- Hà Nội đình chỉ 66 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
- Phát hiện 309 mẫu nông, lâm, thủy sản vi phạm an toàn thực phẩm
Mặc dù, còn hơn 1,5 tháng nữa mới đến Tết Trung thu nhưng tại các tuyến đường phố, cửa hàng, siêu thị của thành phố Hà Nội đã bắt đầu bày bán bánh trung thu với mẫu mã đa dạng. Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, các công đoạn nguyên liệu đầu vào, quy trình sản xuất bánh tại nhiều cơ sở được kiểm soát nghiêm ngặt, có sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm, sức khỏe cho người tiêu dùng.
Người dân chọn mua bánh trung thu truyền thống tại phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ).
Bánh trung thu rục rịch xuống phố
Bánh trung thu truyền thống vẫn là xu hướng mà người tiêu dùng lựa chọn hiện nay. Một ngày tìm hiểu về quy trình sản xuất, nhập nguyên liệu đầu vào cho các sản phẩm bánh truyền thống tại làng nghề Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm), phóng viên nhận thấy không khí làm bánh đã bắt đầu vào vụ. Nhiều cơ sở đã tiếp cận với công nghệ làm bánh hiện đại, đáp ứng nhu cầu thị trường. Ông Công Bằng, chủ cơ sở sản xuất bánh trung thu Công Bằng, phường Xuân Đỉnh cho biết, toàn bộ công đoạn chế biến, sản xuất đều được sử dụng bằng máy móc công nghệ cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tương tự, bước đến cổng làng nghề Xuân Tảo (quận Bắc Từ Liêm), không khó để nhận ra những âm thanh quen thuộc của một làng nghề làm bánh trung thu truyền thống. Theo bà Nguyễn Lan Ngân, chủ cơ sở bánh trung thu Thành Công, hiện các hộ sản xuất đều đang trong giai đoạn chuẩn bị nguyên liệu để làm theo đơn đặt hàng. Hộ nào có hợp đồng sớm thì đã thuê người chạy máy, sản xuất bánh...
Khảo sát dọc tuyến phố Thụy Khuê (quận Tây Hồ), các cơ sở sản xuất bánh trung thu truyền thống cũng bắt đầu bày bán bánh phục vụ người tiêu dùng. Chị Lê Thị Tâm, người dân phố Thụy Khuê cho biết, sinh sống trên tuyến phố với nhiều cơ sở làm bánh trung thu nên gia đình chị thường thưởng thức bánh sớm hơn thông lệ...
Nếu thị trường bánh trung thu làng nghề đang rục rịch vào mùa thì các hãng bánh trung thu cũng bắt đầu xuống phố. Tại các tuyến phố Cầu Giấy, Ngọc Khánh, Dương Đình Nghệ… các thương hiệu bánh trung thu, đặc biệt là bánh Kinh Đô đã xuất hiện gian trưng bày, bán sản phẩm. Theo Giám đốc marketing của Mondelez Kinh Đô Việt Nam Sameer Yadav, doanh nghiệp tiếp tục sử dụng các vật liệu đóng gói thân thiện, 95% túi đựng bánh trung thu được làm từ giấy kraft và 100% khay đựng bánh được làm từ nhựa PET tái chế. Năm nay, Mondelez Kinh Đô mở rộng thêm gần 1.000 điểm bán là các quầy hàng trên những tuyến phố với hơn 70 dòng bánh trung thu và 3 dòng sản phẩm mới để phục vụ đa dạng nhu cầu của người tiêu dùng.
Sản xuất bánh trung thu tại Công ty cổ phần Mondelez Kinh Đô Việt Nam.
Vì một Tết Trung thu an toàn
Mới đây, UBND phường Xuân Đỉnh (quận Bắc Từ Liêm) đã ban hành kế hoạch về công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2022 trên địa bàn. Theo đó, từ ngày 29-7 đến ngày 21-9-2022, UBND phường sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm bánh trung thu; tăng cường tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm và biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm. Phó Chủ tịch UBND phường Xuân Đỉnh Nguyễn Ngọc Thạch cho biết, hằng năm, phường triển khai đăng ký tập huấn cho các hộ dân trên địa bàn, nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở, người quản lý, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm về việc bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm.
Tương tự, theo Trưởng phòng Kinh tế quận Nam Từ Liêm Trần Quang Duy, quận Nam Từ Liêm sẽ thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra việc chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm, giám sát chặt chẽ việc sử dụng nguyên liệu làm bánh trung thu tại các cơ sở sản xuất. UBND quận cũng phối hợp với các đoàn thanh tra an toàn thực phẩm thành phố kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu, bảo đảm các loại bánh tới tay người tiêu dùng phải an toàn.
Việc bảo đảm chất lượng thực phẩm cũng được UBND quận Tây Hồ triển khai nghiêm túc. Theo Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ Nguyễn Thanh Hương, quận Tây Hồ đã lên kế hoạch và sẽ kiểm tra an toàn thực phẩm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu từ tháng 8-2022. Trước mùa trung thu, quận tổ chức tập huấn, cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở, yêu cầu chuẩn bị trang phục cho người sản xuất bánh gọn gàng, sạch sẽ, nguồn gốc thực phẩm, nhập nguyên liệu phải được chứng minh qua hóa đơn, phiếu thu từ các địa chỉ rõ ràng, uy tín..., các công đoạn sản xuất đều có khu vực riêng và thông thoáng. Quận cũng tổ chức khám sức khỏe cho người lao động tại các cơ sở sản xuất này.
Được biết, trước khi các cơ sở sản xuất kinh doanh bánh trung thu bước vào vụ chính, các cơ quan chức năng đã có kế hoạch tuyên truyền, tập huấn, yêu cầu thực hiện đúng quy trình làm bánh trung thu an toàn. Dự kiến trong tháng 8-2022, các đoàn kiểm tra liên ngành quận, huyện, thị xã, thành phố sẽ đồng loạt kiểm tra tất cả các cơ sở sản xuất bánh trung thu tại Hà Nội để giám sát chất lượng sản phẩm, nhanh chóng phát hiện và loại bỏ những sản phẩm không an toàn cho người tiêu dùng, vì một Tết Trung thu an toàn.