Bắn hạ tên lửa siêu thanh: Sự thực hay đòn tâm lý chiến?

Ukraine nói họ bắn hạ nhiều tên lửa siêu thanh Kinzhal của Nga nhưng chuyên gia độc lập cho rằng việc này là không thể, dù loại vũ khí Nga rất tự hào này, cũng giống như tất cả mọi loại vũ khí khác, đều không phải là cái gì đó “bất khả chiến bại” cả.

Những tuyên bố gây ngạc nhiên

Tuyên bố của Ukraine viết: “Vào lúc 7h30, 10 tên lửa đạn đạo X-47M2 Kinzhal từ máy bay chiến đấu MiG-31K đã bị phát hiện”. Ukraine nói tất cả 10 tên lửa bị vô hiệu hóa thành công. Ngoài ra lực lượng của họ còn tiêu diệt 59 tên lửa hành trình Kh-101/Kh-555/Kh-55, cùng 3 tên lửa hành trình Kalibr, theo tường thuật của Defense-blog.

Đây không phải là lần đầu tiên Ukraine tuyên bố bắn hạ tên lửa tối tân của Nga. Ngày 4/5/2023, chỉ huy Lực lượng Không quân Ukraine, Tướng Mykola Oleschuk, tuyên bố rằng một quả Kinzhal bị đánh chặn bằng hệ thống phòng không Patriot. Ngày 16/5/2023, người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine tuyên bố đã đánh chặn tất cả 6 tên lửa Kinzhal do 6 máy bay chiến đấu MiG-31K phóng đi.

Bắn hạ tên lửa siêu thanh: Sự thực hay đòn tâm lý chiến? -0
Hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất được trưng bày tại Đức tháng 4/2023. Nguồn: spectrum.ieee.org

Trong chiến tranh, không khó để tìm thấy những tuyên bố chiến thắng, thành công, thành tựu của một bên dù họ không đưa được ra những bằng chứng thuyết phục và khi tuyên bố bắn hạ Kinzhal, phía Ukraine cũng không đưa ra bằng chứng cụ thể, trực tiếp nào cho thấy tên lửa Kinzhal đã bị bắn hạ. Tất cả bằng chứng đều là gián tiếp, dựa trên các hình ảnh vệ tinh và tuyên bố của Ukraine.

Huyền thoại về tên lửa siêu thanh (hay siêu vượt âm) tầm xa Kh-47 Kinzhal của Nga từ lâu khơi dậy nỗi sợ hãi từ các đối thủ. Được bắn đi từ tiêm kích MiG-31, Kinzhal có thể đạt tốc độ lớn hơn Mach 10 ( Mach 1 tương đương 1.225km/h) và bay xa 1.500 - 2.000 km khi mang theo đầu đạn thông thường hoặc hạt nhân.

Tên lửa tiên tiến này có tốc độ vượt quá Mach 10 khiến việc đánh chặn và phòng thủ là thách thức lớn đối với các hệ thống phòng không thông thường. Tuy nhiên, khi tin tức về việc Ukraine bắn hạ Kinzhal loan đi, nhiều chuyên gia phương Tây và Ukraine đã lên tiếng cười nhạo phía Nga.

Theo một bài báo của EA Times có dẫn lại  thông tin trên tạp chí quốc phòng Trung Quốc, một số chuyên gia quân sự nước này cho rằng tuyên bố của Ukraine về việc bắn hạ Kinzhal là “có cơ sở”. Phía Nga không phủ nhận, không bác bỏ các tuyên bố của Ukraine.

Tuy nhiên, theo phân tích của một cựu phi công chiến đấu trong Không quân Ấn Độ (IAF), những tuyên bố của Kiev là “sai sự thật” và hệ thống Patriot không thể bắn hạ Kinzhal. Viết trên EA Times, Vijainder K Thakur, cựu phi công tiêm kích IAF (đã nghỉ hưu) nhận định rằng Ukraine đã “định kỳ” đưa ra tuyên bố về việc bắn hạ tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal do máy bay chiến đấu MiG-31K của Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga (RuAF) phóng đi.

