Giao, Làng Lụt, Ông Già (Thanh Hóa); Hòn Mát, Đồn Húng, Khe Sân, Khe Gang, Trại Gà (Nghệ An); Lối Đồng (Hà Tĩnh); Vùng Mồ, Bàu Cừa, Đập Làng (Quảng Bình); Kinh Môn (Quảng Trị).

Tại Nam Trung Bộ có 57 hồ chứa xung yếu (16 hồ lớn, 41 hồ nhỏ). Các tỉnh có nhiều hồ xung yếu như: Quảng Ngãi 11 hồ, Bình Định 17 hồ... Các hồ đặc biệt cần quan tâm, khi có mưa lớn gồm: Hồ Buôn La Bách, Hóc Răm (Phú Yên); Đập Làng, Ông Thơ (Quảng Ngãi); Kim Sơn, Thạch Bàn (Bình Định); Sông Biêu (Ninh Thuận); Trà Tân, Sông Quao (Bình Thuận).

Tại Tây Nguyên có 68 hồ chứa xung yếu (14 hồ lớn, 54 hồ nhỏ). Trong đó, tỉnh Kon Tum: 10 hồ, Gia Lai: 13 hồ, Đắk Lắk: 26 hồ, Đắk Nông: 10 hồ, Lâm Đồng: 9 hồ. Các hồ đặc biệt cần quan tâm, khi có mưa lớn gồm: Hồ Thôn 9 (Kon Tum); PleitoKôn (Gia Lai); Dang Kang thượng, Ea Uy, Ea Khal 1, Ea Tling, Đội 36 (Đắk Lắk); Nao Ma A, Đắk Hlang (Đắk Nông); Ma Póh, Đạ Sa (Lâm Đồng).

Do các hồ đập được thiết kế xây dựng từ nhiều thập niên của thế kỷ trước, nên hầu hết đã xuống cấp. Đối với hồ chứa nhỏ, phần lớn xây dựng từ 30 - 40 năm trước đã xuống cấp tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, cần tổ chức lực lượng thường xuyên kiểm tra, chủ động ứng phó, đồng thời rà soát, sẵn sàng phương án di dân vùng hạ du bị ảnh hưởng khi hồ gặp sự cố.

Tại huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị hiện có gần 60 hồ chứa, được xây dựng từ những năm 60 của thế kỷ trước. Thân đập của các hồ chứa này được đắp bằng đất, thời gian sử dụng quá lâu lại thiếu duy tu bảo dưỡng đã khiến các hồ đập ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.

Tại Quảng Nam, hiện có hơn 173 hồ đập chứa nước được xây dựng trước năm 1990. Trong đó, có 45 hồ đập nhỏ xuống cấp nghiêm trọng. Số hồ đập này phục vụ tưới ở vùng trung du, miền núi. Các hồ đập xuống cấp đều bị sụt lún, xói lở mái thượng lưu, hạ lưu, lòng hồ bị bồi lấp, cầu công tác hư hỏng, tràn xả lũ bong vữa bêtông, cửa cống và thiết bị đóng mở bị rò rỉ. Hệ thống hồ đập ở Quảng Ngãi cũng xuống cấp, hư hỏng nặng.

Trên địa bàn Quảng Ngãi hiện có 117 hồ chứa nước, trong đó 100 hồ dung tích dưới 3 triệu m3 thì có 89 hồ được xây dựng trước năm 1990 đã xuống cấp nặng.

Tại khu vực phía Bắc, hệ thống hồ chứa tại nhiều địa phương cũng trong tình trạng “lão hóa” nghiêm trọng.

Tại tỉnh Phú Thọ, hiện có 420 hồ chứa thủy lợi, trong đó, có 5 công trình hồ chứa lớn có dung tích từ 3-10 triệu m3, 23 công trình có chiều cao đập từ 15m trở lên, 12 hồ có dung tích từ 13 triệu m3; 270 hồ, đập có dung tích từ 50.000 đến dưới 1 triệu m3... Phần lớn đến nay đã hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm yêu cầu tưới và tiêu như thiết kế ban đầu. Tuy nhiên, do thiếu kinh phí nên các công trình chưa được xây dựng hoàn chỉnh, thiết bị lạc hậu, chắp vá.

