Hơn nửa thế kỷ sáng tác, cố thi sĩ có gia tài giá trị về thơ ca, hội họa lẫn nhân cách sống được bạn bè trân quý.
Tác giả lời bài hát Em ơi Hà Nội phố mất sáng 17/7 ở TP HCM vì tuổi già sức yếu, hưởng thọ 93 tuổi. Nhà báo Diễm Chi - vợ cố thi sĩ kể, trước khi mất, sức khỏe ông suy kiệt, phải nằm dưỡng bệnh hai tháng, không trò chuyện được nhiều. Ra đi ở độ tuổi xưa nay hiếm, ông khiến đông đảo bạn bè, đồng nghiệp của ông xót xa với hơn 50 năm tận hiến cho thơ ca, nhạc họa.
Chân dung Phan Vũ (1926 - 2019).
Nhạc sĩ Phú Quang - người phổ nhạc Em ơi Hà Nội phố kể ông coi nhà thơ Phan Vũ như người anh thân thiết. Ca khúc phổ thơ Phan Vũ ra đời năm 1986. Nhạc sĩ hồi tưởng một buổi chiều, ông gặp cố nhà thơ và nhạc sĩ Trần Tiến để hàn huyên. Lúc này, Phan Vũ đã vào Sài Gòn sống nửa năm, lòng khôn nguôi nhớ Hà Nội. "Anh Vũ đọc chúng tôi nghe Em ơi, Hà Nội phố. Tôi nói: 'Anh viết cho anh mà em cứ ngỡ viết cho mình'. Anh Vũ cười hỏi: 'Đã có nốt nào trong đầu chưa?'. Tôi trả lời: 'Chưa có anh ạ, nhưng em linh cảm sẽ có một bài hát hay' ", Phú Quang hồi tưởng.
Hai ngày sau, Phú Quang đàn piano, hát cho nhà thơ nghe ca khúc, phổ nhạc 21 câu trong trường ca dài 443 câu của ông. Phan Vũ xúc động nói: "Phú Quang làm cho thơ anh lấp lánh quá!". Khi ấy, Lệ Thu là người đầu tiên trình diễn bài hát. Nhạc phẩm sau này được nhiều thế hệ ca sĩ thể hiện lại, từ Khánh Ly đến Thanh Lam, Hồng Nhung, Bằng Kiều..., và là một trong những nhạc phẩm nổi tiếng nhất về tình yêu, con người Hà Nội.
Một trong những lần trò chuyện cuối cùng của Phú Quang và Phan Vũ là vào năm 2018, khi thi sĩ mời ông vào TP HCM dự sinh nhật. Vì bận công chuyện, nhạc sĩ không sắp xếp được. Ông gửi tặng nhà thơ một món quà kỷ niệm, khiến Phan Vũ xúc động khôn nguôi. "Tôi tiếc mãi vì khi ấy định mua tranh của Phan Vũ. Nay, anh mất rồi mà dự định ấy vẫn chưa thực hiện được", nhạc sĩ kể.
Với nhiều đồng nghiệp, Phan Vũ là bậc tài hoa trong làng thi ca lẫn hội họa. Nhà thơ Lê Minh Quốc - một đồng nghiệp thân thiết với Phan Vũ những năm cuối đời - chia sẻ, cố thi sĩ từng thử sức ở nhiều lĩnh vực, từ điện ảnh, sân khấu, đến hội họa. Tuy nhiên, ở riêng mảng thơ ca, Phan Vũ mới ghi lại nhiều dấu ấn nhất, dù đây là mảng ông ít dành thời gian. Năm 2018, Phan Vũ ra mắt tập thơ Ta còn em, được nhiều đồng nghiệp đánh giá là những sáng tác thơ tình đỉnh cao trong sự nghiệp của ông. "Tôi thường so sánh Phan Vũ với Nguyễn Đình Thi, Văn Cao - những bậc tài hoa đã kinh qua nhiều lĩnh vực và ở mảng nào, họ cũng đạt được những thành công nhất định", Lê Minh Quốc nhận xét.
Đồng cảm nhận, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên đánh giá Phan Vũ là nghệ sĩ đa tài. Ông viết kịch, làm phim, viết thơ, vẽ tranh đều giỏi. Từ năm 1955, ông đã có kịch bản được dựng trên sân khấu. "Anh viết thơ không nhiều nhưng thơ Phan Vũ có nét đặc sắc riêng, giàu tính nhạc và hoạ. Trường ca Em ơi, Hà Nội phố ra đời năm 1972, khi Hà Nội bị tàn phá bởi bom Mỹ. Tác phẩm được anh viết bằng tâm tình của một nghệ sĩ, một người lính yêu cái đẹp, là tư liệu quý cho những thế hệ sau khi nghiên cứu về lịch sử Hà Nội", ông Phạm Xuân Nguyên bày tỏ.
Phan Vũ bên tập thơ "Ta còn em" - ra mắt năm 2018.