“Ngày 4/5/2023, chỉ huy Lực lượng Không quân Ukraine, Tướng Mykola Oleschuk, tuyên bố rằng một quả Kinzhal đã bị đánh chặn bằng hệ thống phòng không Patriot. Ngày 16/5/2023, người phát ngôn của Lực lượng Không quân Ukraine tuyên bố đã đánh chặn tất cả 6 tên lửa Kinzhal do 6 máy bay chiến đấu RuAF MiG-31K phóng. Điều đáng ngạc nhiên là người phát ngôn lại thừa nhận rằng một trong những tên lửa Kinzhal đã phá hủy khẩu đội Patriot”, ông Thakur viết.

Theo ông, có một trò đùa lan truyền trên mạng xã hội là người Ukraine tuyên bố đã đánh chặn bất cứ khi nào Kinzhal tấn công trong khu vực mục tiêu và đánh chặn từ mặt đất. Sự thật là tên lửa siêu thanh có khả năng cơ động Kinzhal không thể bị đánh chặn bằng công nghệ hiện tại, theo ông Thakur.

Trước đây, Ukraine sẽ được cảnh báo về một cuộc tấn công bằng tên lửa Kinzhal chỉ bằng cách quan sát máy bay MiG-31K cất cánh. Bây giờ, họ phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng Kinzhal mà không có bất kỳ cảnh báo nào.

Tọa độ và hình ảnh radar của mục tiêu được truyền đến MiG-31K đang tuần tra qua liên kết dữ liệu an toàn. Dữ liệu xác định mục tiêu, thu được bằng cách sử dụng vệ tinh tạo ảnh radar, có thể được truyền trực tiếp tới MiG-31K hoặc thông qua điều khiển mặt đất.

Hệ thống quản lý vũ khí và xác định mục tiêu trên MiG-31K sử dụng dữ liệu nhận được để lập trình hệ thống điều khiển tự động của Kinzhal, tải hình ảnh radar của mục tiêu vào thiết bị tìm kiếm của tên lửa và tính toán điểm phóng. Sau đó, phi công khởi động trình tự phóng, giai đoạn sau đó quá trình này diễn ra hoàn toàn tự động.

Theo ông Thakur, Kinzhal về cơ bản là tên lửa đạn đạo Iskander-M trang bị động cơ tên lửa Iskander-M phiên bản rút gọn. Bệ phóng MiG-31K đóng vai trò là phần còn thiếu của động cơ tên lửa trên Iskander-M.

Để phóng Kinzhal, MiG-31K cần đạt tốc độ, độ cao và tọa độ giống như Iskander-M, thời gian đốt cháy còn lại tương tự. Khi tên lửa đã sẵn sàng phóng, phi công khởi động trình tự phóng. Sau đó, máy bay bay tự động để đạt được các thông số phóng tên lửa một cách chính xác. Sau khi đạt được các thông số, phi công nhấn nút khai hỏa tên lửa. Thông thường, điểm phóng tên lửa ở độ cao khoảng 20 km và tốc độ của máy bay đạt Mach 2.

Khi tên lửa được kích hoạt, động cơ tên lửa đẩy nhiên liệu rắn của Kinzhal đẩy tên lửa bay đi. Hệ thống lái tự động điều khiển quỹ đạo của tên lửa bằng cách sử dụng các cánh tản nhiệt khí động học. Tên lửa leo cao nhanh đến ranh giới tầng bình lưu để giảm thiểu lực cản.

Ranh giới tầng bình lưu là ranh giới giữa tầng đối lưu và tầng bình lưu. Nhiệt độ trong tầng đối lưu giảm theo độ cao, trong khi nhiệt độ trong tầng bình lưu tăng theo độ cao. Ranh giới tầng bình lưu là nơi nhiệt độ bắt đầu tăng. Độ cao của ranh giới tầng bình lưu thay đổi theo vị trí trên Trái đất. Ở vùng xích đạo, ranh giới tầng bình lưu nằm ở độ cao khoảng 16 km, trong khi ở hai cực, nó nằm ở độ cao khoảng 8 km.

