Báo cáo là một sự tổ hợp chưa được chuẩn hóa các “báo cáo con” do từng đơn vị chức năng thực hiện, phải chăng vì thế nên có sự khập khiễng giữa các con số?
Từ việc bỏ thi tốt nghiệp THPT môn lịch sử: Nền giáo dục Việt Nam đang sụp đổ? |
Nhiều thí sinh đã “chán” đại học, chuyển sang học nghề |
Ngày 21/8/2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố “Báo cáo Tổng kết năm học 2016-2017, triển khai nhiệm vụ năm học 2017-2018 của ngành Giáo dục” (Báo cáo).
Toàn văn Báo cáo và phụ lục dài 184 trang, với các số liệu, biểu đồ và ghi chú liên quan, bản báo chắc chắn mất rất nhiều thời gian và công sức của các đơn vị trực thuộc Văn phòng Bộ.
Đọc kỹ báo cáo, có một số vấn đề cần được trao đổi thêm.
Thứ nhất: Tính thống nhất của Báo cáo
Báo cáo là một sự tổ hợp chưa được chuẩn hóa các “báo cáo con” do từng đơn vị chức năng (các cục, vụ…) thực hiện, phải chăng vì thế nên có sự khập khiễng giữa các con số (sẽ trình bày phía sau).
Chỉ cần nhìn vào các loại biểu đồ trong Báo cáo đã có thể thấy không có sự chuẩn hóa cần thiết trong một văn bản mang tính khoa học cao như Báo cáo của Bộ.
Nói cách khác vì không có “Tổng Chủ biên” nên Báo cáo chỉ là sự ghép nối cơ học những gì mà các đơn vị giao nộp.
Lấy ví dụ minh họa về các biểu đồ trong Báo cáo, Vụ Giáo dục thường xuyên dùng biểu đồ hình nón, Vụ Kế hoạch - Tài chính là hình trụ, Cục quản lý chất lượng là hình chóp và của Vụ Giáo dục Trung học là hình hộp chữ nhật…?
Nếu với mục đích nhiều màu sắc, vui mắt, để người đọc đỡ … buồn ngủ thì có thể chấp nhận, còn với một văn bản mang tính hàn lâm thì không nên.
Các loại biểu đồ được dùng trong Báo cáo của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Thứ hai: Sự nhảy múa của các số liệu
Số lượng giảng viên trong biên chế các cơ sở giáo dục đại học thể hiện trên biểu đồ 3, trang 12 là 72.792 người.
Tuy nhiên cộng tất cả số liệu trong biểu đồ 4, trang 14 (theo các chức danh) thì số lượng giảng viên lại là 574 + 4.113 + 11.827 + 43.065 + 12.507 + 149 = 72.235 người.
Số lượng chênh lệch (517 người) tương đương số giảng viên một đại học cỡ trung bình. Liệu có phải do có Đại học mới thành lập chưa kịp cập nhật hay do mỗi bộ phận có một con số?
Liệu có phải do có Đại học mới thành lập chưa kịp cập nhật hay do mỗi bộ phận có một con số?
Thứ ba: Về đào tạo thạc sĩ
Báo cáo cho biết quy mô đào tạo thạc sĩ (năm học 2016-2017) là 105.801 (tăng 12,8% so với năm học 2015-2016).
Quy mô đào tạo tiến sĩ ở các trường đại học, học viện là 13.587 (tăng 25% so với năm học 2015-2016).
Quy mô đào tạo tiến sĩ ở các viện nghiên cứu khoa học đến tháng 6/2017 là 1501 người.(trang 153, phụ lục VIII)
Tổng số học viên cả hai trình độ (thạc sĩ, tiến sĩ) là 105.801 + 13.587 + 1.501 = 120.889 người.
Số liệu tại biểu đồ 7, trang 157, Phụ lục VIII cho thấy những người đủ tiêu chuẩn hướng dẫn thạc sĩ (Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ) trong các đại học, học viện là 574 + 4.113 + 11.827 = 16.514 người.
(Người có trình độ dưới tiến sĩ chỉ được phép tham gia hướng dẫn với tư cách là người thứ hai, người hướng dẫn chính phải là tiến sĩ, căn cứ vào Thông tư 15/2014/TT-BGDĐT)
Biểu đồ 7: Số lượng giảng viên các cơ sở giáo dục đại học phân theo trình độ và chức danh khoa học
Số người trong các Viện nghiên cứu khoa học đủ tiêu chuẩn tham gia hướng dẫn thạc sĩ (Biểu đồ 8, phụ lục VIII trang 157 ) là 1.926 người (58 Giáo sư; 277 Phó giáo sư, 38 Tiến sĩ khoa học; 923 Tiến sĩ).