Hàng trăm sự cố đê điều mỗi khi có bão lũ

Theo Tổng cục Phòng chống thiên tai, cơn bão số 10 năm 2017 đổ bộ trực tiếp vào khu vực Hà Tĩnh - Quảng Bình với cường độ cấp 11-12, giật cấp 14-15 được coi là cơn bão lớn nhất trong hơn 30 năm qua đổ bộ vào khu vực này. Do ảnh hưởng của bão mạnh kết hợp với kỳ triều cường cao nhất trong năm đã gây nước dâng và sóng rất lớn, tác động rất mạnh vào hệ thống đê, kè biển, gây hư hỏng nghiêm trọng nhiều tuyến đê biển từ Hải Phòng đến Thừa Thiên Huế với chiều dài trên 55km. Bão lũ đã gây ra 123 sự cố về đê điều.

Từ ngày 10 - 13.10.2017, do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới kết hợp không khí lạnh gây mưa to đến rất to ở vùng Nam Đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Trên hệ thống sông các tỉnh, thành phố như Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa đã xảy ra một đợt lũ lớn, lũ đặc biệt lớn với mực nước lũ phổ biến ở mức BĐ3 và trên BĐ3; đặc biệt trên một số tuyến sông thuộc Ninh Bình - Thanh Hóa đã xảy ra lũ vượt mức lũ lịch sử (đỉnh lũ trên sông Hoàng Long tại Bến Đế tỉnh Ninh Bình đạt 5,53m, vượt lũ lịch sử năm 1985 là 29cm; đỉnh lũ trên sông Cầu Chày tại trạm Xuân Vinh tỉnh Thanh Hóa đạt 10,91m, vượt lũ lịch sử năm 1985 là 21cm; đỉnh lũ trên sông Đáy tại Phủ Lý tỉnh Hà Nam đạt 4,93m, vượt đỉnh lũ năm 2008 là 0,31m).

Lũ lớn, đặc biệt lớn đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến các tuyến đê 5 tỉnh, thành phố nêu trên. Lũ đã tràn và xấp xỉ tràn nhiều tuyến đê như đê Lạch Trường, đê Cầu Chày, đê sông Hoạt (Thanh Hóa), đê hữu Hoàng Long (Ninh Bình). Tại nhiều tuyến đê bao, đê bối đã bị lũ tràn qua đỉnh đê gây vỡ. Đợt lũ này đã gây ra 252 sự cố về đê điều như nứt sạt mái đê, thẩm lậu, rò rỉ mái đê, đùn sủi chân đê...

Đặc biệt, nhiều sự cố đặc biệt nguy hiểm uy hiếp đến an toàn đê, làm tuyến đê không đảm bảo “chịu đựng thêm” nếu tiếp tục có lũ lớn xảy ra. Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai cho biết: Sự cố nứt sạt mái đê tả sông Chu tỉnh Thanh Hóa tại K17-K17+337, nếu không được xử lý cấp bách, kịp thời trong thời gian tới, khi gặp lũ lớn, lũ đặc biệt lớn như vừa qua thì nguy cơ vỡ đê là hiện hữu và sẽ gây ra thảm họa vô cùng lớn đối với vùng được tuyến đê bảo vệ.

Thực tế là tại Thanh Hóa, ngày 13.10.2017, một đoạn đê bao của sông Mậu Khê chảy qua địa bàn xã Thiệu Duy (huyện Thiệu Hóa, Thanh Hóa) bị vỡ chiều dài khoảng 4m do nước lũ dâng cao.

Nhiều chuyên gia thủy lợi cũng cho biết: Trong đợt mưa lũ tháng 10 vừa qua, nếu Bộ NNPTNT không kịp thời xử lý thì có thể đã xảy ra sự cố đối với đập thủy điện Hòa Bình với hệ lụy vô cùng thảm khốc!

Nguy cơ vỡ đê vô cùng nghiêm trọng

Theo Bộ NNPTNT, nước ta có khoảng 12.780km đê, trong đó có trên 2.800km đê biển và khoảng 10.190km đê sông (trên 2.700km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt, còn lại là đê dưới cấp III). Hiện nay, các tuyến đê từ cấp III trở lên cơ bản đủ cao trình chống lũ thiết kế, tuy nhiên còn 244km đê thiếu cao trình (tập trung ở hạ lưu hệ thống sông Hồng, sông Thái Bình; sông Lèn, Lạch Trường tỉnh Thanh Hóa); 713km đê mặt cắt còn nhỏ; 318 vị trí thường xảy ra đùn sủi, thẩm lậu khi có lũ; 477 cống cũ, hư hỏng và 220km kè bị hư hỏng, xung yếu cần tu bổ, sửa chữa. Qua công tác kiểm tra, đánh giá hiện trạng đê điều trước lũ 2017, các địa phương đã xác định 197 trọng điểm đê điều xung yếu để xây dựng, phê duyệt và triển khai phương án bảo vệ.