Khi tăng độ cao bay, các cánh khí động học trở nên kém hiệu quả và tên lửa chuyển sang điều khiển vectơ lực đẩy. Khi chạm tới ranh giới tầng bình lưu, tên lửa bay theo phương ngang và tăng tốc lên Mach 10. Trong toàn bộ chuyến bay tới mục tiêu, tên lửa cơ động (thay đổi hướng, vị trí, hoặc chiến thuật để đạt được mục tiêu cụ thể) bằng cách sử dụng cơ chế điều khiển vectơ lực đẩy và sau đó là các vây để né tránh hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương.

Đến khu vực mục tiêu, tên lửa sẽ bật đầu dò tìm kiếm radar chủ động. Nó liên tục so sánh hình ảnh radar nó thu thập được với hình ảnh mục tiêu được tải trong bộ nhớ trước khi phóng. Ngay khi phát hiện sự trùng khớp, tên lửa cơ động để tấn công mục tiêu với sai số khoảng 10m.

Để đánh chặn mục tiêu thành công, hệ thống phòng không phải tính toán tọa độ của điểm đánh chặn trong không phận nơi mục tiêu và tên lửa đánh chặn sẽ bay đến cùng lúc. Khả năng tăng tốc của tên lửa đánh chặn, tốc độ tên lửa mục tiêu và phạm vi phát hiện mục tiêu của radar là rất quan trọng để đánh chặn thành công.

Trong mọi trường hợp, điểm ngắm đều ở phía trước vị trí hiện tại dọc theo quỹ đạo của tên lửa mục tiêu (bắn đón). “Nếu khoảng cách phát hiện mục tiêu ngắn và tốc độ mục tiêu rất cao, như trường hợp đánh chặn Kinzhal, thì có thể không có điểm ngắm nào khả thi”, ông Thakur nhận định.

Theo viên cựu phi công tiêm kích Ấn Độ, trong trường hợp phát hiện rất sớm, có thể tính toán điểm ngắm nhưng điểm này phải dựa trên quỹ đạo hiện tại của tên lửa mục tiêu. Nếu tên lửa mục tiêu thay đổi quỹ đạo liên tục, điểm ngắm sẽ phải được tính toán lại “liên miên”.

Khi tiếp cận tên lửa mục tiêu, quán tính của tên lửa đánh chặn sẽ loại trừ khả năng theo dõi mục tiêu chính xác. “Việc đánh chặn một tên lửa siêu thanh đang cơ động trong giai đoạn cuối của nó là gần như không thể với tình trạng công nghệ hiện nay”, ông Thakur kết luận.

Vậy phải chăng Kinzhal không thể bị đánh chặn? Theo sỹ quan không quân IAF, về lý thuyết, vẫn tồn tại khả năng đánh chặn Kinzhal ngay sau khi nó được giải phóng khỏi tiêm kích MiG-31K, lúc tên lửa này đang leo lên ranh giới tầng bình lưu theo đường thẳng, tức là không cơ động.

Tuy nhiên, điều đó đòi hỏi hệ thống phòng không, trong trường hợp này là Patriot, phải được đặt rất gần điểm phóng Kinzhal. Xét rằng Kinzhal có tầm bắn 2.000 km, khả năng một khẩu đội Patriot nằm trong phạm vi 30 km (tầm bắn của tên lửa đánh chặn PAC-3 của Patriot) tính từ điểm phóng Kinzhal bị loại trừ.

Ngoài ra, theo ông Thakur, Ukraine chưa bao giờ đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể, đáng tin cậy nào về việc bắn hạ Kinzhal.

Bắn hạ tên lửa siêu thanh: Sự thực hay đòn tâm lý chiến? -0
Ukraine trưng bày các bộ phận của tên lửa Kh-47M2 Kinzhal của Nga, được nói là bị bắn hạ hôm 16/5/2023. Nguồn: Reuters.

Không phải “vũ khí thần kỳ”

Cuộc chiến tranh Nga-Ukraine là cơ hội để thế giới lần đầu tiên chứng kiến tên lửa đạn đạo tốc độ cao phóng từ trên không Kh-47M2 Kinzhal của Nga được sử dụng. Giới quân sự thế giới đã theo sát cuộc chiến để đánh giá các loại công nghệ quân sự được các bên đem ra chiến trường.

