Trước thực tế bệnh viện thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế - được coi không bình thường này, Bộ Y tế đã có những phân trần.
Bộ Y tế phân trần
Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế ở một số cơ sở y tế thời gian qua, Thứ trưởng phụ trách điều hành hoạt động của Bộ Y tế - ông Đỗ Xuân Tuyên - cho biết, để tháo gỡ một phần khó khăn, trong 6 tháng đầu năm 2022, Bộ Y tế đã cấp giấy đăng ký lưu hành cho 963 thuốc; công bố danh mục 6.251 thuốc có giấy đăng ký lưu hành hết hiệu lực trước ngày 30/6/2022 và được kéo dài hiệu lực đến ngày 31/12/2022 cấp 738 giấy phép nhập khẩu sinh phẩm xét nghiệm trong phòng thí nghiệm; 21.762 giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế và 22 số lưu hành trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong trường hợp cấp bách.
Hiện có khoảng 140.000 thông tin kê khai giá trang thiết bị y tế được công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để các đơn vị tra cứu, làm cơ sở mua bán trang thiết bị y tế theo quy định.
Thứ trưởng Đỗ Xuân Tuyên cho biết, sau khi nhận được phản ánh của các địa phương, cơ sở y tế về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai mua sắm, đấu thầu, Bộ Y tế sẽ phối hợp, làm việc với các bộ, ngành liên quan để phối hợp điều chỉnh, bổ sung, tháo gỡ.
Dưới góc độ đơn vị khám chữa bệnh chuyên ngành sản phụ khoa, PGS TS.BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc Bệnh viện Hùng Vương, TP. Hồ Chí Minh cho rằng, cần xây dựng trung tâm mua sắm tập trung. Việc xây dựng một trung tâm mua sắm tập trung sẽ giảm tải cho các khoa dược bệnh viện, giúp đơn vị làm công tác chuyên môn lâm sàng thay vì chật vật và nơm nớp lo mỗi khi thực hiện đấu thầu.
“Cần có cơ chế cho tình huống đã ở mức khẩn cấp như hiện nay. Bây giờ nên quy định như thế nào là khẩn cấp. Và cấp nào thì được xác định đó là khẩn cấp. Từ đó căn cứ mình được phép áp dụng những hình thức khẩn cấp phục vụ cho người bệnh” - bác sỹ Hoàng Thị Diễm Tuyết nêu ý kiến.
Chuyên gia hiến kế
Trước câu hỏi của phóng viên, từ vụ Việt Á, tại thời điểm này, hầu hết cơ sở y tế khám chữa bệnh không dám mua sắm trang thiết bị, đấu thầu mặc dù hiện nay trang thiết bị y tế đang rất thiếu, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) lần này cũng không đề cập đến. Vậy đây có phải là điều cần phải bổ sung thêm?, ông Tạ Văn Hạ - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh: Vấn đề đầu tư trang thiết bị bị ràng buộc bởi nhiều luật khác như Luật PPP, Luật Đầu tư công, Luật Tài sản công… không phải chỉ riêng Luật Khám bệnh, chữa bệnh mà giải quyết được hết.
Ở đây, phải tháo gỡ bằng cách đánh giá nguyên nhân tại sao có thực trạng như vậy, để hoàn thiện ngay hệ thống pháp lý, thể chế. Bởi, ngành y là ngành đặc thù, liên quan đến sinh mạng, sức khỏe của nhân dân nên việc hoàn thiện hệ thống pháp lý trong xã hội cần phải làm ngay.
“Tôi còn nghe câu chuyện hiện nay những máy móc đầu tư rất lớn, nhưng lại trở thành tang vật của vụ án và đang “đắp chiếu” để đấy. Trong khi đó, người bệnh rất cần tiếp cận những thiết bị, công nghệ hiện đại. Nên nếu không khắc phục được sớm thì sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến người bệnh” - ông Tạ Văn Hạ nói.
Bà Nguyễn Thúy Anh - Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội dẫn chứng, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất y tế, kit xét nghiệm phục vụ công tác điều trị Covid-19 gặp nhiều khó khăn, chủ yếu sử dụng trang thiết bị y tế được tài trợ hoặc do Bộ Y tế cấp hoặc chỉ thực hiện mua sắm các trang thiết bị đã được đấu thầu từ trước, do nguồn cung khan hiếm đẩy giá các mặt hàng y tế tăng cao.