Nhạc sĩ Trương Tuyết Mai Mai - tác giả bài Huế, tình yêu của tôi - kể bà và ông từng gặp gỡ vài lần trong các buổi hội thảo dành cho các nghệ sĩ. Ấn tượng của bà về ông là tính cách điềm đạm, phong thái mực thước và vẻ ngoài phong độ hơn nhiều so với độ tuổi 80 khi ấy. Ông có vài lần mời bà đến dự khai trương phòng tranh ở TP HCM. Hâm mộ ông ở mảng thi ca, nhưng khi tiếp xúc với tranh Phan Vũ, nhạc sĩ mới nhận ra trọn vẹn nét tài hoa của cố thi sĩ. Với bà, tranh ông thiên về bút pháp trừu tượng, thường vẽ theo khối tảng và ít đi vào chi tiết. "Tranh ông cũng như người, trầm mặc, thiên về chiều sâu", bà chia sẻ.
Qua những lần tiếp xúc với Phan Vũ ngoài đời, nhiều đồng nghiệp còn ngưỡng mộ ông ở vẻ đĩnh đạc, phong độ trẻ trung so với tuổi. Nhà thơ Lê Minh Quốc từng thán phục ở ông có cơ địa sức khỏe tốt hiếm thấy. Ở tuổi ngoài 80, ông vẫn mặc áo ba lỗ, quần short, đầu đội nón cối, chạy xe Cub 50 "phóng vù vù" trên phố. Gặp đồng nghiệp, ông thường cười nói rôm rả rất hào sảng. Nhiệt huyết với nghề được ông giữ đến những ngày tháng cuối đời. Hơn 90 tuổi, ông vẫn miệt mài vẽ từ nửa đêm đến gần sáng. "Với tôi, Phan Vũ sinh ra là để tận hiến cho nghệ thuật. Nhiều người đến với thơ ca, hội họa có đôi chút vụ lợi, riêng Phan Vũ thì tuyệt nhiên không. Tôi luôn nhìn ông như một người theo chủ nghĩa Bohemian, một kẻ lang thang trên du mục, sống ngang tàng và đầy nghệ sĩ tính", Lê Minh Quốc kể.
Phạm Xuân Nguyên cho biết những năm gần đây, ông có nhiều dịp gần gũi nhà thơ Phan Vũ, thường xuyên vào Sài Gòn thăm ông. Ở tuổi ngoài 90, cố thi sĩ luôn giữ vẻ yêu đời: "Anh Vũ là người lạc quan, hồn nhiên. Anh được trời phú cho vóc dáng cao ráo, khuôn mặt lãng tử, giọng nói truyền cảm. Tôi kém anh 28 tuổi nhưng anh không bao giờ tỏ thái độ bề trên. Với những văn nghệ sĩ đồng điệu tâm hồn, anh luôn thoải mái, cởi mở. Cuối đời, vì tuổi cao, sức yếu, anh đi lại khó khăn hơn, giọng nói run rẩy nhưng vẫn hài hước, dí dỏm", ông kể.
Nhà thơ Văn Công Hùng nhớ lại dịp gặp Phan Vũ ở Đà Nẵng năm 2014. Anh ấn tượng với vẻ ngoài phong độ của cố thi sĩ, dù ông đã gần 90 tuổi. Khi đó, anh đăng lên Facebook bức ảnh Phan Vũ chụp chung với một số người 60 tuổi và đố trong ảnh ai 90 tuổi, nhiều người vẫn không nhận ra. Trong trí nhớ của nhà thơ, Phan Vũ có ngoại hình gợi hình ảnh văn hào Mỹ Ernest Hemingway. Buổi gặp đó, anh được nghe thi sĩ đọc nguyên bài thơ Em ơi Hà Nội phố bằng giọng rất đẹp, truyền cảm, trầm hùng... Đến nay với anh, đó vẫn là một trong những bài thơ hay nhất về Hà Nội, về chiến tranh. "Giờ bác đi, đại thượng thọ. Vĩnh biệt bác. Ta còn em mùi hoa sữa...", Văn Công Hùng viết trên trang cá nhân.
Phan Vũ, tên thật là Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Ông là nhà thơ, nhà viết kịch, đạo diễn sân khấu, điện ảnh. Năm 1954 ông làm việc tại Hà Nội. Sau ngày đất nước thống nhất, Phan Vũ định cư ở TP HCM. Ông là đạo diễn của Bí mật thành phố cấm, Như một huyền thoại... Kịch bản sân khấu Lửa cháy lên rồi của ông từng đoạt giải nhì của Hội văn nghệ Việt Nam năm 1955. Ở tuổi ngoài 90, Phan Vũ vẫn miệt mài làm việc. Tháng 4/2018, nhà thơ ra mắt tuyển tập Ta còn em. Tháng 7/2018, ông mở triển lãm tranh Em ơi, Hà Nội phố tại TP HCM, trưng bày 25 tác phẩm sơn dầu.