Các nhà phân tích Trung Quốc gọi Kinzhal là một công nghệ lỗi thời thời Chiến tranh lạnh, và hiệu quả của loại tên lửa siêu thanh trong chiến tranh cho thấy đây không phải là vũ khí "thần kỳ", theo EA Times. Tên lửa Kinzhal được cho là có tốc độ nhanh đến mức áp suất không khí phía trước quả đạn tạo thành đám mây plasma khi nó di chuyển, hấp thụ sóng vô tuyến. Điều này khiến các hệ thống radar rất khó phát hiện.

Ngoài ra, Nga còn tuyên bố rằng Kinzhal có thể điều khiển để bay đến mục tiêu đã định, không giống như các tên lửa siêu thanh khác. Kinzhal là một tên lửa đạn đạo, loại tên lửa bay theo một quỹ đạo cố định, được xác định bởi vận tốc ban đầu, góc phóng và trọng lực. Tuy nhiên, Kinzhal khác với các tên lửa đạn đạo truyền thống là có thể được điều khiển để thay đổi quỹ đạo bay trong quá trình bay, theo tuyên bố của người Nga.

 Đó là lý do tại sao Kinzhal đã ở gần mục tiêu khi hệ thống radar trên mặt đất phát hiện ra chúng. Kinzhal có thể được phóng từ tiêm kích MiG-31K, tức là có thể phóng từ mọi hướng.

Tên lửa Kinzhal (tiếng Nga có nghĩa là “dao găm”) lần đầu tiên được sử dụng trên chiến trường Ukraine vào tháng 3/2022. Hồi năm 2018, tổng thống Nga Vladimir Putin giới thiệu tên lửa Kinzhal: “Tên lửa bay với tốc độ siêu thanh, nhanh gấp 10 lần tốc độ âm thanh, có thể thay đổi hướng bay ở tất cả các giai đoạn trong quỹ đạo bay cho phép nó vượt qua tất cả các hệ thống phòng không hiện có”.

Các chuyên gia phương Tây bác bỏ tuyên bố này, cho rằng ông Putin phóng đại, rằng nó chẳng qua là một tên lửa đạn đạo phóng từ trên không. Các chuyên gia Trung Quốc cho rằng rằng cả lực lượng Nga và Ukraine đều có dấu hiệu mệt mỏi và các biện pháp trừng phạt kinh tế của phương Tây đã bắt đầu mang lại kết quả.

Cuộc chiến kéo dài đã ảnh hưởng đến việc sử dụng tên lửa Kinzhal trong chiến đấu vì chúng được sản xuất với số lượng nhỏ. Sự căng thẳng về kinh tế, khi chiến tranh bước sang năm thứ ba, có nghĩa là sẽ chỉ còn lại rất ít vũ khí này trong kho.

Một bài phân tích trên tạp chí quốc phòng của Trung Quốc dẫn lời chuyên gia nói rằng “không coi tên lửa siêu thanh là vũ khí kỳ diệu có thể thay đổi cục diện cuộc chiến”. Ngoài ra, rất khó để các máy bay Nga “phóng đủ số Kinzhal để đạt được hiệu quả trên quy mô lớn”.

Kinzhal phóng từ trên không mang lại lợi thế về tầm bắn, khả năng triển khai và tính linh hoạt cao. Tuy nhiên, các chuyên gia Trung Quốc cho rằng tên lửa siêu thanh phóng từ trên không phụ thuộc rất nhiều vào hệ thống định vị vệ tinh để dẫn đường cho tên lửa trong thời gian thực. Điều này có thể khiến Nga gặp bất lợi khi hệ thống định vị vệ tinh GLONASS của nước này đang trong tình trạng độ tin cậy không cao và việc không đủ số lượng vệ tinh trên quỹ đạo làm giảm “độ chính xác của việc định hướng”.

https://antg.cand.com.vn/Ho-so-mat/ban-ha-ten-lua-sieu-thanh-su-thuc-hay-don-tam-ly-chien--i721604/

Nguyễn Xuân Thủy / antgct.cand.com.vn