Băn khoăn của giáo viên khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc ở bậc THPT

Sau khi Bộ GD&ĐT quyết định môn Sử được dạy bắt buộc ở bậc THPT, các giáo viên chia sẻ những mong muốn để sửa đổi môn học này phù hợp hơn, thu hút hơn với học sinh.

Là một trong những giáo viên lên tiếng mạnh mẽ đề nghị Lịch sử là môn học bắt buộc, cô Lê Thanh Tâm, giáo viên trường THPT Nguyễn Du, Hoà Bình vui mừng khi môn Lịch sử trở thành môn bắt buộc. Đây là việc cần làm với một môn học có vị thế đặc biệt.

Tuy nhiên, cô lo lắng việc sửa chương trình môn Lịch sử gấp rút trong vòng 2 tháng sẽ khó đảm bảo hiệu quả và đúng mục tiêu dạy đại trà toàn bộ học sinh bậc THPT.

"Đặc biệt là việc tập huấn giáo viên dạy Lịch sử theo nội dung mới cần kỹ lưỡng bởi trước đây các giáo viên đã tập huấn và sẵn sàng tâm thế cho việc dạy nâng cao, chuyên sâu theo định hướng cụ thể cho một nhóm học sinh tự chọn", cô nói và cho rằng nếu giáo viên không thấm nhuần được tinh thần mới sẽ rất mơ hồ trong việc truyền đạt kiến thức và kiểm tra đánh giá.

Do vậy, cô Tâm đề xuất, khi sửa lại nội dung môn Lịch sử, các chuyên gia nên nghiên cứu kỹ lưỡng, lược bỏ những kiến thức nâng cao trong từng bài học, tiết học hay các kiến thức trùng lặp, đã được lồng ghép ở trong phần đại trà bắt buộc; không bỏ kiến thức theo kiểu cơ học - cắt bỏ cả bài, cả chương nội dung.

Băn khoăn của giáo viên khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc ở bậc THPT - 1
 Một tiết học lịch sử của học sinh THPT. (Ảnh minh hoạ: T.N)

Thầy Lê Đình Hiển, giáo viên trường liên cấp Đông Bắc Ga (Thanh Hóa) cho rằng, để học sinh không còn sợ môn Lịch sử thì tinh giản chương trình, giảm nhẹ kiến thức là cần thiết.

Theo dự kiến mỗi năm, học sinh THPT có 52 tiết học bắt buộc, tức là trung bình khoảng 1,5 tiết Lịch sử/tuần. Với học sinh có nguyện vọng học nâng cao, sẽ được học thêm 35 tiết chuyên đề.

Về mặt sắp xếp nội dung, thầy Hiển cho rằng, với kiến thức lịch sử trong chương trình bắt buộc 52 tiết không nên nặng nề về kiến thức mà chỉ cần cho các em hiểu những kiến thức căn bản về lịch sử hào hùng của dân tộc.

Còn với học sinh tự chọn thêm 35 tiết chuyên đề. Đây là những học sinh có năng lực học tập và tìm hiểu cao hơn các bạn. Hơn hết chính vì em có niềm yêu thích, say mê nên mới chọn học Lịch sử nâng cao.

"Những em như vậy thì 35 tiết học chuyên đề không thể dạy như cách cung cấp kiến thức thụ động theo kiểu truyền thống đọc chép trước đây mà chủ yếu là: hoạt động tự tìm hiểu, tự giải quyết vấn đề dưới sự hướng dẫn của giáo viên. Hiểu đơn giản là các em không chỉ học lịch sử ở trường mà còn thông qua các hoạt động trải nghiệm, tham quan, giao việc, làm việc nhóm...", thầy nói.

Vui mừng vì Lịch sử được trở thành môn bắt buộc, nhưng cô Nguyễn Thị Quỳnh Trâm, giáo viên dạy Lịch sử ở thành phố Vinh, Nghệ An đề xuất, Bộ GD&ĐT có thể kết hợp các kiến thức có nội dung tương đồng như phần kiến thức lịch sử trong môn Giáo dục quốc phòng an ninh, Nội dung giáo dục địa phương với môn Lịch sử nhằm điều chỉnh thời lượng của những phần bắt buộc này, trong khi vẫn đảm bảo khối lượng kiến thức cho học sinh.