Tuy nhiên, cộng các con số 58+277+38+923 = 1.296 chứ không phải 1.926, vậy biểu đồ của Vụ Giáo dục Đại học sai hay xuất hiện thêm 630 nhà khoa học chui tại các viện NCKH?
Phân loại số người đủ điều kiện hướng dẫn luận văn thạc sĩ tại tất cả các cơ sở được cấp phép như sau:
Giáo sư 574+58 = 632;
Phó giáo sư, Tiến sĩ khoa học: 4.113+ 277+38 = 4.428 ;
Tiến sĩ: 11.827 + 923 = 12.750.
Tổng số: 632 + 4.428 + 12.750 = 17.810 người.
Căn cứ vào Thông tư số: 15/2014/TT-BGDĐT, ban hành ngày 15/5/2014 về “Quy chế đào tạo trình độ thạc sĩ thì:
“Người có chức danh giáo sư được hướng dẫn tối đa 7 học viên; người có học vị tiến sĩ khoa học hoặc có chức danh phó giáo sư được hướng dẫn tối đa 5 học viên; người có học vị tiến sĩ từ 1 năm trở lên được hướng dẫn tối đa 3 học viên trong cùng thời gian, kể cả học viên của cơ sở đào tạo khác”.
Cứ cho rằng tất cả tiến sĩ đều đủ thâm niên “từ 1 năm trở lên” thì số lượng các nhà khoa học nêu trên được phép hướng dẫn tối đa:
632*7+4.428*5+ 12.750*3 = 64.814 (học viên cao học).
Như vậy số học viên cao học (trình độ thạc sĩ) đang được “hướng dẫn chui” sẽ là:
105.801 - 64.814 = 40.987 người.
Nếu các con số và cách tính toán nêu trong bài viết này là sai, xin đề nghị Vụ Đại học - Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết ý kiến, người viết sẵn sàng trao đổi.
Phải chăng hiện nay đào tạo thạc sĩ đã thay thế đào tạo tại chức trở thành "nồi cơm" của các cơ sở giáo dục bậc đại học - như lời nguyên Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân từng nói?
Nếu tính thêm quy mô đào tạo tiến sĩ tại các cơ sở là 13.587 + 1.501 người nữa thì các thày đang đào tạo “chui” bao nhiêu nhân tài cho đất nước?
Bao nhiêu “thạc sĩ chui” này đang giảng dạy trong các trường đại học, cao đẳng?
Và nền Giáo dục nước nhà có thể đổi mới toàn diện với lực lượng thạc sĩ, tiến sĩ đào tạo “chui” một cách “chính thống” như hiện nay?
Thứ tư: Về đội ngũ cán bộ quản lý và nhân viên phục vụ
Biểu 4, 5 Phụ lục 1 trang 64 có tiêu đề “Cơ cấu mạng lưới trường, lớp học và đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý cơ sở giáo dục”.
Tìm hiểu tại Phụ lục này chỉ thấy có số liệu giáo viên và khối nhân viên từ mầm non đến đại học, không hề có số liệu về “đội ngũ cán bộ quản lý cơ sở giáo dục” như tiêu đề phụ lục đã viết.
Riêng số nhân viên toàn ngành, số liệu trong Báo cáo như sau: Mầm non - 112.326; Tiểu học -70.570; Trung học cơ sở - 55.121; Trung học phổ thông - 27.459; Đại học - 6.842.
Tổng cộng nhân viên phục vụ toàn ngành là 272.318 người (xin xem số liệu trong bản chụp màn hình dưới đây)
Số giảng viên và nhân viên từ mầm non đến đại học
Số lượng giáo viên, giảng viên cộng theo Biểu 4 và 5 là 1.246.188 người.
Số nhân viên phục vụ tổng cộng là 272.318 người.
Theo thông tin mới nhất mà Cục Nhà giáo cung cấp cho Ban Biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam thì năm 2017 này, số lượng cán bộ quản lý giáo dục là 154.000 người.
Như vậy tổng số người không tham gia giảng dạy tại tất cả các cấp là 272.318 + 154.000 = 426.318.
Tính bình quân cứ 8 thày cô có một cán bộ quản lý; 4,57 thày cô có một nhân viên phục vụ?
Tổng cộng, nói theo kiểu dân gian thì cứ 2,92 thày cô có một người “ăn theo”.
Vậy ngân sách dành cho giáo dục thực chất bao nhiêu phần trăm dành trả lương cho giáo viên?
Trên đây chỉ mới nói đến các con số, những vấn đề còn lại về chủ trương, chính sách,… người viết sẽ đề cập trong các bài viết khác.
http://giaoduc.net.vn/Goc-nhin/Bao-cao-cua-Bo-Giao-duc-va-Dao-tao-nhung-con-so-giat-minh-post179227.gd