Đợt nắng nóng lịch sử vào tháng 7 năm nay khiến băng biển tại Alaska biến mất, nếu tồi tệ hơn bất kỳ thành phố ven biển nào cũng nguy cơ bị nhấn chìm.
Gấu trắng bị đe dọa môi trường sống khi băng biển Alaska biến mất. Ảnh: Posci. |
Theo kết quả phân tích băng biển bằng độ phân giải cao từ Cơ quan Dự báo Thời tiết Mỹ, băng biển đã hoàn toàn tan chảy trong phạm vi 240 km ngoài khơi tại bờ biển của bang Alaska, Mỹ. Trước đó ước tính 5% bang Alaska tương đương hơn 75.000 km2 được bao phủ hoàn toàn bằng các dòng sông băng.
Không chỉ biển Alaska, các vùng biển xung quanh Alaska, như biển Beaufort và Chukchi (Mỹ), có nhiệt độ cao hơn nhiệt độ trung bình khoảng 12 độ C. Nơi đây chỉ còn lớp băng mỏng dễ tan.
Walt Meier, nhà nghiên cứu khoa học cao cấp tại Trung tâm Dữ liệu Băng Tuyết Mỹ, cho biết nguyên nhân là do tình trạng ấm lên kéo dài tại Bắc Cực hay hiện tượng "khuếch đại Bắc Cực". Sau mỗi một mùa hè ở Bắc Cực có nhiệt độ cao trên trung bình, biển Alaska trở nên nóng hơn. Đợt nắng nóng lịch sử vào tháng 7 năm nay khiến băng biển tại Alaska biến mất.
Nguyên nhân căn bản là do các lớp băng biển xung quanh Alaska thuộc loại ít năm tuổi, cấu trúc băng mỏng, dễ chịu tác động bởi thời tiết thất thường. Trong khi các lớp băng dày nhiều năm tuổi phải mất hàng thập kỷ thậm chí là thế kỷ để tan chảy.
Các nhà khoa học nghiên cứu Bắc Cực cũng nhắc tới yếu tố tác động của con người trong quá trình công nghiệp và nông nghiệp hóa, khiến nhiệt độ tăng cao, dẫn đến băng biển.
Việc băng biển đại dương tan chảy sẽ đẩy nhanh tốc độ nóng lên của Bắc Cực và toàn cầu. Lớp băng biển có thể phản chiếu nhiệt trở lại không gian, giảm thiểu lượng nhiệt tác động đến môi trường. Khi lớp băng biến mất, đại dương sẽ hấp thụ năng lượng nhiều hơn, nước biển sậm màu hơn, gây ảnh hưởng tới sự đa dạng các loài sinh vật biển. Các nhà khoa học dự đoán nước biển sẽ có thể nhấn chìm bất kỳ thành phố ven biển nào nếu hiện tượng băng tan ngày càng trở nên tồi tệ hơn.
Nguyễn Xuân (Theo Mashable)