Cô băn khoăn khi toàn bộ sách giáo khoa môn Lịch sử đã in và phát hành, nếu giờ sửa lại nội dung thì số sách giáo khoa này cũng cần tính toán lại. "Đồng thời, mong Bộ GD&ĐT sẽ ban hành thêm hướng dẫn về việc kiểm tra đánh giá học sinh khi chuyển môn Lịch sử từ tự chọn sang bắt buộc", cô nói.

Tương tự, cô Văn Liên Na, Phó hiệu trưởng trường THPT - THPT Lương Thế Vinh cơ sở Tân Triều, Hà Nội cũng hy vọng Bộ GD&ĐT sớm có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai dạy môn Lịch sử bắt buộc thế nào từ năm học 2022 - 2023 để các trường lên kế hoạch cụ thể, sắp xếp tổ hợp, giáo viên dạy các môn để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.

Cô mong muốn như vậy, bởi, chương trình môn Lịch sử bậc THPT ngay từ đầu đã được thiết kế nội dung, biên soạn sách theo hướng chuyên sâu và nâng cao hơn so với chương trình bắt buộc đại trà như trước đây. Vậy, việc sửa nội dung, giảm tải kiến thức để phù hợp với đại trà học sinh là rất khó và cần nhiều thời gian nghiên cứu. "Trong vòng 1 - 2 tháng, rất khó để Bộ GD&ĐT và các chuyên gia có thể biên soạn được nội dung phù hợp với học sinh đại trà", vị phó hiệu trưởng nói.

Sửa môn Lịch sử thế nào?

Ông Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào cho biết, dự kiến, môn Lịch sử được giữ nguyên phần chuyên đề học tập lựa chọn (35 tiết/năm học) theo định hướng nghề nghiệp, chuyển phần chủ đề môn Lịch sử 70 tiết mỗi năm thành phần bắt buộc và giảm còn 52 tiết mỗi năm để đảm bảo phù hợp với tất cả học sinh và cơ cấu đội ngũ giáo viên Lịch sử hiện nay.

Theo chương trình ban hành năm 2018, học sinh học bảy môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Học sinh học thêm năm môn lựa chọn. Các môn này được chọn trong ba nhóm môn (mỗi nhóm chọn ít nhất một môn): Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật); Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); nhóm môn Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật - Âm nhạc và Mỹ thuật).

Với việc Lịch sử có phần bắt buộc, các trường xây dựng tổ hợp chỉ bốn môn lựa chọn thay vì năm.

Mỗi môn lựa chọn có thời lượng 70 tiết/năm học. Khi giảm một môn và bắt buộc học 52 tiết Lịch sử, số tiết được giảm là 18, tức chỉ còn 997 thay vì tổng 1.015 tiết mỗi năm.

Băn khoăn của giáo viên khi Lịch sử trở thành môn bắt buộc ở bậc THPT - 2

Ông Thành cũng khẳng định, chương trình môn Lịch sử phần bắt buộc 52 tiết mỗi năm không phải được xây dựng mới từ đầu mà được điều chỉnh tinh giảm từ những nội phần tự chọn trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Bộ GD&ĐT cùng các chuyên gia sẽ bảo đảm tiến độ hoàn thành trước thềm năm học mới 2022 - 2023.

Tương tự, việc bồi dưỡng giáo viên cũng đã được thực hiện trong những năm qua và sẵn sàng triển khai trong năm học 2022-2023. Nay, việc điều chỉnh chương trình được thực hiện tinh giảm từ chính chương trình mà giáo viên đã được bồi dưỡng nên giáo viên đã bảo đảm năng lực để thực hiện.

"Tuy nhiên, Bộ sẽ tiếp tục tổ chức bồi dưỡng cho một số cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán của các địa phương trong quá trình điều chỉnh chương trình để nắm chắc hơn và kịp thời áp dụng, đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học môn Lịch sử theo chương trình mới", ông Thành nói.

HÀ CƯỜNG / VTC News