Bài học ở tòa Bạch ốc

Từ khi Ban Mê Thuật được giải phóng ngày 10/3/1975, gia đình tôi như biến thành cục tác chiến mini.

Từ ông già bà cả tới hàng con cháu, mỗi ngày đều dán mắt mắt vào tấm bản đồ trên tường theo dõi những bước tiến thần tốc của quân dân ta ở miền Nam.

Làm việc ở Bộ Ngoại giao lúc ấy, suốt ngày đêm anh em chúng tôi miệt mài theo dõi dư luận thế giới và tìm cách ứng phó với đủ kiểu thiên hạ thăm dò ý định thật sự của ta.

Thế rồi, trưa ngày 30/4, đài Tiếng nói Việt Nam đưa tin toàn thắng. Niềm vui bất ngờ đã làm "nổ tung" Hà Nội.

Trên ban công trụ sở Thông tấn xã Việt Nam xế nhà tôi vang lên những tràng pháo dài. Hàng vạn người đổ ra quảng trường Nhà hát lớn, lấp đầy các con đường quanh Hồ Gươm và đường Tràng Thi dẫn lên cửa Nam. Họ tiến về quảng trường Ba Đình và Lăng Bác.

Lúc này, anh em chúng tôi lại lao vào thu thập, tổng hợp thông tin về dư luận thế giới đối với sự kiện lịch sử này; tiếp nhận, biên dịch và báo cáo về những bức điện mừng của lãnh đạo các quốc gia và tổ chức khắp năm châu bốn biển gửi tới lãnh đạo và nhân dân cả nước ta.

Thú thật, mong ước cháy bỏng của tôi lúc ấy là được bổ ngay vào miền Nam để được ngụp lặn trong dòng chảy của sự kiện lịch sử nóng bỏng.

Thế nhưng, nhân định không bằng thiên định. Thay vì vào Nam, tôi được lệnh đi sang tít chân trời phía Bắc là Liên Xô. Đoàn đại biểu Đảng và chính phủ ta do ủy viên Bộ Chính trị, phó thủ tướng chính phủ, bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Trinh dẫn đầu sang dự lễ kỷ niệm lần thứ 30 Ngày chiến thắng fascist ở Matxcơva. Tôi đành tự an ủi: thay vì tận hưởng không khí chiến thắng trong nước mình có dịp chứng kiến không khí bè bạn năm châu chia vui với dân tộc ta vậy.

Quả thật, lễ kỷ niệm ngày chiến thắng fascist ở Liên Xô quy tụ hàng trăm đoàn đại biểu cấp cao của các nước đã biến thành lễ mừng hai cuộc đại thắng: 9/5 của Liên Xô và 30/4 của Việt Nam.

Hội trường cung đại hội Kremlin chứa mấy nghìn người vang lên những tràng vỗ tay và lời hoan hô nồng nhiệt mỗi khi cái tên "Việt Nam" được nhắc tới. Diễn văn của đồng chí Nguyễn Duy Trinh nhiều lần bị ngắt quãng bởi những tràng pháo tay kéo dài. Có thể nói, chiến thắng 30/4 không chỉ là niềm tự hào của riêng dân tộc ta mà còn là biểu tượng của chính nghĩa, khát vọng hòa bình đối với mọi dân tộc.

Cuối cùng, tôi cũng có dịp vào miền Nam. Chiếc cầu Hiền lương dài chỉ mấy trăm mét nhưng có thể chia đôi đất nước, tạo ra bi kịch của cả một dân tộc và biết bao gia đình. Thăm thành cổ Quảng trị hoang tàn, tôi càng thấm thía chân lý: niềm vui 30/4 phải trả giá bằng biết bao xương máu của nam thanh nữ tú đất Việt.

Cảm giác choáng ngợp, sững sờ khi vào tới Sài Gòn khi ấy đã luôn đeo bám tôi. Không phải vì sự đồ sộ, phồn hoa của thành phố, vì tôi từng thăm quan không ít thành phố đồ sộ hơn nhiều, mà chủ yếu vì sự ngạc nhiên: nội đô hầu như nguyên vẹn, cứ như chưa hề chứng kiến bom rơi, đạn lạc.

Lúc ấy, tôi bỗng nhớ tới những điều Bí thư thứ nhất Ban chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Lê Duẩn, từ lâu trước 30/4/1975 chia sẻ với anh em phục vụ trong một dịp đi công tác nước ngoài. Về đại thể, ông nói, ta không thể áp dụng chiến lược "lấy nông thôn bao vây thành thị" mà phải thực hiện chiến lược "ba vùng chiến lược, ba mũi giáp công" (tức là không ngừng thế tiến công ở cả vùng nông thôn lẫn thành thị và rừng núi, đấu tranh cả về quân sự lẫn chính trị và địch vận) để Sài Gòn và các thành phố lớn đỡ tổn thất.

Những gì được thấy ở Sài Gòn và cả Cần Thơ, Huế, Đà Nẵng... sau đó là minh chứng hùng hồn về tầm nhìn chiến lược đó.

Và nữa, lần đầu được vào miền Nam, nhưng sao tôi thấy nhiều địa danh quen thuộc đến thế? Hóa ra trong tiềm thức tôi đọng lại rất nhiều địa danh liên quan tới các trận đánh, những chiến dịch diễn ra suốt mấy chục năm của hai cuộc chiến tranh cứu nước.

Các bà má miền Nam cũng bỏm bẻm nhai trầu hiền khô hệt như các mệ miền Trung và các mẹ miền Bắc. Những con người, tính cách, văn hóa của bà con trong Nam ngoài Bắc đâu có khác nhau nhiều mà người ta nhẫn tâm chia ly mấy chục năm dòng?

Cuối cùng, tôi xin chia sẻ cảm nghĩ về nước Mỹ. Lần đầu tiên sang Mỹ khi hai nước chưa bình thường hóa quan hệ, đặt chân lên sân bay San Francisco, trong đầu tôi bỗng nảy sinh ý nghĩ: "cái nước hiện đại, hùng mạnh thế này mà lại thua nước ta - một nước còn nghèo nàn lạc hậu - thì quả thật không dễ gì ‘nuốt’ nổi". Hóa ra thắng, thua không chỉ tùy thuộc vào vũ khí, tiền bạc mà còn do những "sức mạnh mềm" như truyền thống văn hóa, lòng quả cảm, ý chí kiên cường, tính chính nghĩa. Những phẩm chất ấy, dân tộc ta mạnh hơn nhiều.

Rồi vật đổi, sao dời, tháng 7 năm 2000, Tổng thống Bill Clinton đã tiếp tôi với tư cách Bộ trưởng Bộ Thương mại sau khi ký Hiệp định thương mại song phương tại Mỹ. Trong tòa Bạch ốc, ông kể rằng, chính tại nơi đây Tổng thống Roosevelt đã nhắc tới cái tên Việt Nam khi còn chiến tranh. Nay, cựu thù thuở nào trở thành đối tác.

Chỉ có hợp tác bình đẳng mới có lợi cho hai nước, cho khu vực và thế giới. Đó là một bài học đậm nét tôi rút ra hôm ấy, khi đứng trong tòa Bạch ốc với hồi ức ngày 30/4.

Vũ Khoan

Việt Nam đề xuất hợp tác cùng Mỹ sản xuất vaccine COVID-19 Việt Nam đề xuất hợp tác cùng Mỹ sản xuất vaccine COVID-19

Đại sứ Hà Kim Ngọc đề nghị Mỹ tăng cường hỗ trợ các nước Đông Nam Á tiếp cận với vaccine ngừa COVID-19, hợp tác ...

/ vnexpress.net