Với trên 2.700km đê từ cấp III đến cấp đặc biệt cần được đầu tư, tu bổ thường xuyên hàng năm; hàng trăm cống dưới đê cũng cần được tu sửa, xây dựng mới,... nhưng nguồn kinh phí cấp qua Bộ NNPTNT để thực hiện hết sức ít ỏi: Năm 2017, chỉ bố trí được 50 tỉ đồng nên không đáp ứng được yêu cầu. Trong khi đó, những vị trí đã xảy ra sự cố do mưa lũ vừa qua, nếu không được xử lý cấp bách, kịp thời, khi gặp lũ lớn thì nguy cơ vỡ đê là hiện hữu.

Điều đáng lo ngại là đã xuất hiện tư tưởng chủ quan, cho rằng hiện nay các hồ chứa thủy điện đã cắt được lũ và đảm bảo an toàn cho hệ thống đê và vùng hạ du nên công tác quản lý bảo vệ đê điều cũng như công tác tu bổ hệ thống đê không được coi trọng đúng mức. Tình trạng hệ thống đê điều bị xâm hại gia tăng, xuống cấp, không gian thoát lũ bị lấn chiếm, hệ thống đê điều bị xuống cấp. Nhiều tuyến đê dưới cấp III do không được tu bổ, duy tu bảo dưỡng thường xuyên dẫn đến bị xuống cấp, hư hỏng dẫn đến nhiều tuyến không đảm bảo khả năng chống lũ khi gặp lũ lớn.

Với tình hình diễn biến thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường như thời gian vừa qua, thì điều gì sẽ xảy ra nếu gặp trường hợp mưa lớn kỷ lục ở thượng nguồn như đã từng xảy ra tại Quảng Ninh năm 2015 hay 5 đợt mưa lớn ở miền Trung năm 2016 trong khi các hồ chứa đã không còn khả năng cắt lũ? Khi đó cả hệ thống đê điều sẽ chịu áp lực rất lớn và khó có thể đảm bảo an toàn khi phải chống đỡ với trận lũ đặc biệt lớn, vượt tần suất như vậy.

Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 500km chiều dài tuyến đê nội đồng bị xuống cấp và cần được đầu tư nâng cấp. Thế nhưng, do nguồn kinh phí còn khó khăn, dẫn đến việc nâng cấp sửa chữa còn chưa đồng bộ, nguy cơ sạt lở, vỡ đê vào mùa mưa bão là điều khó tránh khỏi.

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Trần Quang Hoài - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai lo ngại cho biết: Đê tả Chu đang hết sức nguy hiểm, có nguy cơ bị vỡ nếu không được nâng cấp trước mùa mưa lũ mới.

Ngoài ra, còn nhiều tuyến đê đã trở nên quá tải không chịu được các đợt lũ lớn cần được gấp rút đầu tư nâng cấp. Tại các tuyến đê xung yếu, các địa phương cần xử lý các vi phạm an toàn hành lang đê.

“Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, cần đầu tư những trang thiết bị hiện đại, phù hợp để có khả năng xử lý đảm bảo an toàn trên các tuyến đê. Đặc biệt, tại các vị trí đê trọng yếu cần được xử lý, nếu không, khi sự cố vỡ đê xảy ra, tính mạng của hàng chục triệu người dân cùng các cơ sở hạ tầng, các khu công nghiệp, nhà máy quan trọng, thành quả kinh tế xã hội bị ảnh hưởng và có thể xẩy ra thảm họa” - ông Trần Quang Hoài nhấn mạnh.

Với quy mô dân số cả nước gần 92 triệu người, trong đó Hà Nội ở mức gần 7,6 triệu người, TP. Hồ Chí Minh 8,2 triệu người, tổng sản phẩm quốc nội đạt 172 tỉ USD, nếu thiên tai lấy đi 1% GDP tức là đã mất đi 1,72 tỉ USD, chưa kể các hệ lụy do thiên tai để lại. Do đó yêu cầu bảo đảm an toàn trước thiên tai ngày càng cao trong bối cảnh quy mô dân số và nền kinh tế tăng nhanh.
Xuất hiện cuối mùa, bão số 13 diễn biến phức tạp

Bão số 13 xuất hiện vào cuối mùa bão, trong thời gian không khí lạnh liên tục được tăng cường, nên cơn bão có sức ...

Đất nước bên bờ sóng

Mỗi lần bão lũ tràn tới, nhất là ở phần khúc ruột miền Trung, là một lần ta thấm thía hơn cái gian nan của ...

http://laodong.vn/lao-dong-cuoi-tuan/bao-lu-don-dap-giat-minh-truoc-nguy-co-vo-de-khong-con-la-chuyen-xa-voi-575313.ldo

/ Vũ Long/Báo Lao động