Bên cạnh đó, việc tham khảo giá trên các trang công khai của Bộ Y tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có nhiều thông tin khác nhau, nhiều mức giá khác nhau tại một thời điểm, dẫn đến tình trạng trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch tại tuyến y tế cơ sở còn thiếu.
"Vấn đề này chúng tôi kiến nghị Chính phủ nên chỉ đạo Bộ Y tế chuẩn bị luật về trang thiết bị y tế. Trang thiết bị y tế tác động trực tiếp đến người bệnh nên cần phải sớm có luật. Ngoài ra, cần phải có một hướng dẫn về việc nghiên cứu xây dựng nghị định về mua sắm công trong lĩnh vực y tế, trang thiết bị, hóa chất, vật tư y tế, thuốc, vaccine, sinh phẩm y tế" - bà Nguyễn Thúy Anh đề xuất.
Ông Y Thanh Hà Niê Kđăm - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội thông tin, hiện nay đang có tình trạng về việc thiếu thuốc cục bộ và thiếu một số sinh phẩm ở một số bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và một số địa phương do khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện đấu thầu thuốc. Người dân, đặc biệt là bà con vùng dân tộc thiểu số khi chuyển lên tuyến trên thường phải mua thêm thuốc.
Trước thực tế này, ông Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị Chính phủ có sự quan tâm trong việc chỉ đạo triển khai giải quyết tình trạng trên. Người dân cần được cứu chữa bệnh kịp thời, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, khi di chuyển bệnh nhân xuống khu vực bệnh viện lớn tuyến 1, tuyến 2 sẽ bị chậm, theo đó, sự đảm bảo chăm sóc sức khỏe và khám, chữa bệnh sẽ không đạt yêu cầu.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh thông tin, trong vấn đề này có nhiều nguyên nhân, các nhà thuốc nếu bán buôn cho bệnh viện thì họ sẽ bán theo giá bán buôn và sẽ giảm khoảng 20% so với giá bán lẻ bên ngoài. Nhưng khi tính vào giá thuốc cho bệnh nhân thì các bệnh viện được tính theo giá bán lẻ, khoảng chênh lệch 20% đó từ trước đến nay thuộc về bệnh viện mua và tiền đó được phân bổ như thế nào thì từ trước đến nay chưa được quy định.
"Bây giờ vào kiểm tra, thanh tra sẽ lộ ra khoản đó, như vậy có bác sĩ từ trước đến nay làm việc đó một cách bình thường thì nay lại đâm ra là có tội, nên sự dè dặt trong thời gian qua là một điều dễ hiểu và cũng rất thông cảm với bác sĩ và bệnh viện" - ông Lê Đăng Doanh nói.
Tuy vậy, tình hình đó sẽ dẫn đến thiệt thòi cho bệnh nhân. Để giải quyết vấn đề này, ông Lê Đăng Doanh cho rằng: Thứ nhất, các cơ quan có liên quan cần ngồi lại với nhau và có quy định để xử lý chênh lệch giữa giá bán buôn và bán lẻ để xem khoản chênh lệch giá thuốc đó nên được xử lý như thế nào; thứ 2, là cũng cần có sự xem xét, đó là việc quy trách nhiệm và việc xem xét ở đây có sự cố ý hay sự vi phạm một cách có hệ thống hay không.
"Trong điều tra, xem xét cần có sự khách quan và khi chúng ta đã có cơ chế giải quyết ổn thỏa vấn đề này thì việc đấu thầu thuốc vào bệnh viện sẽ sớm được khắc phục" - ông Lê Đăng Doanh bày tỏ.
Bộ Y tế đang phối hợp Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan để xây dựng hành lang pháp lý phục vụ cho đấu thầu và hình thức đầu tư xã hội hóa trong y tế. Cụ thể, trong đấu thầu, ngành y tế đề nghị các đơn vị lập kế hoạch lựa chọn nhà thầu cung cấp hàng hoá, dịch vụ dùng trong khám bệnh, chữa bệnh. Việc này phải đảm bảo tính chủ động, công khai, minh bạch, có tính kế thừa và dự phòng hợp lý để tránh tình trạng bị động giữa các kỳ gây ảnh hưởng hoạt động của đơn vị.